ECB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone

Thứ sáu, 10/09/2021 14:40
(ĐCSVN) - Ngày 9/9, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2021 trong bối cảnh khu vực này đang dần hồi phục sau khi các quốc gia nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức ngày 9/9.
(Ảnh: Xinhua) 

Theo dự báo mới của ECB, kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021, cao hơn mức 4,6% được đưa ra trong dự báo trước đó. Trong khi đó, ECB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực vào năm 2022 xuống 4,6% từ mức 4,7% trong dự báo trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 không thay đổi, vẫn ở mức 2,1%.

Cùng ngày, ECB cũng quyết định duy trì các lãi suất chủ chốt ở thời điểm hiện tại nhằm hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ECB cũng cho biết, dựa trên đánh giá chung về các điều kiện tài chính và triển vọng tình hình lạm phát, Hội đồng thống đốc ECB quyết định sẽ giảm nhịp độ thu mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) so với 2 quý trước đó.

Thông báo này được ECB đưa ra trong bối cảnh lạm phát của khu vực Eurozone tăng lên hơn 3% trong tháng 8, mức cao nhất trong 10 năm qua, vượt mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra. Nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB dự đoán lạm phát của Eurozone sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, trước khi giảm trở lại.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhiều lần nói rằng lạm phát cao hơn ở Khu vực Eurozone gần đây chủ yếu là do "các yếu tố tạm thời" liên quan đến đại dịch và sẽ không thúc giục ECB sớm thắt chặt chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Chương trình PEPP có trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) là công cụ chính của ECB để giúp đỡ các nước thành viên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch COVID-19 và hướng tới duy trì tín dụng giá rẻ cho toàn khối. 

ECB nhấn mạnh linh hoạt trong hỗ trợ kinh tế Eurozone và sẵn sàng điều chỉnh các công cụ hỗ trợ khi cần thiết. Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định việc giảm nhịp độ mua vào trái phiếu không phải là giảm quy mô chương trình hỗ trợ hay bước đi để chuẩn bị cho việc kết thúc chương trình hỗ trợ. Đó chỉ là động thái hiệu chỉnh biện pháp khi nhận thấy các điều kiện kinh tế thuận lợi. Theo bà Christine Lagarde, PEPP sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất tới tháng 3/2022, hoặc tới khi ECB "đánh giá giai đoạn khủng hoảng COVID-19 đã kết thúc". 

Bà Lagarde đánh giá nền kinh tế Eurozone đang phục hồi sau cuộc đại suy thoái về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Bà nhấn mạnh, Eurozone đang trên đà tăng trưởng “mạnh mẽ” và nhấn mạnh, nền kinh tế của khu vực sẽ quay trở lại mức trước đại dịch trong quý I/2022. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cảnh báo, đại dịch COVID-19 với biến thể Delta tiếp tục "phủ bóng" lên quá trình phục hồi các nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Hiện tại, ECB đang duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%. Ngoài ra, Ngân hàng có kế hoạch duy trì lãi suất ở mức thấp hiện tại cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu 2% trong khoảng thời gian dài.

ECB đã nâng mục tiêu lạm phát từ mức “thấp hơn nhưng gần 2%” lên mục tiêu 2% trong trung hạn, có nghĩa là cho phép lạm phát ở một số thời điểm có thể vượt quá mức trên dù “không mong muốn”.

Kinh tế Eurozone đang trên đà phục hồi nhờ chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được triển khai rộng rãi. Tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng mạnh dự báo tăng trưởng của Eurozone lên lần lượt 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022, cao hơn so với mức 4,3% và 4,4% đưa ra hồi tháng 5./.

H.Hà (Theo ecb.europa.eu, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực