10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2019

Thứ năm, 26/12/2019 19:38
(ĐCSVN) – Năm 2019 đang dần khép lại với nhiều biến động trên phạm vi toàn cầu. Thế giới tiếp tục chứng kiến những động thái mới trên bán đảo Triều Tiên, chiến sự ở Syria hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cùng những diễn biến đáng lo ngại của khí hậu…

Dưới đây là 10 sự kiện, vấn đề nổi bật của thế giới năm 2019 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

1. Quan hệ Mỹ Triều vẫn trượt dài trong căng thẳng

Sau một năm ghi nhận những tín hiệu nồng ấm, mối quan hệ Mỹ – Triều Tiên đã có dấu hiệu nguội lạnh trở lại trong năm 2019.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở khu phi quân sự liên Triều cuối tháng 6/2019. (Ảnh: Getty)

Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra ngày 27 – 28/2 tại Hà Nội. Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Mỹ khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước.

Gần đây nhất, cuộc gặp gỡ giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra khi hai bên tiến hành đàm phán cấp sự vụ tại Thụy Điển vào tháng 10. Tuy nhiên, sự kiện này đã kết thúc mà không đạt tiến triển cùng với việc Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã “tay trắng” tới bàn đàm phán. Cũng kể từ thời điểm này, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ – Triều tiếp tục bị đình trệ. Hai nước vẫn bất đồng quan điểm về việc xóa bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như những lợi ích mà Washington có thể trao cho Bình Nhưỡng như nới lỏng trừng phạt.

Ngày 20/12, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley tuyên bố Mỹ đã "sẵn sàng cho mọi động thái" trước cảnh báo từ Triều Tiên chuẩn bị “quà Giáng sinh” trong trường hợp Washington không hành động để xoa dịu căng thẳng.

Gần đây, Triều Tiên thử nhiều vũ khí, bao gồm các vụ thử tại cơ sở tên lửa Sohae, và nhiều lần chỉ trích Tổng thống Trump, làm dấy lên lo ngại hai bên có thể quay trở lại thời kỳ căng thẳng trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore hồi tháng 6/2018.

2. Thương chiến Mỹ Trung chưa có hồi kết

Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bước sang năm thứ hai với những diễn biến gia tăng căng thẳng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu suy thoái.

leftcenterrightdel
 Mỹ và Trung Quốc liên tục áp dụng mức thuế quan “ăn miếng trả miếng” lên hàng hóa của nhau. (Ảnh: Vietnamfinance)

Cuộc chiến tăng nhiệt từ tháng 5 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh phá bỏ thỏa thuận đã cam kết. Sau các lần áp thuế, giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD.

Đến ngày 23/8, Tổng thống Trump tiếp tục tuyên bố tăng thuế quan bổ sung lên 30% từ 25% đang áp dụng đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/10. Ngoài ra, thuế quan áp lên lô 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên mức 15%, từ 10% như kế hoạch ban đầu. Một nửa của chương trình áp thuế này có hiệu lực từ ngày 1/9, số còn lại thực hiện từ ngày 15/12. Việc tăng thuế là cách đáp trả quyết định mà Trung Quốc đưa ra cùng ngày, áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Không những thế, Tổng thống Mỹ còn mở ra một mặt trận mới về công nghệ khi đưa Huawei vào ‘danh sách đen’ và đáp lại, Trung Quốc công bố danh sách ‘các thực thể không đáng tin cậy’.

Cuộc đối đầu của hai cường quốc hàng đầu thế giới cũng được xem là cuộc cạnh tranh địa chính trị khi Washington muốn đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thường xuyên bày tỏ lo ngại với các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông hay sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Đến cuối năm, Mỹ – Trung ngày 13/12 tuyên bố đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký chấp thuận tạm ngưng kế hoạch tăng thuế với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15/12 và đây có thể nói là một diễn biến rất được thị trường chờ đợi sau nhiều tháng căng thẳng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán chiến tranh thương mại có thể vẫn kéo dài tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, do hai bên còn nghi kỵ lẫn nhau. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thương chiến kéo dài hơn một năm qua giữa hai cường quốc này không chỉ làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp mà còn làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang rơi vào tình trạng giảm tốc.

3. Tiến trình Brexit dai dẳng chưa đi đến thống nhất

Tiến trình Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit vẫn là một bài toán khó đối với xứ sở sương mù ngay cả khi 27 nước thành viên của liên minh châu Âu đã thống nhất cho Anh thêm thời gian 3 tháng, tức là đến 31/1/2020, để hoàn thiện thủ tục “ra đi”.

leftcenterrightdel
 Tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vẫn tồn tại nhiều tranh cãi. (Ảnh: investtrends)

Trong đó, vấn đề đường biên giới Ireland là một nút thắt khó gỡ trong các cuộc đàm phán Brexit, đặc biệt là vấn đề làm thế nào để ngăn chặn khu vực Bắc Ireland của Anh trở thành “cửa sau” vào thị trường EU mà không có các biện pháp kiểm soát biên giới.

Trong khi đó, chính trường Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 vẫn chia rẽ. Các chính trị gia Anh liên tục tranh cãi về việc làm thế nào và khi nào thì Anh “ra đi”, hoặc thậm chí liệu có nên “ra đi” hay không; còn EU thì dường như quá mệt mỏi với những tính toán và lựa chọn, vốn ban đầu được cho có thể giúp tháo gỡ bế tắc, song cuối cùng chưa đi tới đâu.

Thủ tướng Boris Johnson, người từng hứa sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU bằng mọi giá vào ngày 31/10, đã liên tục yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm để chấm dứt thế bế tắc chính trị đang khiến người dân ngày càng mất lòng tin, và ông đã nhiều lần thất bại.

Đến ngày 20/12, một tín hiệu khả quan hiếm hoi xuất hiện khi các nhà lập pháp tại Quốc hội Anh cuối cùng đã phê chuẩn thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Boris Johnson. Thỏa thuận Brexit mới của ông Johnson đã vượt qua trở ngại đầu tiên tại Hạ viện với một cuộc bỏ phiếu sau 8 ngày lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử với cam kết đơn giản là "hoàn thành Brexit". Điều đó có nghĩa là Anh sẽ tách khỏi EU vào ngày 31/01 khi giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu sẽ khiến cả hai bên có 11 tháng để thống nhất về mối quan hệ tương lai của họ. Các giai đoạn cuối cùng của việc phê chuẩn sẽ diễn ra sau ngày Giáng sinh, Hạ viện đến ngày 9/1/2020 sẽ phê chuẩn luật, hoặc Dự luật Brexit, để Thượng viện và Hoàng gia có 3 tuần thông qua.

Ủy ban châu Âu cho biết đã sẵn sàng thực hiện các bước đi chính thức để thông qua thỏa thuận về phía mình. Sau khi rời khỏi EU, Anh sẽ cần bảo đảm các thỏa thuận thương mại mới với EU.

4. “Sắc xanh” mới tại Liên minh châu Âu

Ban lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen; Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC), ông Charles Michel và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) Christine Lagarde đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới từ ngày 1/12. Nhà lãnh đạo EC với chủ trương gắn liền tăng trưởng xanh với các chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ sắp tới, được kỳ vọng mang lại những mầu sắc mới cho liên minh này.

leftcenterrightdel
Ban lãnh đạo mới của EU nhậm chức. (Ảnh: Reuters) 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) von der Leyen, người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị quan trọng này, cho biết sẵn sàng ủng hộ việc ra hạn thời hạn chót của tiến trình Brexit (Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) tới sau ngày 31/10 nếu cần thiết. Đối với chủ đề "nóng" khác là biến đổi khí hậu, bà von der Leyen cam kết đề xuất một "thỏa thuận xanh" cho châu Âu trong 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, hướng tới một châu lục không có khí thải CO2 vào năm 2050, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề xã hội, thu nhập của người lao động, chính sách nhập cư và biến đổi khí hậu sẽ là trọng tâm chương trình nghị sự của mình trong 5 năm tới.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý trong chương trình của ban lãnh đạo EU mới chính là đề xuất gắn liền tiêu chí phát triển bền vững, “tăng trưởng xanh” với tất cả chương trình nghị sự của EU. Ban lãnh đạo mới của EU vừa qua đã công bố dự kiến ngân sách trị giá 1.000 tỷ Euro để đầu tư cho kế hoạch chuyển đổi và xây dựng “EU xanh” với kỳ vọng sẽ mang lại những mầu sắc mới cho nền kinh tế của liên minh này.

5. Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria

Thổ Nhĩ Kỳ chiều 9/10 đã tiến hành chiến dịch quân sự có tên “Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình” nhằm “dọn sạch” những kẻ khủng bố IS và Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd (SDF) dẫn đầu khỏi khu vực biên giới. Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd ở Syria là nhánh mở rộng của đảng Công nhân người Kurd, vốn bị Ankara xem là một nhóm khủng bố.

leftcenterrightdel
 Xe quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại ngoại ô thị trấn Tal Abyad (Syria), giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tới ngày 23/10, sau khi đạt thỏa thuận với Nga về Syria, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này chính thức dừng chiến dịch quân sự này. Theo đó, dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn phải rút khỏi vành đai rộng 30km dọc biên giới phía bắc Syria. Biên phòng Syria quay lại tiếp quản nhiều khu vực biên giới, trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các đợt tuần tra chung ở khu vực. Ngoài ra, Ankara cũng xem xét lại một số kế hoạch của mình tại đất nước Trung Đông.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ làm thay đổi cán cân trong bàn cờ chính trị ở Syria. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên với vai trò những người định hình cục diện địa chính trị của khu vực.

Moscow giành được chiến thắng về chính sách đối ngoại khi buộc Ankara từ chỗ ủng hộ quân Syria sang đàm phán trực tiếp với Damascus về vấn đề người Kurd. Hỏa lực của không quân Nga cũng xoay chuyển cục diện chiến trường nghiêng về Tổng thống Assad. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan dù không đạt được mục tiêu ép ông Assad từ bỏ quyền lực, vẫn giành được chiến thắng về an ninh. Vùng an toàn dọc biên giới sẽ chặn mọi nỗ lực từ lực lượng người Kurd ở Syria hỗ trợ cho đảng Công nhân Quốc gia người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngược lại, Mỹ đánh mất vị thế xây dựng suốt nhiều năm qua khi Washington rút quân chóng vánh khỏi Syria, bỏ mặc người Kurd trước các đe dọa an ninh.

6. Máy bay Boeing 737 MAX chở 157 người gặp nạn

Máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn hôm 10/3, vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Toàn bộ 189 người trên chuyến bay, bao gồm 181 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn, đã thiệt mạng. Đây là tai nạn thứ hai của phi cơ 737 MAX trong chưa đầy 6 tháng.

leftcenterrightdel
 Máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopia chở 157 người gặp nạn, không ai sống sót. (Ảnh: Daily Star)

Vụ việc này đã khiến các cơ quan điều tra Mỹ và quốc tế quyết liệt xem xét, xác định Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) mới được Boeing lắp đặt trên dòng 737 MAX là nguyên nhân chính gây ra cả hai tai nạn thảm khốc. MCAS được cho là chiếm quá nhiều quyền kiểm soát máy bay, trong khi phi công không được thông báo đầy đủ về nó. Phi công không thể ngăn được thảm kịch nếu hệ thống này gặp trục trặc.

Vụ tai nạn khiến toàn bộ máy bay 737 MAX trên toàn thế giới bị cấm bay suốt hơn 9 tháng qua, đẩy Boeing vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử và chịu thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD.

Boeing hôm 15/12 buộc phải ngừng sản xuất dòng máy bay 737 Max. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm Boeing ngừng sản xuất mẫu phi cơ bán chạy nhất.

7. Biểu tình gây hỗn loạn tại Hong Kong (Trung Quốc)

Các cuộc biểu tình bùng phát ở Hong Kong (Trung Quốc) từ tháng 3 và leo thang vào tháng 6. Hàng trăm nghìn người đổ ra đường tuần hành rầm rộ cũng như xô xát với cảnh sát nhằm phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử tại những khu vực thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.

leftcenterrightdel
 Cảnh sát phun vòi rồng và thuốc nhuộm khi áp sát một hàng rào của người biểu tình ngày 20/10. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc biểu tình ôn hòa dần trở nên bạo lực và Hong Kong (Trung Quốc) đã lâm vào tình trạng tê liệt khi cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay, đạn cao su, thậm chí đạn thật, để trấn áp người biểu tình. Đa số hệ thống giao thông công cộng trên toàn thành phố bị ngưng trệ và tất cả trường đại học đều đóng cửa theo sau những vụ chạm trán nẩy lửa diễn ra trong đêm. Các tuyến tàu điện ngầm và trạm xe lửa nhiều lần đồng loạt ngưng hoạt động sau khi những người biểu tình ngăn cản các hành khách sử dụng phương tiện công cộng và đập phá các đoàn tàu.

Đến ngày 23/10, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã chính thức rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong suốt nhiều tháng song những người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường. 

Ngày 24/11, Hong Kong (Trung Quốc) tiến hành bầu cử hội đồng cấp quận, thu hút hơn 2,9 triệu cử tri tham gia. Các ứng viên ủng hộ phong trào dân chủ ở đặc khu chiến thắng áp đảo. Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam cam kết chính quyền tôn trọng kết quả bầu cử. 

Tuy nhiên, kể từ khi biểu tình leo thang mạnh mẽ hồi tháng 6 đến nay đã có hàng nghìn người bị thương và bị cảnh sát bắt giữ. Hong Kong (Trung Quốc) –  một trung tâm tài chính của châu Á – đang đối mặt với nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng từ biểu tình.

8. Phát hiện 39 người Việt chết trong xe container ở Anh

Cảnh sát Anh cho biết tìm thấy 39 thi thể được phát hiện trong thùng xe tải vào lúc 1h40 ngày 23/10 tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía Đông Nam thủ đô London.Các nạn nhân sau đó được xác định đều là công dân Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh bằng container trên phà xuất phát từ Bỉ.

leftcenterrightdel
 Cảnh sát Anh đã tìm thấy 39 thi thể được phát hiện trong thùng xe tải. (Ảnh: Sky News)

Anh đã bắt giữ 4 nghi phạm, một trong số đó bị truy tố tội ngộ sát, tham gia âm mưu buôn người và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Việt Nam cũng bắt 11 nghi phạm liên quan đến đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép.

Cuối tháng 11, Anh và Việt Nam đã phối hợp đưa toàn bộ thi thể, tro cốt của những người này về nước và bàn giao cho các gia đình.

Thảm kịch xảy ra là hồi chuông cảnh báo về làn sóng di cư, nhập cư trái phép, đặc biệt là lực lượng lao động không có trình độ cao từ các quốc gia kém phát triển, đang phát triển đổ xô về các nước phát triển như châu Âu.

Giới chuyên gia cho rằng các quốc gia ở châu Âu cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với nạn buôn người, có chính sách để thống nhất các nguồn lực quản lý biên giới.

9. Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS – cộng đồng quốc tế vẫn thận trọng

Tối 27/10 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu xác nhận thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào khu vực Tây Bắc Syria.

leftcenterrightdel
 Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong một video được công bố vào ngày 29/4/2019.      (Ảnh: AFP)

Ông Trump cho biết lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đột kích Al-Baghdadi ở Tây Bắc Syria và Al-Baghdadi đã chết "một cách hèn nhát" sau khi cho nổ đai bom quấn quanh người y. Tổng thống Mỹ khẳng định xét nghiệm DNA sau phẫu thuật chính thức xác định đó là Al-Baghdadi, đồng thời nhấn mạnh Al-Baghdadi bị tiêu diệt là một đòn giáng mạnh vào IS.

Mỹ đã tiến hành thủy táng Al-Baghdadi với các nghi thức của người Hồi giáo, tương tự như với trùm khủng bố Osama bin Laden trước đây.

Tuy nhiên, sau thông báo của Tổng thống Trump, đại diện nhiều nước như: Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel,… vẫn bày tỏ thận trọng khi cho rằng cái chết của Al-Baghdadi là một "cú đánh lớn", chắc chắn sẽ có tác động tới nhóm khủng bố, nhưng IS cũng đã chứng tỏ khả năng phục hồi của nó.

Tới ngày 31/10, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố xác nhận cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr Al-Baghdadi và công bố thủ lĩnh mới là Abi Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, đồng thời đe dọa sẽ trả thù nước Mỹ.

Có thể thấy việc Al-Baghdadi bị tiêu diệt chưa làm chấm dứt sự tồn tại của IS cùng hệ tư tưởng của tổ chức khủng bố này và cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều quốc gia trên thế giới.

10. Biến đổi khí hậu lên đến đỉnh điểm

Năm nay, lần đầu tiên, 11.000 nhà khoa học đến từ hơn 150 quốc gia đã cùng đưa ra cảnh báo: Trái đất đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu với rất nhiều kỷ lục đáng buồn được thiết lập.

leftcenterrightdel
Mùa khô tạo điều kiện thuận lợi cho đám cháy lan rộng, tuy nhiên xuất phát ban đầu là do tác động của con người, dù vô tình hay cố ý. (Ảnh: Reuters) 

Thế giới năm nay liên tục trải qua những tháng nóng nhất trong lịch sử. Một tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm, tháng 7, tháng 9, tháng 10 nóng nhất trong lịch sử Trái đất với nhiệt độ tăng từ 0,5 - 1 độ C so với mức trung bình hàng năm. Tại Ấn Độ hay Australia, người dân phải gánh chịu những đợt nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C. Còn ở những xứ lạnh như châu Âu, người dân đã phải chịu cái nóng lên tới 41 độ C khiến nhiều người tử vong.

Bên cạnh đó, thế giới cũng chứng kiến những trận siêu bão có sức tàn phá khủng khiếp ở Philippines, Indonesia hoặc những đợt núi lửa phun trào, động đất, sóng thần ở nhiều nước châu Á. Trong khi đó, băng ở Greenland đang tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng có.

Đáng chú ý, rừng Amazon ở Brazil năm nay đã hứng chịu hàng nghìn đám cháy, khiến khói lan rộng một nửa đất nước, và tràn sang các quốc gia láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu dân. Gần 79.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2013, và một nửa trong đó xảy ra tại rừng mưa Amazon, nơi được coi là "lá phổi xanh" của hành tinh.Thảm họa cháy rừng Amazon thu hút sự quan tâm của cả thế giới trong khi chính phủ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp trước thảm họa.

Trong báo cáo mới nhất do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu, đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2019.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì tuyên bố nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết và đây là mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh chúng ta, đây là vấn đề sống còn của thời đại chúng ta"

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc cũng lên tiếng cảnh báo thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được các thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính./.

Ban Thời sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực