Tự hào quê hương đệ tứ chiến khu Đông Triều

Chủ nhật, 04/04/2021 09:42
(ĐCSVN) - Chặng đường lịch sử xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của tỉnh Quảng Ninh có biết bao sự kiện, con số đáng nhớ, trong đó không thể không nhắc đến những năm tháng quân và dân thị xã Đông Triều vừa sản xuất, vừa chiến đấu ngoan cường, dũng cảm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ngày 20/10/1947, quân Pháp huy động một lực lượng lớn gồm 2 trung đoàn, trong đó có một trung đoàn lính u- Phi cùng với ca nô, đại bác, thiết giáp, không quân… mở cuộc hành quân với quy mô lớn đánh từ Phả Lại xuống, từ Quảng Yên lên với mục tiêu chiếm đóng huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) kiểm soát quốc lộ 18 và dồn lực lượng quân sự của ta lên các xã vùng núi phía Bắc huyện.

Ngày 3/11/1947, hai tiểu đoàn quân Pháp từ phía Mạo Khê tiến lên đánh phố Đông Triều. Khi đến cầu Cầm chúng phải dừng lại và đóng quân ở khu vực gần đó để tìm cách vượt sông vì cầu Cầm đã bị quân dân ta phá hủy trước đó. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng xã Hưng Đạo (Đông Triều), lực lượng du kích xã Hưng Đạo đã tiến sát, mai phục chờ thời cơ đồng loạt nổ súng. Kết quả ta đã tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, làm chậm bước tiến của chúng. Trong trận này, đồng chí Nguyễn Văn Nẩy, xã đội trưởng trúng đạn, là liệt sỹ đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở xã Hưng Đạo. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của lực lượng du kích xã Hưng Đạo trực tiếp chống trả quân địch, thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý thức cảnh giác, tinh thần sẵn sàng chiến đấu.

leftcenterrightdel
 Công trình “Đài chiến thắng” vừa được khánh thành là niềm tự hào của người dân Đông Triều
(Ảnh: Thanh Đông)

Cuối năm 1947, thực dân Pháp chiếm được thị trấn Mạo Khê, Đông Triều, đồng thời mở rộng càn quét chiếm đóng các vị trí cầu Cầm, Dốc Đỏ, Tràng Bạch, cầu Đạm hòng kiểm soát đường 18. Tại cầu Cầm chúng lập bốt ở hai bên thuộc địa phận xã Xuân Sơn và xã Hưng Đạo. Được sự giúp đỡ, phối hợp của bộ đội chủ lực và đại đội du kích tập trung của huyện, du kích các xã Hưng Đạo, Xuân Sơn tăng cường hoạt động quấy rối ngăn chặn việc đánh lấn ra của chúng, làm cho địch hoang mang.

Cuối năm 1948 du kích xã Hưng Đạo phối hợp với đại đội 53 của trung đoàn 98 đánh bốt cầu Cầm. Tuy chưa hạ được bốt, nhưng đã làm cho địch rất hoang mang sợ hãi. Lợi dụng sự dao động của địch, lại có đường dây nội ứng ở bốt cầu Cầm ta nắm được các hoạt động của địch, đêm ngày 2/11/1948 cai Minh (nội ứng của ta) cùng 11 lính ở bốt cầu Cầm mang toàn bộ vũ khí gồm 1 trung liên, 11 súng trường, 3 hòm đạn, lựu đạn cùng một số quân trang quân dụng đi theo Việt Minh.

Cũng trong thời gian này, du kích xã Xuân Sơn (Đông Triều) hoạt động mạnh. Bọn địch ở các bốt cầu Cầm, cầu Xuân Mai, bốt Chim Kêu ăn không ngon, ngủ không yên vì bị du kích bắn tỉa, phục kích tiêu hao sinh lực, do vậy địa bàn hoạt động ở Xuân Sơn khá an toàn, dân công, bộ đội qua lại ra vào từ vùng địch hậu tới căn cứ được đảm bảo tốt, phụ nữ xã Xuân Sơn làm tốt công tác địch vận…

Cuối năm 1951, ta đã vận động được 36 lính ngụy, một chỉ huy cấp đại đội ở bốt cầu Xuân Mai và bốt cầu Cầm mang 40 khẩu súng cùng với đạn dược và quân tư trang ra hàng. Đêm ngày 18 rạng ngày 19/7/1954 du kích các xã Hưng Đạo, Xuân Sơn, Kim Sơn, Tràng An đồng loạt phối hợp đánh lớn vào các bốt: Cầu Cầm, Xuân Mai, Hai Tai, Chim Kêu và Cao Sơn giành chiến thắng.

Ngày 5/8/1965, Đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Ngày 8/11/1965 giặc Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá cầu Cầm và các khu vực dân cư xung quanh cầu Cầm thuộc địa bàn xã Hưng Đạo, xã Xuân Sơn, xưởng xẻ mộc cầu Cầm…làm hơn 80 người chết và bị thương. Riêng xã Hưng Đạo có 9 người chết, 90% nhà dân ở xóm cầu Cầm bị phá hủy, toàn bộ xưởng xẻ mộc cầu Cầm bị san phẳng.

Trong trận này, dân quân xã Hưng Đạo, dân quân xã Xuân Sơn tự vệ xưởng xẻ mộc cầu Cầm lập trận địa phòng không hai bên bờ sông Cầm phối hợp cùng các đơn vị bạn bắn trả máy bay địch, bảo vệ cầu Cầm. Hai anh em ruột là Nguyễn văn Chiên và Nguyễn Văn Hộn (dân quân xã Hưng Đạo) cùng trực chiến bắn máy bay Mỹ. Người em là Nguyễn Văn Hộn đã anh dũng hy sinh ngay trong chiến hào trong tư thế tay vẫn nắm chắc khẩu súng hướng lên trời. Trong bom đạn của giặc Mỹ, cầu Cầm vẫn được giữ vững, hiên ngang nối đôi bờ sông Cầm. Sau này Nguyễn Văn Hộn được truy tặng huân chương chiến công hạng nhất, Nguyễn Văn Chiên được tặng huân chương chiến công hạng ba. Nguyễn Văn Hộn là liệt sỹ đầu tiên của xã Hưng Đạo trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ đánh phá miền Bắc.

Ngày 16/8/1966, máy bay giặc Mỹ đánh phá cầu Cầm. Các lực lượng phòng không của dân quân các xã Hưng Đạo, Xuân Sơn và bộ đội từ các trận địa hai bên bờ sông Cầm và khu vực gần đấy đã nhất loạt nổ súng tạo thành một lưới lửa dày đặc tầng cao, tầng thấp vây bọc máy bay giặc Mỹ. Một trong những người đã trực tiếp đối mặt với các cuộc oanh kích của máy bay Mỹ năm 1966 tại trận địa cầu Cầm là nữ dân quân Nguyễn Thị Len, sinh năm 1945, ở khu Xuân Viên 2, phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều. Kể về trận chiến đấu vào ngày 16/8/1966, bà Len không giấu nổi niềm tự hào: Trực chiến hôm đó tại trận địa súng máy 12,7mm ở đầu cầu Cầm là tiểu đội dân quân; có ông Vẹn là tiểu đội trưởng, ông Lẻ, ông Hậu, ông Họp, bà Tắc và bà Len. Khi mọi người đang thực hiện nhiệm vụ thì máy bay Mỹ ào ào bay vào từ sau dãy núi ở phía tỉnh Bắc Giang. Ông Vẹn chỉ huy tiểu đội vào vị trí chiến đấu, hướng nòng súng về phía Tây Bắc, vị trí mà máy bay Mỹ đang bay tới. Khi máy bay Mỹ xà xuống ném bom đánh phá cầu Cầm ở tầm thấp, tiểu đội đã nhả những loạt đạn chính xác vào đội hình máy bay Mỹ. Một chiếc máy bay Mỹ trong đội hình đã trúng đạn, bốc cháy giữa tiếng reo hò vang dậy của quân và dân trên các trận địa của lực lượng phòng không dọc cầu Cầm. Đây là chiếc máy bay thứ 100 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh. Chiến công này đã được Bác Hồ gửi thư khen, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất…Đặc biệt, đoàn đại biểu quân đội Cu Ba đã về xã Xuân Sơn thăm quan học tập kinh nghiệm bắn máy bay giặc Mỹ bằng súng bộ binh. Nữ dân quân Nguyễn Thị Len thay mặt cho anh chị em trong phân đội được vinh dự sang thăm đất nước Cu Ba anh em.

Trong những tháng năm giặc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, cầu Cầm đã bị bom đạn phá hủy nhiều lần. Song giặc Mỹ phá cầu này, ta lại làm cầu khác: Giăc Mỹ phá cầu sắt ta làm cầu gỗ, rồi cầu phao, cầu treo, phà có ca nô lai dắt, phà kéo bằng tay… giữ vững tuyến giao thông huyết mạch phục vụ sản xuất, chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện cho miền Nam.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang xã Xuân Sơn, ngày 24/6/2005 Chủ tịch nước ký Quyết định 634/2005/QĐ-CTN “Về việc phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước cho nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Xuân Sơn”.

Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của các thế hệ cha anh, chính quyền địa phương đã cho xây dựng Tượng đài chiến thắng ngay dưới chân cầu Cầm. Qua thời gian, công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của Nhân dân, UBND thị xã Đông Triều đã cho xây dựng lại Tượng đài chiến thắng. Đây là công trình ý nghĩa chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công trình được xây dựng trên nền đất cũ rộng gần 1000 m2; xung quanh được lát gạch đỏ, trồng cây xanh, thảm cỏ tạo thành khuôn viên rất đẹp. Tại vị trí trung tâm tượng đài khắc dòng chữ: “Nơi đây, ngày 16 tháng 8 năm 1966 dân quân xã Xuân Sơn đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh”.

Công trình không chỉ là niềm tự hào của người dân quê hương đệ tứ chiến khu Đông Triều mà còn là địa chỉ đỏ, góp phần giáo dục truyền thống, cách mạng cho các thế hệ mai sau./.

 

 

 

 

 

 

 

Bài, ảnh: Cao Thanh Đông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực