Indonesia dự báo tăng trưởng kinh tế 2 năm tới

Thứ hai, 05/12/2022 14:47
(ĐCSVN) - Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Perry Warjiyo bày tỏ lạc quan rằng nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng trưởng 4,5%-5,3% trong năm 2023 và 4,7%-5,5% trong năm 2024.
Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo. (Ảnh: Reuters)

Ngày 4/12, phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2022 của BI, Thống đốc Warjiyo cho rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2023 và 2024 sẽ khá cao do một số yếu tố thuận lợi như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư gia tăng. Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến hạ nguồn, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư nước ngoài và các hoạt động du lịch cũng được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

“Lạm phát lõi sẽ giảm về mức mục tiêu 3%+-1% trong nửa đầu năm 2023”, ông Warjiyo nhấn mạnh.

Thống đốc BI cũng đảm bảo rằng tỷ giá hối đoái của đồng Rupiah sẽ được duy trì và củng cố vào năm 2023 nếu tình trạng hỗn loạn toàn cầu dần được cải thiện. Dự báo, đồng Rupiah sẽ được duy trì nhờ các nền tảng kinh tế tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp và lợi suất trái phiếu Chính phủ hấp dẫn. 

Chính sách ổn định giá trị đồng Rupiah trước áp lực toàn cầu cũng được BI nhắm mục tiêu nhằm kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định hệ thống tài chính và nền kinh tế vĩ mô.

Năm 2023, kinh tế đối ngoại của Indonesia được dự báo vẫn sẽ tiếp tục ổn định với tài khoản vãng lai cân bằng, thặng dư tài khoản vốn từ đầu tư nước ngoài, kỳ vọng về sự trở lại của danh mục đầu tư và dự trữ ngoại hối gia tăng.

“Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ đạt 10-12% trong năm 2023 và 2024”, ông Perry Warjiyo nhấn mạnh.

Nền kinh tế và tài chính kỹ thuật số được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng vào năm 2023, với giá trị giao dịch thương mại điện tử đạt 572.000 tỷ Rupiah, giao dịch tiền điện tử đạt 508.000 tỷ Rupiah và giao dịch ngân hàng kỹ thuật số đạt hơn 67.000 tỷ Rupiah.

Theo Thống đốc Warjiyo, năm 2024, lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,5%. Sự ổn định kinh tế đối ngoại sẽ vẫn được kiểm soát, với thặng dư tài khoản vãng lai đạt 0,2%, thâm hụt ngân sách ở mức 0,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Thống đốc BI nhận định: “Sức mạnh tổng hợp và đổi mới là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế quốc gia”.

Trước đó, Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) của Indonesia công bố báo cáo cho biết, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý III/2022 đạt 5,72% so với mức 5,44% của quý trước. Đây cũng là mức tăng GDP mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng cao hơn so với dự báo tăng trưởng 5,5% trước đó của BI nhờ xuất khẩu tiếp tục tăng cao.

Theo dữ liệu công bố, mức tiêu dùng hộ gia đình của Indonesia, vốn chiếm một nửa nền kinh tế Indonesia, vẫn duy trì ổn định ở mức 5,39%, so với mức 5,51% trong quý II/2022. Lĩnh vực đầu tư cố định tăng mạnh 4,96%, so với mức 3,07%. Ngoài ra, thương mại ròng quý III cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực, khi xuất khẩu tăng 21,6%, trong khi nhập khẩu tăng nhẹ hơn 12,37%./.

H.Hà (Theo Reuters, CNBC)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực