Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2016): “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”

Chủ nhật, 05/06/2016 09:07
(ĐCSVN) – Môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người ở tất cả các quốc gia và trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, con người ngày càng tác động tiêu cực tới môi trường và những hệ quả không thể phủ nhận của hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp tới sự sống của nhân loại.

Ngày Môi trường Thế giới được kỷ niệm vào ngày 5/6 hằng năm là cơ hội cho tất cả mọi người nhận rõ không chỉ là trách nhiệm bảo vệ trái đất mà còn trở thành tác nhân tạo nên sự thay đổi.


Môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người ở tất cả các quốc gia và trong mọi hoàn cảnh lịch sử .
(Ảnh minh họa: Khánh Linh)

 Tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới

Năm 1972, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 để kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới và giao cho Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi (Kenya) tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Ngày này cũng đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về Môi trường con người (5/6/1972) và là ngày ra đời của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc.

Mỗi năm, Liên hợp quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.

Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1972 và đã phát triển theo thời gian để trở thành một trong những phương tiện truyền thông chính mà qua đó Liên hợp quốc tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới và khuyến khích các hành động chính trị. Đây là một sự kiện thường niên với mục đích khơi gợi các hoạt động môi trường tích cực nhất có thể trên phạm vi toàn thế giới, thu hút sự chú ý của công chúng đến các vấn đề môi trường.

Ngày Môi trường Thế giới cũng là một cơ hội cho mọi người từ tất cả các tầng lớp xã hội tập hợp lại với nhau để cùng xây dựng một tương lai sạch hơn, xanh hơn và tươi sáng hơn cho bản thân và các thế hệ tương lai.

Trong ngày kỷ niệm này, rất nhiều hoạt động được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú. Đây là sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo người dân vào các hoạt động như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thải và làm sạch môi trường...

Thêm vào đó, Ngày Môi trường Thế giới cũng hướng tới các hoạt động phổ biến kiến thức hữu ích như tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn,... về vấn đề môi trường. Thông qua các hoạt động này, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả đã được trao đổi và ứng dụng vào thực tế trong công tác bảo vệ môi trường.

Đây cũng là dịp để thúc đẩy việc ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đồng thời, tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Với ý nghĩa thiết thực và nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, Ngày Môi trường Thế giới ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng chứng có thể thấy rõ là số nước hưởng ứng sự kiện này ngày càng tăng; danh sách các thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng hưởng ứng ngày càng nhiều.


Sự tồn tại của loài voi châu Phi đang bị đe dọa trực tiếp bởi nạn săn trộm và buôn lậu ngà voi,
đặc biệt là ở Trung Phi và Tây Phi (Ảnh: UN)

“Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”

Ngày Môi trường Thế giới kêu gọi chúng ta cùng thúc đẩy nhận thức ở quy mô toàn cầu, và thông qua các biện pháp để bảo vệ môi trường. Năm nay, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2016) được lựa chọn là: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi con người hãy tôn vinh tất cả các loài bị đe dọa và hành động để bảo vệ chúng, mang lại lợi ích cho các thế hệ tương lai.

Theo Liên hợp quốc, các tội phạm liên quan đến động vật hoang dã thường nhằm vào các động vật mang tính biểu tượng như voi, tê giác, hổ, khỉ đột và rùa biển. Việc săn bắn và buôn bán các loài động vật này cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế và hệ sinh thái, thúc đẩy các loại tội phạm tổ chức, tham nhũng và mất an ninh trên toàn cầu.

Báo cáo mới nhất do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và INTERPOL phối hợp công bố ngày 4/6/2016 cho thấy giá trị của tội ác chống lại môi trường đã tăng 26% so với ước tính trước đó, lên tới số tiền từ 91 – 258 tỷ USD hiện nay, so với từ 70 – 213 tỷ USD trong năm 2014. 

Sự gia tăng tội ác chống lại môi trường, được công bố vào đêm trước của ngày Môi trường Thế giới, đã cho thấy thực tế rằng luật pháp lỏng lẻo và lực lượng an ninh không đủ đã tạo thêm cơ hội cho các mạng lưới tội phạm có tổ chức và nhóm quân vũ trang nổi dậy làm giàu thông qua một hoạt động thương mại nuôi dưỡng xung đột, phá hủy nghiêm trọng các hệ sinh thái và đe dọa các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner cho biết: "Interpol và UNEP đã tập hợp lực lượng để thu hút sự chú ý trên toàn thế giới về mức độ của các loại tội phạm về môi trường. Các khoản tiền lớn được tạo ra bởi những tội ác này đang duy trì hoạt động của các tổ chức tội phạm quốc tế tinh vi, và nuôi dưỡng tình trạng bất ổn trên toàn thế giới. Kết quả là sự tàn phá đối với môi trường, kinh tế địa phương cũng như đối với tất cả những người bị các nhóm tội phạm này đe dọa. Cộng đồng quốc tế phải đoàn kết ngay từ bây giờ để có các biện pháp quốc gia và quốc tế mạnh mẽ nhằm chấm dứt tội phạm môi trường".

Thêm vào đó, báo cáo cũng cho thấy tội phạm về môi trường hiện nay vượt xa việc buôn bán trái phép vũ khí nhỏ. Đây là hoạt động tội phạm chống đối mạnh nhất thứ tư trên thế giới, sau buôn lậu ma túy, hàng giả, và buôn bán người. Số tiền bị mất vì các tội ác chống lại môi trường đang lớn hơn 10.000 lần những chi tiêu của các cơ quan quốc tế để khắc phục tình trạng này. Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock nêu rõ: "Các tội ác chống lại môi trường đang gia tăng ở mức báo động. Sự phức tạp của loại tội phạm này đòi hỏi một phản ứng đa ngành được hỗ trợ bởi một sự hợp tác xuyên biên giới".

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm năm 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Ngày Môi trường Thế giới năm nay là một cơ hội thuận lợi để tập trung sự chú ý vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Voi bị giết để lấy ngà, tê giác bị giết để lấy sừng và tê tê bị giết để lấy vẩy. Rùa biển với hổ cũng đang bị đe dọa, hàng ngàn loài động vật và thực vật hoang dã đang trên bờ vực tuyệt chủng. Các đơn vị và cá nhân có liên quan tới hoạt động thương mại này chỉ nhằm thu được lợi nhuận ngắn hạn từ những tổn thất về lợi ích lâu dài của cộng đồng và môi trường sống. Họ thường thông đồng với các mạng và các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang tích cực tham gia vào việc làm mất ổn định của một số quốc gia.

Nhân Ngày Môi trường Thế giới năm 2016, Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi người dân và chính phủ trên khắp thế giới chấm dứt sự thờ ơ, để cùng chiến đấu chống lại sự tham lam và bảo tồn di sản thiên nhiên của chúng ta cho các thế hệ hiện tại và tương lai./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực