Hóa giải xung đột ở Gaza: “Quá tam ba bận” vẫn không thành

Thứ ba, 18/05/2021 15:49
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh chiến sự leo thang tại Gaza, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập phiên họp thứ 3 để thảo luận về tình hình khu vực, trong đó có thiết lập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Hamas và Israel. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc mà không mang lại kết quả cụ thể do vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ.

Gaza đang trượt dài bên miệng hố chiến tranh

Gaza tiếp tục rung chuyển vì bom đạn

Xung đột Israel - Palestine gây nhiều thương vong

“Quá tam ba bận” 

leftcenterrightdel
Lính cứu hỏa Palestine nỗ lực cứu một nhà xưởng trúng đạn của Israel ở phía bắc Dải Gaza ngày 17/5 - Ảnh: Reuters

Dự thảo tuyên bố chung do Trung Quốc, Tunisia và Na Uy soạn thảo đã được trình lên Hội đồng Bảo an vào cuối ngày 16/5 để cơ quan này thảo luận và thông qua vào ngày 17/5. Tuy nhiên, Mỹ đã phản đối với lý do hiện tại "không thể ủng hộ cách diễn đạt" trong nội dung dự thảo tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong dự thảo tuyên bố chung, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về cuộc khủng hoảng tại Gaza cũng như tình hình nhiều gia đình người Palestine có thể bị ép buộc rời khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem, đồng thời phản đối các “hành động đơn phương” làm gia tăng căng thẳng vốn đang leo thang tại khu vực này. Dự thảo tuyên bố cũng hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với giải pháp hai nhà nước để người Israel và Palestine có thể chung sống hòa bình trong khu vực biên giới phân định đã được công nhận.

Trong bối cảnh cơ quan quyền lực Liên hợp quốc đã lần thứ 3 không thể đưa ra tiếng nói chung thì các cuộc không kích gây thương vong tại Gaza vẫn nóng lên từng ngày, gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế.

Trong ngày 17/5, Israel đã tăng cường không kích vào các địa điểm nghi là căn cứ của Hamas, gồm cả các tòa nhà có dân thường sinh sống. Cho tới nay, các cuộc tấn công do Israel thực hiện nhằm vào Gaza đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Các vụ trả đũa bằng rocket với tần suất dày đặc do Hamas nã vào lãnh thổ Israel trong nhiều ngày qua cũng đã khiến 10 người Israel thiệt mạng. Trong các con số thống kê thương vong từ cả hai phía thì trẻ em chiếm phần đáng kể.

Còn theo số liệu của Liên hợp quốc, chiến sự tiếp diễn nhiều ngày qua tại Gaza đã khiến 38.000 người phải rời bỏ nhà cửa và tạm lánh tại các khu vực trường học. Các vụ không kích đã làm hư hỏng hệ thống cung cấp điện cùng một số trạm kiểm soát của Israel và gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.

Các con số thương vong về người và thiệt hại về vật chất được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới, khi mà cả Hamas và Israel đều tỏ thái độ không khoan nhượng. Hiện phía Israel đang bảo vệ chiến dịch ném bom Gaza, xem đây là màn trả đũa trước các cuộc tấn công rocket của Hamas. Trong khi đó, phong trào Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza lại khẳng định họ phải phản ứng trước chính sách của Israel nhằm ép buộc người dân Palestine di dời khỏi khu vực Đông Jerusalem bị đóng và vụ việc quân đội Israel tấn công Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa vào tuần trước. Hamas cáo buộc Israel đã bỏ lỡ thời hạn chót do phong trào này đưa ra nhằm rút lực lượng khỏi khu vực quanh Al-Aqsa.

Sự nửa vời của Mỹ

Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 17/5 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ với một lệnh ngừng bắn trong cuộc giao tranh giữa Israel và người Palestine.

Thông báo có đoạn: "Tổng thống (Biden) đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với một lệnh ngừng bắn và đã thảo luận về cam kết của Mỹ với Ai Cập và các đối tác khác hướng đến chấm dứt (xung đột)". Theo Nhà Trắng, ông Biden đã khuyến khích Israel thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo an toàn cho dân thường vô tội.

Điều đáng nói là dù vẫn bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột ở Gaza song Mỹ đã 3 lần ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết nhằm lên án phản ứng quân sự của Israel và kêu gọi ngừng bắn ở vùng lãnh thổ có 2 triệu dân sinh sống. Trên thực tế, Mỹ cũng chưa từng có động thái gia tăng sức ép lên Israel trong vấn đề Gaza, mà trên thực tế lại nhiều lần khẳng định tới quyền tự vệ của Tel Aviv.

Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield khẳng định Washington đang hành động không mệt mỏi thông qua các kênh ngoại giao để chấm dứt chiến sự ở Gaza.

Tuy nhiên phản ứng của Mỹ mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố và chưa biến thành hành động trên thực tế. Việc thể hiện một thái độ “nửa vời” trong vấn đề Gaza đã khiến Tổng thống J.Biden vấp phải chỉ trích từ cả dư luận trong và ngoài nước.

Hiện nhiều nhà phê bình, thậm chí gồm cả các thành viên thuộc đảng Dân chủ đang cáo buộc chính phủ của ông J.Biden đang “tẩy trắng” các vụ không kích của Israel, vốn đã khiến 198 người dân Palestine và hơn 1.000 người khác tại Gaza bị thương. Thậm chí truyền thông Mỹ còn thẳng thắn đánh giá chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang ngăn chặn nỗ lực chung của Trung Quốc, Na Uy và Tunisia nhằm thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố chung kêu gọi các bên chấm dứt xung đột. 

Việc Mỹ nhiều lần cản trở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết chung về tình hình Gaza cũng đã khiến Mỹ vấp phải phản ứng khi Trung Quốc coi Mỹ là tiếng nói bất đồng duy nhất về vấn đề này. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của phong trào Fatah, ngày 17/5 cũng bày tỏ sự thất vọng trước quan điểm của Mỹ.

Phát biểu trên tờ Al Jazeera,  ông Sabri Saidam -  thành viên Ủy ban Trung ương Fatah cho rằng, những phản ứng tích cực và nghiêm túc được thể hiện trong cuộc điện đàm gần đây giữa ông J.Biden với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã không được phản ánh trong lập trường của Mỹ tại phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào thứ 3 tuần trước.

 “Hành động chứ không phải lời nói, mới là điều cần thiết” – ông Saidam nhấn mạnh.

Và tính cấp bách của việc chấm dứt các cuộc giao tranh

leftcenterrightdel
Người Palestine ôm thi thể một đứa trẻ bị giết trong cuộc không kích của Israel, ngày 16/5/2021. (Ảnh: Xinhua) 

Trong bối cảnh các cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đang leo thang chưa có điểm dừng, cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và kêu gọi đôi bên kiềm chế.

Tại cuộc hội đàm diễn ra ngày 17/5 ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đều nhất trí rằng việc chấm dứt hành vi thù địch tại khu vực Trung Đông là "hoàn toàn cần thiết". Cả hai lãnh đạo đều bảy tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực gia tăng ở Dải Gaza cũng như việc nhiều dân thường thiệt mạng. Hai ông đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn nhằm ngăn chặn xung đột gia tăng. Tổng thống Macron tuyên bố ủng hộ vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập.

Phát biểu trong họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp ngăn Israel tấn công người Palestine. Ông Khatibzadeh nêu rõ tất cả các tổ chức có trách nhiệm như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang và bảo vệ quyền của người Palestine. Kế hoạch của Iran nhằm giải quyết vấn đề Palestine là tổ chức một cuộc trưng cầu với sự tham gia của tất cả thành phần người dân sinh sống trên lãnh thổ Palestine, bao gồm người Hồi giáo, Do Thái và Kitô giáo.

Trong một tuyên bố đăng tải trên Facebook, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi nhấn mạnh Israel và Palestine cần "ngay lập tức khôi phục yên bình và chấm dứt bạo lực" khi cuộc xung đột kéo dài một tuần qua đã làm hơn 200 người thiệt mạng. Ông cho biết Ai Cập đã và sẽ nỗ lực góp phần chấm dứt xung đột, đồng thời hy vọng tình trạng bạo lực sớm chấm dứt. /.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực