Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La được giao quản lý, bảo vệ hơn 274 km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Do điều kiện địa lý và lịch sử để lại nên đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới của tỉnh Sơn La còn khá nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế xã hội chậm phát triển so với các khu vực khác. Đây cũng là địa bàn các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hoạt động của tổ chức lưu vong, đòi ly khai, tự trị; hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật và các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,…
Bám sát đặc điểm nói trên, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Trong đó, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, cơ sở, nhất là 06 huyện biên giới tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.
|
Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp cùng người dân tuần tra khu vực biên giới. (Ảnh: Hà Sơn). |
Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã phân công 06 cán bộ là chỉ huy đồn biên phòng tham gia cấp ủy 06 huyện biên giới, 17 cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy ở 17 xã biên giới, giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã; phân công 273 đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp giúp đỡ 538 hộ/2.680 khẩu/164 bản/17 xã/06 huyện biên giới; 133 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 121 chi bộ bản biên giới. Đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kết nạp được trên 500 đảng viên, xóa 02 bản trắng đảng viên ở khu vực biên giới (bản Nậm Khún, xã Mường Lèo và bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp).
Với nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cùng hệ thống chính trị và toàn dân, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn toàn tỉnh đã được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc. Hệ thống chính trị ở các địa phương khu vực biên giới được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống của nhân dân khu vực biên giới được nâng lên. Qua đó, tạo nền tảng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
|
Trao bò giống cho người dân khu vực biên giới tỉnh Sơn La. (Ảnh: Thúy Hằng). |
Theo đồng chí Đại tá Nguyễn Đình Huân, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồn biên phòng tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trọng tâm là Kế hoạch số 93/KH-UBND, ngày 29/3/2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện Đề án của Bộ Quốc phòng về tổ chức tập huấn chuyên sâu, tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, cùng các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 - 2025, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Hiệp định về quy chế biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân Lào,… Qua đó, trực tiếp giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới về chủ quyền quốc gia, quốc giới; nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân, tổ chức trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 70/70 bản giáp biên giới với 4.233 hộ/18.036 gia đình tham gia đăng ký tự quản 274,065km đường biên giới, 126/126 cột mốc quốc giới, thành lập 262 tổ tham gia tự quản an ninh trật tự thôn bản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cũng chủ động phối hợp, huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng các mô hình tiêu biểu, như: “Trồng cây ăn quả trên đất dốc”, “Bữa sáng cho em”; “Hũ gạo tiết kiệm giúp các hộ nghèo nơi biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Trồng cây chanh leo”, “Nuôi dê sinh sản”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Con nuôi đồn biên phòng”,… Hiệu quả tích cực thu được từ những mô hình này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và Bộ đội biên phòng, xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới ngày càng vững chắc.
Anh Vàng A Thanh ở bản Đin Chí xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Thực hiện chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, tôi và một số hộ trong bản được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ bò giống trị giá 15 triệu đồng/con. Đến nay, số bò này đều sinh trưởng tốt. Bò nhà tôi đã sinh sản được lứa đầu tiên. Bộ đội Biên phòng còn hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả, nhận nuôi con em các gia đình khó khăn,.. Bà con biết ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm”.
Phát huy những kết quả đã làm được, thời gian tới, song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các dự án bố trí, sắp xếp ổn định khu dân cư biên giới; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các điểm dân cư gần các đồn, trạm biên phòng. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị khu vực biên giới; đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn trật tự, an ninh thôn, bản; duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ an ninh tự quản ở các thôn, bản biên giới. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hỗ trợ người dân vùng biên phát triển kinh tế xã hội, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, vừa tăng cường tình đoàn kết quân dân, vừa góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo sức mạnh bảo vệ vững chắc phên giậu của Tổ quốc./.