Lạm phát tại Anh cao nhất trong hơn 1 thập kỷ

Thứ năm, 05/05/2022 19:01
(ĐCSVN) – Ngày 4/5, Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) cho biết, giá cả các mặt hàng tại Anh trong tháng 4 vừa qua tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu tỷ lệ lạm phát lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 9/2011.
Lạm phát tại Anh tăng cao kỷ lục kể từ tháng 9/2011. (Ảnh: EPA-EFE) 

Giám đốc điều hành BRC, bà Helen Dickinson cho biết, nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng tại Anh tăng cao là do tác động của giá năng lượng tăng và cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo bà Helen Dickinson, lạm phát tại Anh càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19 đối với thành phố Thượng Hải đã gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung tại cảng biển lớn nhất thế giới.

Lạm phát giá lương thực đã tăng 3,5% trong tháng 4, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2013. Trong khi đó, lạm phát phi thực phẩm trong tháng 4 vừa qua tăng 2,2% - mức cao nhất kể từ khi Anh bắt đầu thống kê số liệu này vào năm 2006.

Ông Mike Watkins, người đứng đầu mảng kinh doanh và bán lẻ tại công ty phân tích dữ liệu và đo lường toàn cầu NielsenIQ cảnh báo,  lạm phát tại Anh tăng cao sẽ tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng bất chấp nỗ lực giữ giá của các nhà bán lẻ.

Trước đó, dữ liệu thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh đã tăng 7% trong tháng 3 - mức cao kỷ lục kể từ tháng 3/1992. Các chuyên gia cảnh báo, giá tiêu dùng tại Anh sẽ còn tăng cao trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục làm giá năng lượng, nhiên liệu, hàng hóa và thực phẩm gia tăng.

Anh hiện có tỷ lệ lạm phát hàng năm cao thứ hai trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Ngày 17/3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã tăng lãi suất từ 0,5% lên 0,75% trong một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là lần thứ ba liên tiếp BOE tăng lãi suất kể từ giữa tháng 12/2021.

Theo BOE, xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá năng lượng và các mặt hàng khác, bao gồm thực phẩm tăng cao. Ngân hàng này cũng dự báo căng thẳng Nga - Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, việc tăng lãi suất thêm 0,25% là cần thiết do "sự thắt chặt của thị trường lao động ở thời điểm hiện tại, cùng với đó là áp lực giá cả và chi phí trong nước gia tăng mạnh mẽ".

BOE đồng thời cảnh báo: “Áp lực lạm phát toàn cầu sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới, trong khi đó tăng trưởng ở các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng, bao gồm Anh có thể sẽ chậm lại”.

Theo BOE, lạm phát cao sẽ khiến thu nhập sau thuế của các hộ gia đình lao động giảm 2% trong năm nay và 0,5% vào năm 2023, trong khi nhu cầu suy yếu sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 5% trong thời gian 3 năm./.

H.Hà (Theo AFP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực