Thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào

Thứ ba, 30/05/2023 19:16
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau 15 năm thực hiện quy chế, hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới khẳng định tính đúng đắn, cấp thiết, là xu thế tất yếu, là nhu cầu tự thân vừa hợp ý Đảng vừa hợp lòng dân, thể hiện được sức mạnh của sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới.

Không chỉ cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của mỗi nước; người dân hai biên giới Việt - Lào chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Đại tá Ngô Xuân Thường - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị trao tặng giấy khen cho những cá nhân của hai thôn, bản biên giới Việt - Lào có thành tích xuất sắc.

Thực hiện chủ trương chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, năm 2008, thôn Cổ Thành/Việt Nam và bản Ka Túp 1/Lào vinh dự được hai huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và Sê Pôn (tỉnh Savannakhet) cho phép tổ chức Lễ kết nghĩa. Hai thôn, bản đã thống nhất thông qua quy chế hoạt động kết nghĩa với 12 nội dung, đúng Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam- Lào, pháp luật mỗi nước và phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào địa phương.

 Đồng chí Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa phát biểu tại Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới chiều ngày 30/5. 

Đồng chí  Bun Lọm Sú Pha Mi Xay, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet cho biết, bản Ka Túp 1 thuộc Cụm bản Ka Túp Mã Hạt, diện tích khoảng 4.200 ha, chủ yếu là rừng núi, dân số có 78 hộ/352 khẩu, 100% là dân tộc Vân kiều. Người dân chủ yếu làm nghề nương rẫy, trồng rừng, hợp tác trồng cây chuối với nhân dân biên giới Việt Nam. Người dân sống tập trung chủ yếu theo tuyến đường dân sinh mở dọc theo sông Sê Pôn. Tuy nhiên địa hình nhiều sườn dốc vào mùa mưa dễ bị sạt lở nên gặp nhiều khó khăn.

Đại tá Ngô Xuân Thường - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, các loại tội phạm ở biên giới cũng gia tăng, đặc biệt là tội phạm ma túy đã thâm nhập vào một bộ phận thanh, thiếu niên của hai thôn, bản. Hai thôn, bản đã tăng cường giáo dục, quản lý, vận động nhân dân, tích cực đấu tranh ngăn chặn, không bao che tiếp tay cho tội phạm, khi có con em vi phạm, cùng nhau giáo dục, báo cáo với lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Hai thôn, bản đã bổ sung quy chế, không được qua lại biên giới sau 22 giờ đêm, qua đó góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các loại tội phạm.

 Đồng chí  Bun Lọm Sú Pha Mi Xay, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet phát biểu tại Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới.

Đồng chí Bun Lọm Sú Pha Mi Xay cho biết thêm, thông qua việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế bền vững (Mô hình cây sắn và cây chuối, diện tích 433ha) đã mang lại thu nhập cao (200 triệu kíp Lào/năm), nhiều hộ gia đình từ hoàn cảnh khó khăn, nay đã ổn định cuộc sống, có những hộ đã vươn lên làm giàu.

Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, bóng đá, bóng chuyền, tham gia các lễ hội, thăm động viên nhau vào các ngày lễ tết truyền thống được 87 lần/1.358 lượt, thông qua đó để nhân dân hiểu biết sâu hơn về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi bên để cùng nhau giữ gìn và phát huy; phòng ngừa, ngăn chặn văn hóa phẩm xấu độc thâm nhập, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc hai nước Việt -Lào. Trong dịp Lễ, Tết… của mỗi bên hai thôn, bản đã tổ chức thăm, tặng quà, hỗ trợ nếp, heo… nhằm tạo sự gắn kết hơn nữa giữa các bên. Hai thôn, bản kết nghĩa thường xuyên giúp đỡ nhau trong việc phát triển văn hoá, giáo dục như hỗ trợ cặp sách, quần áo, dụng cụ học tập... để các cháu có động lực phấn đấu học giỏi, trở về phục vụ quê hương hai nước.

 Trong 15 năm qua Thôn Cổ Thành đã đề xuất Đảng ủy, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân xã Tân Thành hỗ trợ bản Ka Túp 7 máy cắt cỏ; tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 260 lượt người; cấp phát hơn 64 lượt thuốc sốt rét; giúp trồng 32.000 gốc sắn, 100 kg hạt ngô lai LV10, 10 và các giống cây khác. Đề xuất xã Tân Thành và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo hỗ trợ thôn Ka Túp 1 các nhu yếu phẩm cấn thiết  trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp; trên 5 tấn gạo, 300 két mì tôm, các loại cây, con giống, nhu yếu phẩm, thuốc men.... với trị giá trên 100 triệu đồng. Phía cụm Ka Túp Mã Hạt cũng thường xuyên giúp đỡ thôn Cổ Thành, xã Tân Thành nhiều cây, con giống, trị giá trên 20 triệu đồng, đặc biệt là hỗ trỡ giúp bà con trên địa bàn xã Tân Thành nói chung, thôn kết nghĩa nói riêng về bảo vệ, chăm sóc các nương rẫy mà bà con đầu tư trồng chuối ở phía bạn Lào, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Đồng chí Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa khẳng định: “Phong trào kết nghĩa Bản – Bản hai bên biên giới là một chủ trương đúng đắn, hợp với tâm tư nguyện vọng và tình cảm của nhân dân biên giới, thông qua hoạt động của phong trào đã thắt chặt hơn tình đoàn kết, nghĩa tình của người dân hai bên biên giới, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về quốc gia, quốc giới, từ đó, cùng chung tay, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân 2 bên biên giới. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới”.

Từ hoạt động kết nghĩa của cụm cư dân hai bên biên giới, đã góp phần vào thực hiện có hiệu quả phong trào “quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc”. Nhân dân hai thôn, bản có đất giáp biên giới, đã tự nguyện đăng ký cam kết, quản lý bảo vệ mốc quốc giới, khi có dấu hiệu phai mờ sơn hoặc sau mỗi đợt mưa lũ, đều báo cáo với lực lượng Biên phòng hai nước, quần chúng nhân dân đã tham gia tích cực vào công tác tuần tra, phát quang đường biên, sơn sửa bảo dưỡng cột mốc.

15 năm qua, hai thôn, bản thường xuyên tuyên truyền, giáo dục xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của Nhân dân hai bản, góp phần vào xây dựng, vun đắp tình đoàn kết Việt Nam - Lào. Nhân dân sinh sống đôi bờ Sê Pôn luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng khắc phục khó khăn để vươn lên. Những vụ việc liên quan đến hai bên biên giới, đều được hai thôn, bản thống nhất, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ không tính thiệt hơn, đúng pháp luật mỗi nước và phong tục, tập quán mỗi địa phương./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh - Phan Vĩnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực