Việt Nam khẳng định vai trò dẫn dắt trong khối ASEAN

Thứ tư, 21/10/2020 16:04
(ĐCSVN) – Báo The ASEAN Post vừa có bài viết đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020. Bài viết cũng ghi nhận sự tham gia tích cực của Việt Nam trong ASEAN ngay từ khi gia nhập năm 1995, góp phần thúc đẩy hòa bình, tự do và thịnh vượng trong khu vực.
leftcenterrightdel
Bài viết trên The ASEAN Post đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN .

Dưới nhan đề bài viết: “Việt Nam: Nhà lãnh đạo thực tế mới của ASEAN?”, bài viết trên tờ The ASEAN Post khẳng định Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thể hiện vai trò của một “nhà lãnh đạo hiệu quả”, đặc biệt là với sự điều hành chủ động trong đẩy lùi đại dịch COVID-19, chính sách chống biến đổi khí hậu và ổn định chính trị.  Bài viết dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia đã đánh giá cao sự dẫn dắt của Việt Nam trong tình hình thực tế tại ASEAN.

Những thành tựu về chống biến đổi khí hậu

Cụ thể, bài phân tích trên The ASEAN Post chỉ ra rằng, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc triển khai mục tiêu hành động khí hậu của Liên hợp quốc, trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đang bị tụt lại phía sau giống như hầu hết các quốc gia châu Âu. Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 13 của Liên hợp quốc là hành động vì khí hậu. Theo đó, các quốc gia phải đạt được 5 mục tiêu, bao gồm các biện pháp cắt giảm lượng khí thải carbon và đầu tư vào khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo Phát triển bền vững năm 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đã đạt được SDG 13. Việt Nam đang đi trước phần còn lại của Đông Nam Á khi thúc đẩy sự phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng tái tạo.

The ASEAN Post dẫn báo cáo năm 2019 của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey với tiêu đề: “Tìm kiếm một con đường khác cho tương lai năng lượng Việt Nam”, cho rằng Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn, với 4-5 kWh năng lượng mặt trời/m2 và 3.000 km bờ biển với lượng gió ổn định trong khoảng 5,5-7,3 mét/giây, thuận lợi cho sản xuất điện mặt trời và điện gió.

leftcenterrightdel
Biểu đồ so sánh tăng trưởng GDP của các nền kinh tế Đông Nam Á giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. (Nguồn: Oxford Economics / Haver Analytics) 

Khả năng vượt qua “bẫy kinh tế” do đại dịch COVID-19

Bài viết trên The ASEAN Post chỉ ra rằng, ngay cả trong những thời điểm phải đối mặt với những khó khăn bất thường như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng ứng phó xuất sắc. Việt Nam cũng đã thể hiện tốt khả năng vượt qua “bẫy kinh tế” do đại dịch COVID-19 gây ra, dựa trên 3 tiêu chí sau:

Thứ nhất, Chính phủ đã công bố các biện pháp cắt giảm thuế, hoãn thuế và tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp.

Thứ hai, Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi Luật Đầu tư theo cách tiếp cận có lợi hơn cho các nhà đầu tư, thông qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết quả là hơn 12 tỷ USD vốn FDI đã được đăng ký trong giai đoạn tháng 1-4/2020. Với dòng vốn đầu tư đang gia tăng chưa từng thấy, Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn mạnh nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong 4 năm qua, khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư đã được đổ vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam đã phê chuẩn một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Liên minh châu ÂU (EU) vào ngày 29/6/2020. Theo đó, từ đầu tháng 7/2020, EU đã gỡ bỏ 85% thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, hướng tới việc dần xóa bỏ hoàn toàn thuế trong thời hạn 7 năm tới. Đổi lại, Việt Nam cũng sẽ gỡ bỏ 49% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa châu Âu và đề ra lộ trình xóa bỏ hoàn toàn thuế trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất siêu hơn 9,9 tỷ USD – mức cao nhất trong 4 năm qua. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2020.

Trong quý III/2020, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, với mức tăng trưởng 2,6% nhờ vai trò dẫn dắt của lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức tăng trưởng 2,95%; lĩnh vực dịch vụ tăng 2,75%. Xét một cách tổng thể, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2020 dự kiến sẽ đạt mức 2,9%.

Việt Nam là một trong những nền chính trị ổn định ở Đông Nam Á

Theo đánh giá của The ASEAN Post, Việt Nam là một trong những nước có nền chính trị ổn định ở Đông Nam Á. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra đường hướng chiến lược và quyết định về mọi vấn đề chính sách chủ chốt. Bài viết tin tưởng rằng, tất cả những sự phát triển nói trên có thể đưa Việt Nam vào vị trí đầu tàu của ASEAN.

Được ví như “một ngôi sao đang lên của Đông Nam Á”, tờ The ASEAN Post khẳng định Việt Nam có thể đảm nhận một chiến lược lãnh đạo kép hiệu quả, cùng với vai trò lãnh đạo truyền thống của Indonesia trong khối ASEAN. Thành công từ chiến lược chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam, trong đó tập trung vào các kinh nghiệm ứng phó với các dịch bệnh tương tự trong quá khứ, đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Việt Nam xứng đáng được khen ngợi vì các chính sách hiệu quả trong ứng phó với đại dịch, trong đó sự lây truyền và tỷ lệ tử vong ở mức thấp.

Cuối cùng, bài viết trên The ASEAN Post cho rằng, Việt Nam và Indonesia có thể học hỏi lẫn nhau, cùng nhau đóng góp để mang lại những thay đổi môi trường an ninh trong khối, dẫn dắt ASEAN đi đúng hướng, bảo đảm được các mục tiêu riêng và chung của tất cả các quốc gia thành viên. “Vai trò lãnh đạo kép” này được kỳ vọng là sẽ giúp ASEAN vượt qua những “cơn bão” đang đến trong thế giới hậu COVID-19./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực