"Hành động phía Đông" của Ấn Độ

Thứ sáu, 21/11/2014 08:58

(ĐCSVN) Các nước ASEAN là những đối tác quan trọng của Ấn Độ trong chiến lược mở rộng không gian phát triển của quốc gia đông dân hàng thứ hai thế giới này. Từ “Chính sách hướng Đông” của các chính phủ tiền nhiệm, giờ đây “Hành động phía Đông” đã trở thành phương châm phát triển của Ấn Độ.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ
tại Nay Pyi Taw, Myanmar. (Ảnh AP)


Vừa qua, tại châu Á diễn ra hai sự kiện, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tổ chức tại Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tổ chức tại Myanmar. Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến những Hội nghị này không chỉ vì tầm vóc quy mô, vì những vấn đề nóng bỏng trên bàn nghị sự mà còn vì sự hiện diện của các cường quốc khi hầu như tất cả các quốc gia có ảnh hưởng này đều đang khẩn trương đẩy mạnh chiến lược “xoay trục" sang châu Á. Tuy tên gọi có khác nhau nhưng hầu như tất cả các nước lớn đều có một mục đích chung là tìm kiếm lợi ích, tạo dựng ảnh hưởng ở khu vực đang được coi là phát triển năng động nhất này của thế giới. Ấn Độ là một trong những quốc gia như thế.

Với một quốc gia có dân số đứng hàng thứ hai trên thế giới, với một nền kinh tế đang trong quỹ đạo của sự phát triển và hội nhập, dường như không gian truyền thống của một đất nước đông dân như Ân Độ đang trở nên chật hẹp khi quá trình toàn cầu hoá đã gõ cửa cả những ngôi làng xa xôi nhất của quốc gia đa tôn giáo này. Vì vậy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ đã được khởi xướng mà cha đẻ của nó không ai khác ngoài Thủ tướng Ấn Độ khi đó P.V. Narasimha Rao.

Sau khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh (người từng nắm giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của ông Narasimha Rao) đã tiếp tục thực thi, phát triển “Chính sách hướng Đông” của người tiền nhiệm. Ông là người đặt dấu ấn trong việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặt mục tiêu vươn tới và chiếm lĩnh thị phần tiêu dùng gồm 550 triệu dân. Nhưng đây chưa phải là cái đích cuối cùng, Ấn Độ còn vươn tới mục tiêu lâu dài. Đó là, thoả mãn cơn khát tài nguyên và năng lượng cho sự phát triển trong tương lai mà khu vực Đông Nam Á là nguồn dự trữ tương đối lớn. Vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ rất quan tâm tới tốc độ phát triển năng động về thương mại cũng như đầu tư ở Đông Á cũng như Đông Nam Á.

Hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN đã phát triển với tốc độ nhanh kể từ khi Ấn Độ bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế và “Chính sách hướng Đông” vào những năm 1990. Ấn Độ đã là một đối tác đối thoại đầy đủ tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 5 tại Bangkok, năm 1995 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN năm 1996. Ấn Độ và ASEAN đã tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh hàng năm kể từ năm 2002.

Sau khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi đã chuyển “Chính sách hướng Đông” thành “Hành động phía Đông”. Điều đó thể hiện sự chủ động hơn của Ấn Độ trong tăng cường quan hệ giữa hai cực tăng trưởng trong một châu Á đang nổi lên. Trong chuyến thăm gần đây nhất đến Singapore, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã khẳng định: "Hướng Đông không còn phù hợp, giờ đây chúng tôi cần Hành động phía Đông.”

Các trụ cột chính trong chính sách “Hành động phía Đông” thể hiện sự tham gia mạnh mẽ của Ấn Độ đối với ASEAN gồm lĩnh vực thương mại, kết nối khu vực, văn hóa, sáng tạo và giao lưu nhân dân.

Trong thương mại, Ấn Độ - ASEAN đang sẵn sàng mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới. Hai bên sẽ sớm hoàn tất việc ký phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) Ấn Độ - ASEAN về dịch vụ và đầu tư để bổ sung cho FTA về hàng hóa đã được ký kết năm 2009 và tạo đà nhảy vọt trong thương mại song phương lên trên 80 tỷ USD, tăng lên khoảng 100 tỷ USD vào năm 2015 và gấp đôi vào năm 2022.

Đầu tư hai chiều đang tăng nhanh, với số vốn của các dự án đầu tư ASEAN tại Ấn Độ trong 8 năm gần đây đạt khoảng 27,9 tỷ USD, trong khi đầu tư của Ấn Độ vào ASEAN đạt 32,4 tỷ USD.

Kết nối vật chất, thể chế và tinh thần sẽ tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ đã đi đầu trong việc thúc đẩy một loạt các dự án xuyên quốc gia nhằm tạo một hệ thống liên kết đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Việc hoàn thành tuyến Tamu-Kalewa-Kalemyo trong Dự án đường cao tốc kết nối Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan đang tạo ra một động lực mới trong quan hệ nhiều mặt giữa Ấn Độ với khu vực.

Với chính sách tập trung phát triển kinh tế tại các bang Đông Bắc Ấn Độ - cửa ngõ vào ASEAN hứa hẹn sẽ tạo ra sự kết nối mạnh mẽ trong khu vực này. Thời gian tới, tăng cường hàng hải và kết nối hàng không sẽ là những lĩnh vực trọng tâm.

Trong quan hệ hợp tác văn hóa, sáng tạo và giao lưu nhân dân, Ấn Độ đã thành lập phái bộ về ASEAN tại Jakarta và một Trung tâm ASEAN - Ấn Độ đặt tại New Delhi. Bên cạnh đó, xây dựng năng lực, hợp tác phát triển là những khía cạnh quan trọng cần đẩy mạnh hợp tác giữa Ấn Độ - ASEAN.

Ấn Độ đã chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án xây dựng năng lực ở các nước Đông Nam Á thông qua ba quỹ, gồm Quỹ hợp tác ASEAN - Ấn Độ 50 triệu USD; Quỹ xanh ASEAN - Ấn Độ 5 triệu USD và Quỹ Khoa học Công nghệ ASEAN - Ấn Độ. Ấn Độ có kế hoạch thành lập 4 trung tâm công nghệ thông tin tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Ấn Độ gần đây gia tăng các hoạt động về kinh tế và hợp tác quân sự với các nước khu vực Đông Nam Á. Khu vực này đang trở nên quan trọng hơn với Ấn Độ. Khác hẳn với giai đoạn trước khi mà quan hệ giữa Ân Độ với vùng Đông Á bị hạn chế bởi một số yếu tố lịch sử, trong đó quan hệ giữa Ấn Độ và một vài nước lớn là nhân tố hạn chế quan trọng. Dư luận và chính giới Ấn Độ đã từng băn khoăn khi phân tích thế và lực của Ấn Độ trên bàn cờ quan hệ quốc tế, nhất là khi những tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ diễn ra ngày càng quyết liệt và căng thẳng hơn cả ở trên bộ lẫn trên biển. Từ những băn khoăn đó, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã đặt thẳng vấn đề: Ấn Độ cần phải vươn bước chân của mình đến khu vực Đông Á mà Biển Đông là mối quan tâm đặc biệt.

Có lẽ, không có gì khó hiểu khi tại Hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không ngần ngại đi thẳng vào vấn đề này. Trước các lãnh đạo khác, ông Narendra Modi cho rằng: "Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, không có lựa chọn nào khác là tuân theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng áp dụng cho an ninh hàng hải. Vì lý do đó, tại Biển Đông cũng thế, tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế là điều quan trọng đối với hòa bình và ổn định".

Đối với Thủ tướng Ấn Độ, việc tôn trọng luật lệ quốc tế "cũng bao gồm Công ước Liên hiệp quốc năm 1982 về Luật Biển" mà theo ông nên là cơ sở để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông trình bày quan điểm: “Để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tất cả các bên cần tuân thủ quy tắc và luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các bên có thể thực hiện thành công các nguyên tắc trong Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, và COC sẽ sớm được ký kết trên cơ sở đồng thuận."

Ấn Độ và các nước ASEAN đều mong muốn tăng cường hợp tác song phương trong việc thúc đẩy sự cân bằng, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Mỗi nước lớn có đối sách, có phương pháp thực hiện chính sách “xoay trục” của mình nhưng cách tiếp cận hoà bình, tôn trọng lợi ích của các quốc gia liên quan, tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức được hoan nghênh nhất. Trong một thế giới đang hội nhập mạnh mẽ, đó là điều kiện tiên quyết để cùng nhau đi trên con đường tiến tới thịnh vượng./.

Vũ Cân 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực