Tổng cục CNQP chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non

Thứ ba, 22/11/2022 12:30
(ĐCSVN) – Cùng với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, các trường mầm non thuộc các đơn vị trong Tổng cục CNQP đã đặc biệt quan tâm đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục đào tạo, chăm sóc trẻ mầm non gắn với đầu tư trang bị, cơ sở vật chất theo hướng hiện đại.

Đổi mới phương pháp chăm sóc trẻ mầm non trong Tổng cục

 Toàn TCCNQP có 19 cơ sở giáo dục mầm non (Ảnh: PV)

Theo thống kê, tính đến nay, toàn Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (TCCNQP) có 379 đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đang công tác tại 19 cơ sở giáo dục mầm non. Trình độ đội ngũ không ngừng được nâng cao, 80% đã qua đào tạo từ trình độ Cao đẳng trở lên; trong đó có 01 thạc sỹ, 263 có trình độ đại học, cao đẳng. Nhờ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy tri thức, trình độ năng lực, nhiều cán bộ, giáo viên đã trở thành Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng (52), đạt giải cao Hộ thi Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp Tổng cục và toàn quân (66), được Tổng cục Chính trị và được các cấp chỉ huy khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Cùng với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, các trường mầm non thuộc các đơn vị trong Tổng cục đã đặc biệt quan tâm đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục đào tạo, chăm sóc trẻ mầm non gắn với đầu tư trang bị, cơ sở vật chất theo hướng hiện đại: bám sát chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, duy trì bình quân hằng năm gần 4.000 trẻ trong độ tuổi mầm non. Thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Linh hoạt vận dụng các phương pháp truyền thống với đổi mới, áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tiến tiến, ứng dụng các hoạt động giáo dục STEM và MONTESSORI,… Hệ thống phòng học, phòng chức năng, khu trải nghiệm được đầu tư tiện nghi, hiện đại. Hiện, toàn Tổng cục đã có 13/19 cơ sở giáo dục mầm non được công nhận Trường chuẩn Quốc gia mức độ 1, mức độ 2, đặc biệt năm 2022 Trường mầm non Hoa Lan/Nhà máy Z183 được UBND tỉnh Yên Bái công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp, căng thẳng, đội ngũ giáo viên và cán bộ làm công tác giáo dục mầm non của Tổng cục đã không ngừng giữ vững bản lĩnh, cùng tình yêu đối với sự nghiệp trồng người; linh hoạt, sáng tạo vượt qua thử thách; tận tâm, trách nhiệm. Các cơ sở GDMN trong Tổng cục đã xây dựng nhiều video bài giảng, trò chơi ở các lứa tuổi mầm non, trên các lĩnh vực phát triển của trẻ, thực hiện triển khai hướng dẫn cha mẹ trẻ cùng chăm sóc, giáo dục trẻ qua các trang web, zalo, facebook của nhóm lớp và nhà trường góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người Nhà giáo, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, đóng góp quan trọng vào việc chăm sóc con em CBCNV, xây dựng nguồn nhân lực cho xây dựng và phát triển CNQP, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Cấp ủy, chỉ huy Tổng cục quan tâm chăm sóc tới công tác giáo dục mầm non toàn lực lượng (Ảnh: PV)

Tổng cục cũng lưu ý hệ thống giáo dục mầm non cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Nghị quyết của Quân uỷ Trung ương về công tác GD&ĐT, bám sát mục tiêu: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc, trong đó chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Song song, trong triển khai mọi hoạt động của nhà trường cũng cần bám sát yêu cầu nhiệm vụ của Tổng cục và của từng đơn vị để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động theo hướng thiết thực. Phát huy, nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo trong dạy và học; triển khai thực hiện tốt mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; các mô hình liên kết đào tạo, tăng thời gian thực hành trải nghiệm, sát với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và định hướng phát triển của từng đối tượng giáo dục, đào tạo.

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Trong những năm qua, chuyên đề “Xây dựng môi trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được thực hiện tốt ở 18/18 trường mầm non trong Tổng cục CNQP. Trong đó, tập trung làm rõ kết quả xây dựng môi trường giáo dục, trang bị cơ sở vật chất, kinh phí và một số kinh nghiệm rút ra từ thực tế.

Theo đó, Cục Chính trị Tổng cục CNQP đã chỉ đạo các trường mầm non trong Tổng cục tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục thực hành, trải nghiệm; kêu gọi hỗ trợ kinh phí tạo cảnh quan môi trường cho các trường mầm non; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên. Đến nay, cơ bản các trường mầm non đã được xây dựng theo hướng chuẩn hoá, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đạt chuẩn; đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm súc và giáo dục trẻ. Đa số các trường có khu phát triển thể chất ngoài trời, khu chơi với cát, nước, vườn cổ tích, quy hoạch vườn trồng rau phù hợp với thực tế.

 Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm ngày càng phát huy hiệu quả (Ảnh: PV)

Đặc biệt, trong những năm qua số trường đạt chuẩn quốc gia lên 13/18 trường (trong đó có 07 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 06 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; đạt 72%); 100% các nhóm, lớp có đủ công trình vệ sinh đạt yêu cầu; 100% các sân chơi đều có đồ chơi ngoài trời theo đúng quy định; 100% lớp 5 tuổi và 100% nhóm, lớp mẫu giáo 3, 4 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Một số đơn vị tích cực trong việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại như: Đèn chiếu đa năng, máy vi tính, ti vi, đầu đĩa, băng đĩa, phần mềm trò chơi Kidmarts, Happykid, Kikpik và nhiều các loại đĩa trò chơi và học tập phục vụ các hoạt động chăm sóc, giáo dục hằng ngày của trẻ.

Bên cạnh đó, Phòng Công tác Quần chúng/Cục Chính trị cũng chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ cho giáo viên. Đến thời điểm hiện nay, đã có 285/428 giáo viên có trình độ trên chuẩn (đạt 67%), cơ bản có năng lực tốt trong việc thực hành xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; biết khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị, đồ chơi; biết cách xây dựng, sắp xếp môi trường giáo dục trong và ngoài lớp phù hợp; đồng thời, có sự đổi mới về phương pháp giảng dạy, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, khám phá, trải nghiệm tích cực trong các hoạt động.

Xác định xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm là một quan điểm giáo dục tiến bộ, quán triệt tinh thần ấy, đến nay, các trường mầm non trong Tổng cục CNQP đều được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất theo tiêu chí trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, cảnh quan sư phạm, cảnh quan ngoài trời, trang bị bên trong đầy đủ theo Thông tư số 02/BGDĐT và Kế hoạch 56 của Bộ Quốc phòng; đặc biệt, có những trường đã xây dựng được khu thể thao bãi biển, khu nông trại chăn nuôi và trồng trọt, thư viện sách ngoài trời, khu giao thông phức hợp, vườn cổ tích, khu thể chất ngoài trời và trong nhà... tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ mầm non trải nghiệm và lớn lên.

Tổng kết chuyên đề xây dựng môi trường “Lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020 có 02 trường được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen (Z113, Z131). Một số cơ sở GDMN triển khai hiệu quả phương pháp giáo dục Montessori và phương pháp giáo dục STEAM tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho trẻ được thực hành, trải nghiệm, khám phá khoa học (Z176, Z125). Đáng chú ý là, trong đợt nghỉ giãn cách do dịch COVID-19 vừa qua, hầu hết các cơ sở GDMN đã xây dựng nhiều video bài giảng, trò chơi ở các lứa tuổi mầm non, trên các lĩnh vực phát triển của trẻ, thực hiện triển khai hướng dẫn cha mẹ trẻ cùng chăm sóc, giáo dục trẻ qua các trang web, zalo, facebook của nhóm lớp và nhà trường.

Có thể thấy, một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phự hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1.

Trong năm học mới 2022 - 2023, bậc học mầm non Tổng cục CNQP tiếp tục chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức quần chúng quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo; tiếp tục duy trì xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng nâng cao chất lượng trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn theo Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực