|
Cảnh tượng kinh hoàng khi Stephen Paddock nã đạn vào lễ hội âm nhạc. (Ảnh: Reuters) |
Bạo lực súng đạn ở Mỹ không phải là vấn đề mới mà dường như đó đã là một vấn nạn xã hội kinh niên và chưa tìm được lời giải. Không chỉ riêng người dân Mỹ mà cả thế giới chắc vẫn chưa thể quên ngày 01/10/2017, Stephen Paddock, 64 tuổi, đã xả súng từ trên tầng 32 của Khách sạn Mandalay Bay Resort and Casino vào đám đông hơn 20.000 người đang tham dự một lễ hội âm nhạc ở khu vực trung tâm thành phố Las Vegas thuộc bang Nevada. 58 người đã thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Cảnh sát cho rằng Paddock đã tự sát. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Rồi vụ việc ngày ngày 03/08/2019 khi 20 người đã thiệt mạng và hơn 20 người bị thương trong vụ xả súng tại một siêu thị Walmart ở bang Texas do Patrick Crusius, 21 tuổi, gây ra. Quan chức địa phương còn cho biết có khoảng 3.000 khách hàng và khoảng 100 nhân viên siêu thị có mặt tại thời điểm diễn ra vụ tấn công…
Thống kê trong năm ngoái cho thấy tính đến ngày 31/12/2021, bạo lực súng đạn trên toàn nước Mỹ đã làm 44.750 người thiệt mạng, bao gồm 20.660 vụ giết người và 24.090 vụ tự sát, trong số đó có 1.533 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 17 tuổi. Số người bị thương cũng cao kỷ lục là 40.359 người, trong đó có 4.107 người dưới 17 tuổi. Một báo cáo của CNN dựa trên kết quả phân tích hơn 40 thành phố lớn cho biết hơn 2/3 các thành phố đông dân nhất của Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ giết người hơn vào năm 2021 so với năm 2020. Ít nhất 9 thành phố lớn đã phá kỷ lục giết người hằng năm trước đó. Thống kê từ Sở cảnh sát Philadelphia cho thấy thành phố đã ghi nhận 557 vụ giết người trong năm 2021, con số cao nhất kể từ năm 1960. Trong khi ở Chicago, một thành phố đông dân khét tiếng về bạo lực súng đạn, hơn 800 người đã tử vong liên quan đến súng, khiến 2021 trở thành năm bạo lực nhất trong 1/4 thế kỷ. Thành phố Los Angeles đạt kỷ lục 15 năm với gần 400 người thiệt mạng vì súng đạn trong năm 2021…
Cho tới gần đây nhất, liên tiếp trong tháng 4, các vụ xả súng vẫn tiếp tục xảy ra tại Mỹ. Một vụ xả súng tại trung tâm thành phố Sacramento, bang California ngày 3/4 đã khiến 6 người thiệt mạng và 12 người bị thương. Chỉ ít ngày sau đó, 2 người chết và 10 người đã bị thương trong vụ nổ súng tại hộp đêm ở bang Iowa (ngày 10/4); 18 người bị bắn, trong đó 5 người thiệt mạng tại thành phố New Orleans, bang Louisiana (ngày 11/4). Ngày 12/4/2022, một vụ xả súng khác đã xảy ra tại nhà ga tàu điện ngầm đường 36, quận Brooklyn, New York (Mỹ) khiến gần 30 người bị thương. Không lâu sau đó, ngày 16/4/2022, một vụ nổ súng khác lại tiếp tục xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Columbia, thủ phủ bang South Carolina (Mỹ) làm ít nhất 12 người bị thương, trong đó 10 người bị thương do trúng đạn. Khi người Mỹ chưa hết bàng hoàng thì ngay sau đó một ngày, một vụ xả súng khác đã xảy ra vào đêm ngày 17/4 ở Pittsburgh, khiến 2 thiếu niên thiệt mạng và một số người khác bị thương. Chính quyền thành phố Pittsburgh cho biết trong một bản tin rằng vụ nổ súng xuất phát từ một bữa tiệc lớn với khoảng 200 người tham gia tại một ngôi nhà được thuê thông qua hãng cho thuê bất động sản ngắn hạn Airbnb…
Những con số đáng lo ngại trên đã phủ thêm những gam màu tối lên bức tranh bạo lực súng đạn tại đã và đang làm dư luận Mỹ phản ứng mạnh mẽ, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có các quy định thắt chặt về kiểm soát súng đạn. Cho đến khi nhậm chức, vấn đề kiểm soát súng đạn cũng luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối nội của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, chính sách mới của chính quyền Mỹ nhằm kiểm soát đạn cũng đã vấp phải ý kiến không đồng tình từ những người ủng hộ quyền sử dụng súng. Trước các vụ xả súng đau lòng xảy ra gần đây, Tổng thống Joe Biden ngày 11/4 đã công bố những quy định mới nhằm xóa sổ nạn "súng ma". Đây là loại vũ khí có thể được mua dưới dạng bộ dụng cụ để lắp ráp tại nhà và không có số series theo dõi nên các cơ quan chức năng rất khó truy vết nguồn gốc. Nhà Trắng cho biết ngày càng có nhiều "súng ma" xuất hiện tại hiện trường các vụ phạm tội. Trước đó, năm 2021, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã từng thu hồi khoảng 20.000 khẩu súng loại này trong các cuộc điều tra tội phạm, tăng gấp 10 lần so năm 2016. Quy định mới sẽ tìm cách bịt "lỗ hổng" trong quản lý súng bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất bộ dụng cụ "súng ma" có giấy phép liên bang và ghi rõ số series trên các thành phần cấu tạo vũ khí. Ngoài ra, các đại lý cũng cần kiểm tra và lưu trữ hồ sơ người mua. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland khẳng định quy định này giúp bảo đảm các cơ quan chức năng có thể truy xuất thông tin mà họ cần nhằm giải quyết các vụ phạm tội, đồng thời góp phần giảm số lượng vũ khí không thể theo dõi đang tràn lan trong cộng đồng.
Có thể thấy mặc dù việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, song trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước Mỹ, kiểm soát súng luôn trở thành một vấn đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và hiện tại cũng không phải là ngoại lệ. Dựa trên các quan điểm khác nhau về giá trị tự do và bình đẳng, hai đảng hàng đầu của Mỹ thường thúc đẩy các chính sách đối ngược nhau về vấn đề này. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này. Không những thế, lâu nay, việc siết chặt kiểm soát súng luôn bị các nhóm có lợi ích trực tiếp từ buôn bán súng như Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) chi phối và gây ảnh hưởng. Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) là một nhóm vận động quyền sử dụng súng nhiều quyền lực ở Mỹ, đã lên tiếng phản đối khi cho rằng lệnh cấm của chính quyền Mỹ đối với “súng ma” không làm giảm được tội phạm bạo lực. Thay vào đó, NRA khẳng định người dân cần được bảo vệ bằng cách được phép mua thêm súng và lực lượng chức năng nên tăng cường truy quét các nhóm tội phạm.
Đây là lý do khiến không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden hiện tại mà qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, các dự luật về kiểm soát súng đạn vẫn "năm lần bảy lượt" không thể thống nhất để đi tới đích. Và bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục là bóng đen gây ám ảnh với người dân Mỹ cũng như với cộng đồng quốc tế, luôn đặt ra thách thức cho các nhiệm kỳ Tổng thống để tìm ra những cách thức nhằm lấp đầy các lỗ hổng trên con đường kiểm soát súng đạn để bảo đảm an toàn và bình yên cho cuộc sống của người dân “xứ sở cờ hoa” trong bối cảnh những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 vẫn đang đè nặng./.