Cuộc xung đột Nga-Ukraine: Nối dài hành trình tìm kiếm hòa bình

Thứ ba, 28/02/2023 16:28
(ĐCSVN) – Ngày 24/2/2022, cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát khiến cả châu Âu và thế giới chao đảo. Tình thế bế tắc cả ở trên thực địa và trên bàn đàm phán giữa đôi bên đang tô đậm tính cần thiết của những nỗ lực hòa giải sau hơn 1 năm nổ ra xung đột.

Tác động toàn cầu từ xung đột

leftcenterrightdel
Người dân đi ngang qua một tòa nhà bị hư hại ở Mariupol, ngày 18/2/2023. (Ảnh: Victor/Xinhua) 

Chia sẻ về những ký ức sau 1 năm bùng phát xung đột, một tình nguyện tại bệnh viện nhi ở Kiev, tên là Olha, cho biết: “Trong năm qua, từ công việc đến cuộc sống cá nhân, từ hạnh phúc đến những gì tôi làm hàng ngày, mọi thứ đều đã hoàn toàn thay đổi".

"Tôi mất việc... Tôi đang lâm vào tình cảnh nợ nần... Nhiều người bạn của tôi đã qua đời"- người phụ nữ 34 tuổi chia sẻ. Tuy nhiên, đây lại chỉ là 1 ý kiến cá nhân trong số vô vàn ý kiến ghi nhận về tác động của cuộc xung đột. Trên thực tế, cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ tác động tới riêng ai mà còn để lại những hệ lụy đối với cả thế giới.

Kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 24/2 năm ngoái, hàng chục nghìn binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong khi hàng triệu người khác buộc phải rời bỏ nhà cửa. Tác động của cuộc xung đột đã vượt xa biên giới Ukraine, khi gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm, giá năng lượng và lạm phát tăng vọt trên phạm vi toàn thế giới.

Các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga với hy vọng chặn đứng các kênh xuất khẩu năng lượng và bóp nghẹt nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt đó, cho đến nay vẫn chưa chứng minh hiệu quả. Thay vào đó, lệnh trừng phạt đã biến thành “con dao hai lưỡi” khi làm tổn thương các đồng minh của Mỹ và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới.

Hơn nữa, Ukraine và Nga được cho là cung cấp khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Chính vì thế, xung đột xảy ra đã để lại những tác động nặng nề đối với chuỗi cung ứng thực phẩm khi giá lương thực bị đẩy lên cao, người dân ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình và thấp gặp khó khăn hơn trong việc nuôi sống gia đình họ.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng làm gián đoạn thương mại và lạm phát bị đẩy lên cao, khiến cho nhiều nền kinh tế đứng trên bờ vực suy thoái. Cuối tháng 1/2023, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - ông Pierre-Olivier Gourinchas dự báo nền kinh tế toàn cầu nguy cơ chậm lại trong năm nay, trong khi tăng trưởng vẫn yếu khi cuộc chiến chống lạm phát và cuộc khủng hoảng Ukraine đang gia tăng áp lực lên các hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, tổn thất kinh tế đối với các nền kinh tế mới nổi còn nghiêm trọng hơn. Ngày 1/1, Liên hợp quốc cảnh báo xung đột Nga-Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới, làm gián đoạn thị trường năng lượng và lương thực, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở nhiều nước đang phát triển.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang cũng mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và vũ khí của Mỹ. Kể từ khi bùng phát xung đột, Mỹ và các đồng minh đã gửi thêm vũ khí nhằm tiếp sức cho Ukraine trong cuộc chiến không cân sức với Nga. Cho tới nay, Mỹ đã hỗ trợ quân sự gần 30 tỷ USD cho Ukraine. Sau khi Mỹ và Đức cam kết viện trợ xe tăng cho Ukraine vào cuối tháng 1/2023, thì chỉ vài ngày sau đó, Lầu Năm góc tiếp tục công bố một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine, gồm cả các thiết bị tên lửa tấn công chính xác các mục tiêu tầm xa lần đầu tiên được cung cấp cho Ukraine.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ J.Biden đã cam kết hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, trong một động thái được cảnh báo là sẽ tiếp tục làm leo thang xung đột.

Trong một báo cáo đưa ra vào tháng trước, Tổ chức Quốc phòng Dân chủ Mỹ cho biết, việc thay thế các thiết bị quân sự do các đồng minh NATO của Washington chuyển giao cho Ukraine có thể mang lại khoảng 21,7 tỷ USD doanh số bán hàng quân sự nước ngoài hoặc doanh số thương mại trực tiếp cho ngành công nghiệp Mỹ.

Còn trong Thông điệp Liên bang ngày 7/2, Tổng thống Mỹ J.Biden thừa nhận, các công ty dầu mỏ lớn (Big Oil) vừa báo lãi và ghi nhận lợi nhuận kỷ lục. Trong năm 2022, Big Oil đã kiếm được 200 tỷ USD giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây đã châm ngòi một cuộc chiến ở châu Âu để "loại bỏ các đối thủ cạnh tranh bằng cách sử dụng một lực lượng ủy nhiệm" và trách nhiệm kích động cũng như làm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine hoàn toàn thuộc về giới tinh hoa phương Tây.

Ngày 27/2, ông Putin tiếp tục cáo buộc các thành viên NATO đã thực sự tham gia vào xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Putin cũng cho rằng phương Tây đang có kế hoạch chia rẽ nước Nga và cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân. Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh việc các quốc gia phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine làm gia tăng nguy cơ xung đột hạt nhân thế giới. Theo ông Medvedev, việc bơm thêm vũ khí sẽ còn tiếp diễn... và điều đó đang cản trở cơ hội diễn ra đàm phán.

Kiếm tìm giải pháp chính trị cho khủng hoảng

leftcenterrightdel
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh vai trò của các kênh ngoại giao trong tiến trình thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine. (Ảnh: AP) 

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine kéo dài một năm qua không chỉ tạo ra những khó khăn về kinh tế và xã hội ở cả hai quốc gia giữ vai trò can dự trực tiếp mà còn làm chậm đáng kể quá trình phục hồi của thế giới sau đại dịch COVID-19.

Truyền thông nước ngoài dẫn các số liệu chính thức cho biết, GDP của Nga đã giảm 2,1% trong năm 2022, trong khi nền kinh tế Ukraine chịu mức sụt giảm 30,4%. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào năm ngoái, chi phí tái thiết và phục hồi ở Ukraine ít nhất cần đến 349 tỷ USD.

Tuy nhiên, sự khác biệt lớn về lập trường giữa Nga và Ukraine khiến đôi bên không thể xích lại gần nhau hơn vào thời điểm hiện tại, khiến khả năng đối thoại để hóa giải xung đột trở nên khó khăn. Thực tế đó đã nhấn mạnh vai trò của những nỗ lực hàn gắn từ cộng đồng quốc tế.

Trong Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine, ngày 22/2, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong 1 năm qua, cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây. Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng, trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới./.

Nhân cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Munich hồi tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết không có quốc gia nào muốn đạt được hòa bình hơn Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng từng tiết lộ Moscow hoàn toàn không muốn cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra. Ông Lavrov cũng khẳng định Nga có mục tiêu rất rõ ràng tại Ukraine, gồm cả việc loại bỏ một thành trì trên lãnh thổ Ukraine mà phương Tây có thể sử dụng như một bàn đạp để đe dọa quân sự đối với Nga.

Để hiện thực hóa hòa bình, nhà phân tích chính sách đối ngoại kiêm một quan chức ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ - ông Gulru Gezer, cho rằng tất cả các quốc gia có trách nhiệm vốn không muốn kéo dài cuộc khủng hoảng nên hỗ trợ duy trì các kênh đối thoại cởi mở thay vì làm trầm trọng thêm căng thẳng.

Còn Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì đánh giá khoảng thời gian một năm kéo dài cuộc xung đột Nga-Ukraine là "cột mốc nghiệt ngã" với những tác động vượt xa biên giới Ukraine. Người đứng đầu Liên hợp quốc nói: “Mặc dù ngày nay triển vọng có vẻ ảm đạm, nhưng chúng tôi biết rằng hòa bình thực sự, lâu dài phải dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”.

Trong cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình tại Ukraine diễn ra tuần trước,  ông Guterres nhấn mạnh vai trò của các kênh ngoại giao trong tiến trình thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine. Ông Guterres nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nước này. Trong bối cảnh xung đột, hợp tác quốc tế vẫn cần thiết và có giá trị đồng thời khẳng định điều này có thể thực hiện được.

Vào thời điểm 1 năm cuộc xung đột tiếp diễn với những triển vọng hóa giải mờ nhạt, những lời kêu gọi tìm kiếm hòa bình một lần nữa lại vang lên trên các diễn đàn quốc tế và trong các cuộc gặp cấp cao. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã tỏ rõ quan điểm trung lập về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và kêu gọi một giải pháp chính trị cho xung đột. Nói như Thủ tướng Namibia Saara Kuugongelwa Amadhila thì điều chúng ta cần là một giải pháp hòa bình cho xung đột để thế giới tập trung vào tái thiết, cải thiện đời sống người dân thay vì đổ tiền đi mua vũ khí và tạo ra sự thù địch. Giờ là lúc cần tập trung giải quyết vấn đề chứ không phải đổ lỗi cho nhau vì xung đột./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực