“Đại dịch COVID-19 đã cho tôi cái nhìn mới về Việt Nam”

Thứ tư, 26/01/2022 13:08
(ĐCSVN) – Với 18 năm sinh sống và làm việc tại nhiều địa phương của Việt Nam, chị Takashima Kyoko đã có rất nhiều kỷ niệm và tình cảm gắn bó với những nơi chị từng đi qua. Với chị, Việt Nam là khoảng “ký ức không thể nào quên”.

 “Hòa Bình – Quê hương thứ hai của tôi”

Gặp chị Takashima Kyoko tại Hà Nội trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, tôi không có cảm giác chị là người ngoại quốc, ngoài việc chị dùng tiếng Anh để nói chuyện (vì sợ không hiểu hết ý nếu dùng tiếng Việt – chị khiêm tốn chia sẻ). Chị bảo năm 2004 khi mới đến Việt Nam, chị nhận nhiệm vụ là Cố vấn trưởng/Quản lý đào tạo Dự án Tăng cường cung cấp dịch vụ y tế tại tỉnh Hòa Bình. Lúc đó chị không biết tiếng Việt, các đồng nghiệp của chị tại Sở Y tế Hòa Bình không phải ai cũng nói được tiếng Anh, nên những ngày đầu công tác tại đây thật khó khăn với chị. Rào cản về ngôn ngữ đã khiến chị nhiều lúc cảm thấy cô đơn, buồn bã. Tuy nhiên, các đồng nghiệp Việt Nam đã rất thân thiện và luôn hỗ trợ trong công việc cũng như trong cuộc sống, khiến chị nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống nơi đây. Cùng với đó, chị Takashima cũng mày mò học tiếng Việt và đến nay đã có thể nói tiếng Việt rất sõi.

 Chị Takashima Kyoko đã có 18 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam  (Ảnh: Kiều Giang)

3 năm làm việc tại Hòa Bình đã cho chị Takashima rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Đặc biệt nhất là vào mỗi dịp Tết, chị thường được đồng nghiệp mời đến nhà chơi và thưởng thức những món ăn đặc trưng của Tết Việt như: bánh chưng, thịt gà lá chanh, miến dong,… Chị còn được thưởng thức một số món ăn của người Mường như: thịt lợn Mường, cơm lam,… Chị cũng đã cùng những người bạn Việt Nam đến Kim Bôi để tắm suối khoáng nóng. Đó là những kỉ niệm khó quên, in đậm trong tâm trí chị.

Chị Takashima bắt đầu công việc đầu tiên tại Việt Nam là chuyên gia cho dự án hợp tác y tế với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đây là bệnh viện tỉnh đầu tiên nhận viện trợ không hoàn lại ODA của Nhật Bản để xây dựng khu điều trị chất lượng cao. Một điều thú vị là chị Takashima vừa là người làm dự án vừa là người thụ hưởng dự án. Ngày 30/10/2008, chị Takashima cùng với một đồng nghiệp nữ ở Sở Y tế Hòa Bình đều sinh con gái tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là lý do khiến chị thêm gắn bó và chuyên tâm với các hoạt động hợp tác y tế tại các địa phương của Việt Nam.

Nhiều trải nghiệm trong hoạt động hợp tác y tế tại các địa phương

Sau Hòa Bình, chị Takashima có cơ hội làm việc tại nhiều địa phương khác nhau của Việt Nam. Trong đó, thời gian  làm việc (từ tháng 3/2012 đến tháng 1/2014) với cộng đồng người dân tộc Ba Na ở Gia Lai là khoảng thời gian có nhiều kỷ niệm.  Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân để giảm nghèo ở khu vực Tây Nguyên”, chị không chỉ là chuyên gia (và điều phối viên) về y tế mà còn về giáo dục, văn hóa, giới và phát triển kinh tế hộ gia đình. Tại đây, chị có dịp đến thăm nhiều hộ gia đình và kết bạn với các em nhỏ. “Tôi thích nhất sự thành thật và chăm chỉ của người dân nơi đây, và mong muốn có thể đóng góp sức mình hỗ trợ người dân địa phương nâng cao năng lực”.

 Trong suốt thời gian làm việc tại Việt Nam, chị Takashima dành nhiều tâm huyết với các hoạt động hợp tác y tế tại  nhiều địa phương (Ảnh: Kiều Giang)

Mới đây nhất vào cuối năm 2021, trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực tiêm chủng ngừa COVID-19 tại tỉnh Lai Châu” với gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ đồng, dự án triển khai thực hiện các hoạt động đào tạo nghiệp vụ tiêm chủng cho nhân viên y tế và các cán bộ hỗ trợ, mua sắm một số trang thiết bị an toàn cần thiết tại các địa điểm tiêm chủng như máy đo thân nhiệt, máy đo huyết áp, dung dịch sát khuẩn…  Với đặc thù tại tỉnh Lai Châu, ngoài dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số như Thái, Giáy, Dao… chiếm khoảng 80% dân số. Đây cũng là những nhóm dân cư có ngôn ngữ riêng và khó tiếp cận nguồn thông tin đại chúng bằng tiếng Việt một cách nhanh chóng. Chị  Takashima rất tự hào chia sẻ sáng kiến của các cộng sự người Việt Nam đã nhanh chóng làm tài liệu tuyên truyền phát thanh bằng tiếng Thái. Điều này đã giúp nâng cao hiệu quả truyền thông về tiêm chủng tới người dân.

Trong 18 năm qua, ngoài thời gian công tác tại các địa phương nói trên, chị Takashima còn tham gia vào các dự án về tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các tỉnh Tây Bắc (như Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai,…), dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế trong hệ thống dịch vụ y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và các bệnh viện khu vực phía Nam. Hiện nay, chị Takashima làm việc tại văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam tại Hà Nội và phụ trách toàn bộ lĩnh vực y tế. Những kiến thức, kinh nghiệm từ nhiều năm công tác tại các địa phương của Việt Nam đã giúp ích cho chị rất nhiều khi làm việc tại văn phòng của JICA.

 “Đại dịch COVID-19 đã cho tôi cái nhìn mới về Việt Nam

"Đại dịch COVID-19 xuất hiện và khiến cho cả thế giới đều bất ngờ. Tuy nhiên, tôi thấy khi đại dịch xảy ra, phản ứng của người Việt trước COVID-19 rất tốt. Tôi có nhiều dịp tới làm việc với các đồng nghiệp Bộ Y tế để bàn bạc về hỗ trợ của JICA giúp Việt Nam phòng chống dịch COVID-19. Họ thu thập thông tin, tìm hiểu cách làm và phản ứng của nhiều nước với dịch bệnh và xem xét mô hình nào phù hợp với Việt Nam. Họ bắt đầu ứng phó ngay từ những ngày đầu tiên.  Vì vậy, tôi nhận ra rằng mình đã chưa hiểu hết về Việt Nam ngay cả khi đã ở đây từ rất lâu. Tôi rất cảm kích khi được có mặt tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch COVID-19”. Đây là những chia sẻ rất chân thành của chị Takashima khi nói về những trải nghiệm của mình trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 Trong năm 2021, JICA đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Ảnh chụp lô trang thiết bị y tế được JICA bàn giao cho Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 27/12/2021  (Ảnh: JICA)

Cũng vì đại dịch COVID-19, trong 2 năm vừa qua, công việc của chị Takashima bận rộn và căng thẳng hơn rất nhiều vì chị là trưởng nhóm y tế phụ trách lĩnh vực y tế và an sinh xã hội. Trong năm qua, để hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản trao tặng hơn 4 triệu liều vaccine, hơn 260 công ty Nhật Bản đã ủng hộ hơn 158,6 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh đó, JICA cũng tập trung vào 2 ưu tiên trọng điểm đó là: “Tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trung ương” và “Tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm”.

Trong đó, JICA đã viện trợ cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hệ thống xét nghiệm PCR, Bệnh viện Bạch Mai hệ thống điều hòa không khí nhằm phòng ngừa lây nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế hệ thống ECMO, trang thiết bị cần thiết trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng trị giá các lần viện trợ là hơn 450 triệu yên (khoảng 91 tỷ đồng) nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. JICA cũng đã tiến hành mua sắm thông qua UNICEF hộp lạnh bảo quản vaccine kèm thiết bị theo dõi nhiệt độ phục vụ cho việc vận chuyển vaccine ; thực hiện hỗ trợ tại một số tỉnh biên giới thông qua Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ trong điều tra và giám sát dịch.

Theo chị Takashima, trong năm 2022, Việt Nam cũng như các nước vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, các chương trình, dự án liên quan đến công tác phòng chống dịch vẫn được JICA triển khai tại Việt Nam. Chị Takashima cho biết, chị rất vui khi được đóng góp một phần nhỏ bé trong nỗ lực của JICA  phối hợp cùng Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và phòng chống sự lây lan của dịch bệnh COVID-19./.

Bài, ảnh: Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực