Afghanistan gần như đã hoàn tất chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn sau động đất

Thứ sáu, 24/06/2022 14:47
(ĐCSVN) – Chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn sau thảm họa động đất tại miền Đông Afghanistan đã gần như được hoàn tất trong khi các hoạt động viện trợ đã bắt đầu tiếp cận được tới các khu vực hẻo lánh.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Afghanistan

Động đất mạnh khiến hàng trăm người thương vong ở Afghanistan

Máy bay trực thăng của chính quyền Taliban cất cánh sau khi đưa hàng viện trợ đến nơi xảy ra động đất ở Gayan, Afghanistan (Ảnh: Ali Khara / Reuters)

Đây là thông tin do các quan chức Taliban đưa ra ngày 23/6, tức chỉ một ngày sau khi trận động đất mạnh 6,1 độ richter tấn công khu vực miền Đông Afghanistan, cách thủ đô Kabul khoảng 160km về phía Đông Nam khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng. Khu vực xảy ra động đất là nơi có những ngọn núi khô cằn, nằm xen kẽ rải rác với các khu định cư nhỏ gần biên giới với nước láng giềng Pakistan.

Thông tin liên lạc kém và tình trạng đường xá không phù hợp đang cản trở các nỗ lực cứu trợ sau động đất, làm gia tăng gánh nặng đối với người dân Afghanistan trong bối cảnh đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân đạo leo thang kể từ khi lực lượng Taliban nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái.

Phát biểu trước báo giới, ngày 23/6, ông Mohammad Ismail Muawiyah - phát ngôn viên của Chỉ huy quân đội Taliban ở tỉnh Paktika bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất khẳng định: “Chiến dịch giải cứu đã kết thúc, không ai bị mắc kẹt dưới đống đổ nát”.

Cùng ngày, người phát ngôn Cơ quan Giải quyết thảm họa Afghanistan Mohammad Nassim Haqqani cũng cho biết chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn sau trận động đất kinh hoàng tại miền Đông Afghanistan đã hoàn tất tại các khu vực chính và chỉ còn tiếp diễn ở những vùng hẻo lánh. 

Cũng trong ngày 23/6, Liên hợp quốc cho biết, Bộ quốc phòng Afghanistan đã thông báo hoàn tất 90% hoạt động tìm kiếm và cứu nạn sau trận động đất. Theo số liệu thống kê do ông Muawiyah công bố, trận động đất đã khiến 1.000 người thiệt mạng và 1.500 người bị thương, trong khi hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Theo đánh giá từ chính phủ Mỹ, số người tử vong cao đã khiến thảm họa hôm 22/6 trở thành trận động đất nguy hiểm nhất tấn công Afghanistan trong 20 năm qua.

Phát biểu trên hãng tin Reuters, phát ngôn viên Bộ Y tế Afghanistan Sharafat Zaman cho biết, tính đến sáng 23/6, đã có khoảng 1.000 người được cứu trợ sau thảm họa động đất. “Các hoạt động viện trợ đã tiếp cận tới khu vực song vẫn cần nhiều hơn nữa” – ông Zaman nói.

Trận động đất mạnh 6,1 độ richter tấn công Afghanistan vào sáng 22/4 được coi là “một phép thử lớn” đối với lực lượng Taliban đang nắm quyền ở Afghanistan sau khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ cầm đầu kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 2 thập kỷ và rút khỏi quốc gia Tây Nam Á. 

Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8/2021, tình hình nhân đạo tại đất nước vốn đã nghèo lại càng thêm khốn khó do các lệnh trừng phạt được áp đặt từ thời điểm đó đã khiến Afghanistan bị cắt nhiều khoản viện trợ quốc tế.

Trước bối cảnh trên, phát ngôn của Bộ Ngoại giao Afghanistan – ông Abdul Qahar Balkhi, ngày 23/6 đã lặp lại lời kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế nhằm giúp Afghanistan vực dậy sau thảm họa.

“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan quản lý thảm họa thiên nhiên và cộng đồng quốc tế viện trợ ngay lập tức và toàn diện cho người dân Afghanistan” – thông điệp trên Twitter của ông Balkhi nêu rõ.

Người dân Afghanistan phơi quần áo trên những bụi cây khô gần đống đổ nát của những ngôi nhà bị hư hại do trận động đất ở quận Bernal, tỉnh Paktika. (Ảnh: Sahel Arman / AFP)

Vào cuối tháng 3/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế sát cánh với Afghanistan, vì cho rằng nền kinh tế của quốc gia Tây Nam Á đã hoàn toàn sụp đổ. Hạn hán đã khiến sản lượng lương thực bị sụt giảm, đẩy 9 triệu người Afghanistan phải đối mặt với nạn đói. Một số gia đình thậm chí đã buộc phải bán trẻ em và nội tạng để tồn tại.

Còn theo tính toán do Phó Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Afghanistan Ramiz Alakbarov đưa ra ngày 23/6, nền kinh tế Afghanistan đã ước tính suy giảm khoảng 30% - 40% kể từ khi Taliban tiếp quản vào tháng 8/2021. Sản lượng và thu nhập đã giảm 20% đến 30%, trong khi số hộ gia đình nhận kiều hối giảm 50%. Tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 40% trong năm nay, tăng so với 13% vào năm 2021, trong khi một số dự báo cho thấy tỷ lệ nghèo đói có thể tăng cao tới 97% vào cuối năm 2022. Đáng báo động hơn, 82% hộ gia đình hiện đang mắc nợ trong khi những tín hiệu xấu đi khiến hy vọng của những người này càng trở nên mờ nhạt. Ông Alakbarov cho biết, các nguồn lực hỗ trợ đã giúp nhiều gia đình Afghanistan vượt qua tình trạng khẩn cấp nhân đạo vào mùa đông năm ngoái hiện đang bị cạn kiệt.

Sau khi trận động đất kinh hoàng sáng 22/3,  Liên hợp quốc đã huy động nguồn lực, thuốc men, lương thực, thiết bị y tế và lều khẩn cấp để hỗ trợ người dân Afghanistan. Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang gửi thực phẩm và thiết bị hậu cần đến các khu vực bị ảnh hưởng, với mục đích ban đầu là hỗ trợ 3.000 hộ gia đình sau động đất.

Ông Gordon Craig, Phó giám đốc WFP tại Afghanistan cho biết: “Người dân Afghanistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có sau nhiều thập kỷ xung đột, hạn hán nghiêm trọng và suy thoái kinh tế… Thảm họa động đất sẽ làm gia tăng nhu cầu nhân đạo vốn đã rất cấp bách mà người dân Afghanistan phải chịu đựng hàng ngày”.

Ngày 23/6, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thông báo kế hoạch gửi viện trợ cho Afghanistan./.

T.Lan (Theo aljazeera, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực