“Quyền công dân” không tách rời “Nghĩa vụ công dân” trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Thứ ba, 10/12/2013 09:30

(ĐCSVN) - Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Vì vậy, công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong đó, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh ban hành Hiến pháp sửa đổi ngày 6 tháng 12 năm 2013.

Hiến pháp mới là sự thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mục tiêu của việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp lần này là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
 
(Ảnh: TTXVN)


Trong Hiến pháp mới có nhiều điều, khoản hiến định về quyền công dân và nghĩa vụ công dân đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Về nội dung này, đáng chú ý là các Điều 15 và Điều 45. Tại Điều 15, khoản 1 của Hiến pháp mới có viết: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân và Điều 45, khoản 1 viết: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân; Điều 45, khoản 2 viết: Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là những vấn đề lớn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc, tầm khái quát rất cao. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập sâu hơn vấn đề thứ nhất: Công dân phải thực hiện quyền và nghĩa vụ quân sự, góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Hiện nay, ở nước ta, mỗi năm, có hàng triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc, nhưng do yêu cầu tổ chức biên chế của quân đội, trong số hàng triệu thanh niên chỉ có một bộ phận nhập ngũ. Vì vậy, đã xuất hiện câu hỏi: Số thanh niên còn lại làm gì và làm thế nào để họ có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc? Điều này chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nó đã và đang được đông đảo người dân quan tâm, thảo luận, đưa ra nhiều đề xuất khác nhau, trong đó, có việc đề xuất cho thanh niên đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, việc đóng tiền có thể coi là một trong các hình thức "nghĩa vụ thay thế" bên cạnh nghĩa vụ công an nhân dân và nghĩa vụ dân quân tự vệ có thời hạn. Điều đó cũng có nghĩa là thanh niên đến tuổi nhập ngũ nhưng không muốn nhập ngũ thì chỉ cần đóng một khoản tiền nhất định để làm “nghĩa vụ thay thế". Nhiều người cho rằng, Nhà nước nên làm như vậy để bảo đảm công bằng giữa các công dân. Với cách nhìn nhận ấy, không ít người đã khẳng định: Đóng tiền cũng là một hình thức để thanh niên không làm nghĩa vụ quân sự, nhưng cũng góp phần thực hiện nghĩa vụ đóng góp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Tham khảo nhiều nước trên thế giới, chúng tôi thấy rằng, ở nước ta, một bộ phận nhân dân đã tán đồng với cách làm như một số nước đã từng làm vì thấy nó có hiệu quả nhất định, người dân nước họ hài lòng, chấp nhận. Vì vậy, những người này đề nghị Nhà nước ta cũng nên nghiên cứu, áp dụng hình thức ấy, coi đó là biện pháp khả thi để khắc phục những tiêu cực trong xét tuyển, gọi thanh niên nhập ngũ hiện nay. Theo họ, trên thực tế, việc "trốn nghĩa vụ quân sự" đã xảy ra khá thường xuyên ở các địa phương thông qua các hình thức “chạy chọt” để có giấy chứng nhận không đủ sức khỏe, hay nằm trong các diện miễn trừ khác. Nếu áp dụng hình thức đóng tiền, theo những người ủng hộ phương thức này, có thể công khai hóa quá trình gọi nhập ngũ và tăng nguồn thu cho xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân; người không nhập ngũ cũng thấy “an tâm, thanh thản”. 

Tuy nhiên, việc đề xuất đóng tiền như hình thức nghĩa vụ thay thế cũng gây phản ứng trái chiều, không đồng tình, ủng hộ từ nhiều người. Bởi vì, làm như thế là phân biệt đối xử giữa người giàu với người nghèo; là làm cho quân đội ngày càng kém chất lượng. Nếu áp dụng phương thức này thì nhiều gia đình khá giả không muốn con em mình gian khổ vì đi bộ đội, mà muốn con em của họ ở nhà, thi, học cao đẳng, đại học hoặc đi làm kiếm tiền và họ sẽ sẵn sàng chi một khoản tiền, đóng góp thay thế gọi là đã “hoàn thành nghĩa vụ công dân”. Điều đó dẫn đến một hệ quả tất yếu là chỉ có những gia đình nghèo khó, không có tiền đóng thế thì con em họ buộc phải nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Rõ ràng, việc đóng tiền thay thế việc nhập ngũ, không phải làm nghĩa vụ quân sự đối với công dân có đủ điều kiện, sinh trưởng trong gia đình giàu có sẽ gây nên sự bất công xã hội. Một việc lớn, hệ trọng như việc xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc mà chỉ cần có tiền đóng thế là xong thì những chuyện khác, đồng tiền sẽ làm tha hóa con người đến mức nào, tính ưu việt của chế độ ta sẽ ra sao.

Để khắc phục tình trạng này, trên thế giới, ở một số nước đã thực hiện nghĩa vụ thay thế cho nghĩa vụ quân sự, thông thường chính quyền khuyến khích các nghĩa vụ dân sự như: Lao động tại các cơ sở công ích, hay y tế, tham gia một số ngày công xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh chứ không nộp tiền. Đóng tiền thay thế việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự hay không đóng tiền là một vấn đề nhạy cảm, mang ý nghĩa đặc biệt hệ trong, rất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là việc đưa nó thành quy định, thành luật định. Bởi lẽ, nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thiêng liêng đối với mỗi công dân có Tổ quốc và tự giác tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống của chính mình, gia đình của mình. Đó là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ và cũng là công việc cống hiến và sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, tính mạng, cuộc sống của mình khi Tổ quốc cần. Vì lẽ đó, đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được. Điều sâu sắc này đã được đúc kết, khái quát tại Điều 45, khoản 1 của Hiến pháp mới: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân và khoản 2 viết: Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. 

Trước yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì chất lượng thanh niên nhập ngũ ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Vì lẽ đó, thanh niên nhập ngũ phải có trình độ đại học và sau đại học, có phẩm chất đạo đức tốt. Đây cũng là điều kiện tốt để làm rạng danh danh hiệu: “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
 
Hiện nay, ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., nhiều quân nhân là thanh niên đã đỗ đại học, hoặc đang là sinh viên, nghiên cứu sinh nhưng đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự đều tự giác nhập ngũ. Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự lại tiếp tục học tập, công tác. Điều này hoàn toàn đúng và nó mang lại sự công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi công dân. Pháp luật của họ đã làm nghiêm điều đó và nền văn hóa, đạo đức của họ đã khẳng định truyền thống tốt đẹp đó.

Nếu chúng ta cho phép: Ở Việt Nam, hễ ai có tiền nhưng không muốn nhập ngũ, không cần thực hiện nghĩa vụ quân sự, đóng tiền thay thế nhập ngũ thì tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả: Trong quân đội chỉ còn lại những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo, trình độ không đạt chuẩn tham gia quân đội. Đó là điều không thể chấp nhận đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhất là xây dựng các quân, binh chủng kỹ thuật: Phòng không - Không quân, Hải Quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Pháo binh, Tăng thiết giáp, v.v., đang cần nhiều người tài giỏi phục vụ quân đội. Chúng ta thấy rõ, cả về lý luận và thực tiễn đều khẳng định, suy đến cùng, thắng lợi hay thất bại trong chiến tranh, rốt cuộc đều do con người quyết định. 

Nhập ngũ để xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, nó liên quan đến vấn đề xương máu và gắn chặt với lợi ích quốc gia, dân tộc. Đã là vấn đề xương máu, danh dự, phẩm giá con người; là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm thì mọi công dân, bất kể là ai, đều phải bình đẳng trước pháp luật, đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Thực tế chỉ ra rằng, trong thời chiến, đặc biệt là trong thời bình, quân nhân phục vụ trong quân đội luôn gặp sự rủi ro khi họ tham gia phòng, chống lụt bão, thiên tai, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; thậm chí có thể hy sinh, thương tích. Vì thế, đã nói đến xương máu thì không thể thay thế bằng tiền. Cho nên, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng trong việc bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thành thị hay nông thôn. Hễ thanh niên có đủ điều kiện theo luật định, đều phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo Luật Nghĩa vụ ở nước ta, công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ mười tám tuổi đến hết hai mươi lăm tuổi đều phải nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trừ các trường hợp tạm hoãn hoặc miễn gọi.

Mới đây, Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, nếu công dân nhận giấy báo trúng tuyển đại học, cao đẳng và lệnh gọi nhập ngũ cùng một lúc thì sẽ phải thực hiện lệnh nhập ngũ trước. Điều đó khẳng định rõ tính nghiêm khắc của luật pháp đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân trong việc bổ sung đội ngũ tân binh có chất lượng. Thông tư số 13 đã góp phần giải quyết công bằng xã hội, không để người học giỏi chỉ biết vào đại học, đến khi học xong lại hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn người thi không đỗ phải nhập ngũ. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng và ưu tiên hàng đầu đối với Tổ quốc. Việc học tập là suốt đời. Thanh niên là lớp người trẻ tuổi, còn có nhiều cơ hội học tập, lập thân, lập nghiệp, vào đời và đạt ước mơ, hoài bão. 

Hơn nữa, quân đội là một trường “đại học tổng hợp” - một trường đại học lớn, đã và đang giúp thanh niên tiến bộ, trưởng thành. Cần xem việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là nét văn hóa đẹp để thể hiện lòng yêu nước, làm rạng danh danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, “thanh niên thời đại Hồ Chí Minh”.

Ở nước ta, thanh niên dưới 25 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình có thời hạn là 18 tháng (lục quân) và 24 tháng đối với các binh chủng kỹ thuật là hợp lý và cũng phù hợp với thực tế Việt Nam. Những quân nhân thi hành xong nghĩa vụ quân sự trở về tiếp tục học tập, lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, chúng ta cũng không cứng nhắc. 

Thông tư số 13 có hiệu lực từ ngày 7/3/2013 có những thay đổi đáng chú ý về đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự; trong đó nêu rõ, đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự: Người chưa đủ sức khỏe (theo kết luận của hội đồng khám sức khỏe); là lao động duy nhất nuôi những người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đủ tuổi lao động. Có anh, chị, em là hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ.…thì tạm hoãn gọi nhập ngũ. Những điều chỉnh như thế là hợp lý, có thể chấp nhận được, hợp lòng dân ...

Rõ ràng, Điều 15, khoản 1 của Hiến pháp mới quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" (Khoản 1, Điều 16); “công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều 64).
 
Thiết nghĩ, thực hiện quyền và nghĩa vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc đã được Hiến pháp mới hiến định rất rõ ràng. Là người Việt Nam yêu nước, chắc chắn, mỗi thanh niên - công dân sẽ thấu hiểu sâu sắc điều đó và sẽ tự giác tham gia, hoàn thành tốt trách nhiệm công dân./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực