"Tôi muốn con tôi được rèn luyện trong quân đội"

Thứ tư, 23/12/2020 15:50
(ĐCSVN) - Vợ chồng Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh sinh được 4 người con, lần lượt cả bốn anh em đều nhập ngũ. Riêng đối với Nguyễn Việt Hà là con trai thứ hai, Thủ trưởng Khánh đã nói: “Anh đi đào tạo sĩ quan Chính trị để tôi còn dạy dỗ, truyền kinh nghiệm cho”, " Tôi muốn cháu được rèn luyện trong môi trường quân đội"...
Thiếu tướng Nguyễn Nam Khánh, Phó Chính ủy Quân khu 5  (người đứng giữa)

Tháng 6/1978, Thiếu tướng Nguyễn Nam Khánh, Phó Chính ủy Quân khu 5, được điều động và bổ nhiệm ra Bắc làm Giám đốc Học viện Chính trị; tháng 5/1979, làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tại các Đại hội Đảng V, VI, VII được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vợ chồng Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh sinh được 4 người con, lần lượt cả bốn anh em đều nhập ngũ. Riêng đối với Nguyễn Việt Hà là con trai thứ hai, Thủ trưởng Khánh đã nói: “Anh đi đào tạo sĩ quan Chính trị để tôi còn dạy dỗ, truyền kinh nghiệm cho”, " Tôi muốn cháu được rèn luyện trong môi trường quân đội"... Vậy là năm 1982, Hà thi và đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị. Tại trường Sỹ quan Chính trị lại cho Hà đi Liên Xô để đào tạo tại Trường Sĩ quan Chính trị Novoximbiec. Khi nhận được tin con được cử đi học Sỹ quan Chính trị ở Liên Xô, ông gạt phắt: “Cán bộ chính trị ở cơ sở không phải đi nước ngoài, không ai đào tạo Sĩ quan Chính trị phân đội tốt hơn Việt Nam đâu”.

Nghỉ Tết năm 1985, Hà về thăm nhà, ăn cơm tất niên xong, ông gọi con nói: “Con sắp ra trường, nguyện vọng muốn về đâu?”. Hà nói: “Việc này tùy tổ chức”, ông bảo: “Tôi trưởng thành như ngày hôm nay là ở đơn vị cơ sở chiến đấu mà phát triển; anh cần đi lên tuyến đầu rèn luyện, kinh qua chiến đấu ở cơ sở ”. Ông trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Tôi đề nghị cho anh lên tuyến một để rèn luyện, thử thách. Thế nào mẹ anh cũng có ý kiến với tôi đây!”.

Ngày ấy, đồng chí Thiếu tướng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Sĩ Quan Chính trị đã tập trung toàn trường để công bố quyết định học viên tốt nghiệp ra trường, trước khi công bố quyết định, đồng chí Hiệu trưởng đọc thư của ông:

“Kính gửi Thủ trưởng các đơn vị, con trai tôi đã tốt nghiệp dài hạn Sĩ quan Chính trị, đề nghị các đồng chí cho cháu lên tuyến trước trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, kết quả báo cáo lại tôi (qua Văn phòng Tổng cục Chính trị)…”

Cả hàng quân xôn xao, tin đó lan nhanh sang các trường sĩ quan khác, làm công tác điều động cán bộ về các đơn vị trên tuyến một thuận lợi hơn.

Cuối tháng 9/1985, Hà có mặt tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 337. Sư đoàn trưởng 337 lúc đó là tôi (Đại tá Nguyễn Ngọc Văn sau này là Trung tướng, Viện trưởng Viện Chiến lược BQP). Tôi là cán bộ trưởng thành và cùng chiến đấu ở Quân Khu 5 với đồng chí Nguyễn Nam Khánh, chúng tôi rất hiểu nhau. Sau khi xem thư tay của cụ, tôi lẩm bẩm: “Thủ trưởng lúc nào cũng gương mẫu”, rồi ông kể những năm tháng chiến đấu ở Khu 5 cho Hà nghe…

Sư trưởng nói qua nhiệm vụ của Sư đoàn 337, Trung đoàn 92, nơi Hà sẽ nhận công tác. Hôm sau, Hà nhận quyết định về làm Phó Đại đội trưởng về Chính trị, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 92, Sư đoàn 337, Quân đoàn 14. Lúc này Đại đội đang đóng chốt tại Điểm cao 406, thuộc Bình Độ 400, xã Thanh Loà, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, tháng 4/1981, địch quyết chiếm, ta quyết giữ vững từng tấc đất biên cương. Hàng trăm chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Trung đoàn 52 của Sư đoàn 337 đã chiến đấu dưới sự chỉ huy của đồng chí Thiếu tướng Hoàng Đan, Tư lệnh Quân đoàn 14 và đã giành lại điểm cao này. Sau đó, bàn giao lại cho Trung đoàn 92, mà trực tiếp là Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 đảm nhiệm.

Trận địa phòng ngự hướng chính diện khoảng gần 3 km, gồm các điểm cao 406, 380, 310, Đại đội được tăng cường 1 khẩu ĐKZ, 1 khẩu 12,7 ly, 1 đài tuyên truyền địch vận. Khoảng 14 giờ cùng ngày Hà vào đến Sở chỉ huy Tiểu đoàn, đồng chí Cầu tiểu đoàn trưởng nói: “Tối rồi, đồng chí nghỉ ngơi ở đây, mai lên chốt”. Hà hỏi lại: “Lên chốt có xa không anh?”.“Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ”. Hà đề nghị cho mình lên chốt luôn. Tiểu đoàn trưởng cho 2 chiến sĩ liên lạc dẫn đường Hà lên Chốt.

Một tuần sau, Đại đội Trưởng tập trung cán bộ trong đại đội giới thiệu Hà mới về đơn vị, làm Phó đại đội trưởng về Chính trị, Bí thư Chi bộ. Anh có bố là Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, công tác trên bộ Quốc phòng. Cả Đại đội trầm trồ ca ngợi và mến phục

Những lúc rảnh rỗi, Hà đọc kỹ lý lịch quân nhân của Đại đội thì mới vỡ lẽ, không ít chiến sĩ trên chốt Đại đội khi ở các đơn vị phía sau, rèn luyện kém, đào ngũ, lười biếng, vi phạm kỷ luật, dân vận v.v… Đơn vị phía sau ngại quản lý, giáo dục, họ đề nghị đưa lên tuyến một để rèn luyện !?…

Vào một buổi tối, Đại đội tổ chức sinh hoạt. Trong khi phát biểu với anh em, Hà nói: "Hôm trước, tôi mới lên nhận công tác, có đồng chí nói với tôi: Bộ đội lên chốt là bị kỷ luật ở tuyến sau mới phải lên đây. Tôi hỏi các đồng chí: Phía trước là quân địch, phía sau là đất nước, hậu phương, quê hương của chúng ta, ở đó có tổ tiên, bố, mẹ, ông bà, họ hàng… Chúng ta lên đây để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc… đây là vinh dự và trách nhiệm. Vậy sao nói bị kỷ luật mới lên đây? Lên đây mà vi phạm kỷ luật thì đi đâu!?...” Cả đại đội im lặng.

 Hà gọi một đồng chí lên để trả lời:

- “Báo cáo thủ trưởng, kỷ luật ở đây thì không thể đi đâu nữa, chỉ có về tuyến sau thôi”.

- “Đúng, kỷ luật ở đây chỉ có thể về tuyến sau. Bây giờ tôi cho phép các đồng chí suy nghĩ sau ít phút trả lời tôi, tôi sẽ viết quyết định kỷ luật các đồng chí để các đồng chí được trả về Trung đoàn ở tuyến sau. Tôi hô 1, 2, 3. Đồng chí nào bước lên phía trước 1 bước, tôi sẽ viết quyết định kỷ luật để về tuyến sau”. Hô xong một lúc, không ai bước lên. Hà nói:

- “Thế thì tôi cũng như các đồng chí, chúng ta cùng quyết tâm ở lại trên chốt, giữ vững trận địa, biên cương của Tổ quốc. Kể từ bây giờ, tôi sẽ báo cáo Tiểu đoàn xóa kỷ luật cho các đồng chí đã mắc khuyết điểm cũ, chúng ta là đồng đội, sống chết có nhau, quyết tâm giữ vững chốt, còn người, còn chốt”. Cả đại đội hô vang: “Quyết tâm”…

- Thời gian trên chốt trôi nhanh, hơn một năm sống, rèn luyện cùng các chiến sĩ, phát hiện nhiều đồng chí có phẩm chất đạo đức, có nhận thức tốt, dũng cảm và tận tụy, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thể kết nạp vào Đảng.

 Khi cán bộ đến các địa phương để xác minh lý lịch thì có một số các chiến sĩ khi còn ở địa phương thường xuyên gây gổ, mất trật tự an ninh xã hội, thậm chí có người còn có tiền sự; nhưng gia cảnh thì khó khăn… Lúc tiếp xúc với bí thư chi bộ thôn, xóm… họ thường trả lời hoặc nhận xét không tốt, không xứng đáng vào Đảng, mặc dù lý lịch gia đình là cơ bản…

Đành rằng, tuổi trẻ của họ khi ở địa phương còn có biểu hiện bồng bột, suy nghĩ chưa chín chắn, a dua theo thói xấu nên có những hành động không tốt, ảnh hưởng đến phong trào của quê nhà. Nhưng mấy năm nay, ở trên chốt, phía trước là quân địch, họ kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc biên cương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Quân đội giao. Chỉ cần họ có lý lịch trong sạch, rõ ràng; không vi phạm những điều cấm mà Trung ương quy định. Phải vận động và thuyết phục, địa phương mới xác nhận làm cơ sở phát triển Đảng.

Sau những năm ở chốt, sau này, các đảng viên trong Đại đội đều phát triển tốt, một số thành sỹ quan quân đội; số phục viên, đa phần đều là những cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt ở cơ sở, có đồng chí phát triển lên cấp huyện, thị…

Có được những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác tại Đại đội 9, đặc biệt là nhanh chóng hòa mình với đơn vị, không hề “cậy” mình là con của Trung tướng, Ủy viên Trung ương, Hà được cán bộ và chiến sỹ trong đơn vị quý mến và kính trọng. Để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ VI, Hà đã vinh dự được đại hội các cấp bầu là Đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng bộ Sư Đoàn 337 và Đại hội Đảng bộ Quân đoàn 14 (Hà là Đại biểu trẻ nhất được dự các Đại hội ấy).

Đầu năm 1988, Nguyễn Việt Hà được điều động và bổ nhiệm làm Phó tiểu đoàn Trưởng về Chính trị, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng,nơi mà cha mình đã làm Chính ủy của Sư đoàn trong những năm chống Mỹ (1967- 1970). Một Sư đoàn Anh hùng, có truyền thống vẻ vang. Từ đó, có cơ sở vững chắc làm hành trang cho Hà phát triển sau này./.

* Trung tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Chính ủy Sư đoàn 3 năm 1967- 1970; nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Khóa V,VI,VII; được Nhà nước thăng quân hàm Thượng tướng. Năm 1997 ông nghỉ hưu. Ông đã từ trần ngày 20 tháng 10 năm 2013.

 Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 337, Quân đoàn 14, Quân khu 1 kể về Đại tá Nguyễn Việt Hà, CCB Sư đoàn 3; nguyên Phó đại đội trưởng về Chính trị, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 92, Sư đoàn 337, Quân đoàn 14./. 

Thượng tá Trần Xuân Mạnh – Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 3

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực