Lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát nổ

Thứ ba, 15/03/2011 15:14

(ĐCSVN)Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản cho biết, vào lúc 6 giờ 10 phút sáng ngày 15/3 đã có tiếng nổ phát đi từ lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima No. 1) bị hư hại do động đất.

 

 Quang cảnh tại lò phản ứng số 3 được ghi nhận  sáng ngày 15/3
 (Ảnh: NHK)


Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, mức phóng xạ đo được tại khu vực gần địa điểm xảy ra vụ nổ đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, sau đó độ phóng xạ đã giảm xuống còn 882 micro sievert sau khi tăng lên mức 965,5 micro sievert, gần gấp đôi so với mức độ giới hạn là 500 micro sievert. Theo nhận định của Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản thì mức phóng xạ trên sẽ không tác động ngay lập tức tới sức khỏe của con người.

Trước diễn biến trên, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết, họ đang tiến hành sơ tán các công nhân ra khỏi nhà máy, song những người có trách nhiệm làm lạnh lò phản ứng vẫn sẽ tiếp tục ở lại để hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, sáng ngày 15/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết, Chính phủ và công ty TEPCO sẽ thành lập các trụ sở liên kết do Thủ tướng đứng đầu nhằm giải quyết các vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Trước đó, ngày 14/3, giới chức Nhật Bản lo ngại các thanh nhiên liệu hạt nhân có lẽ đang tan chảy bên trong cả ba lò phản ứng hạt nhân. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano nói: "Mặc dù chúng tôi không thể trực tiếp kiểm tra, song nhiều khả năng điều đó có thể đang xảy ra".

Về tình hình tại các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 14/3 nói rằng, lúc này không có dấu hiệu về khả năng tan chảy tại các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại do động đất ở Nhật Bản. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phụ trách về an toàn tại các cơ sở hạt nhân của IAEA James Lyons nói: "Chúng tôi không thấy có dấu hiệu về nhiên liệu đang tan chảy vào lúc này". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tình hình hiện nay tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản "đang không ngừng thay đổi".

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima "rất khó" có thể biến thành một sự cố không thể kiểm soát như những gì diễn ra tại Chernobyl từ 25 năm về trước. Theo ông Amano thì các lò phản ứng tại Fukushima đã ngừng hoạt động và sẽ không xảy ra một chuỗi phản ứng như những gì đã diễn ra tại Chernobyl. Bên cạnh đó, ông Amano cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu sự trợ giúp về mặt kỹ thuật từ phía IAEA để giải quyết những sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Theo đó, Cơ quan này sẽ cử chuyên gia đến nghiên cứu và phân tích những tác động của các vụ nổ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan An toàn hạt nhân của Pháp (ANS) Andre-Claude Lacoste cho rằng, những vấn đề ở Fukushima "nghiêm trọng hơn sự cố tại Đảo Ba Dặm - ở bang Pennsylvania của Mỹ, song không lớn bằng vụ Chernobyl". Sự cố tại Đảo Ba Dặm năm 1979 được xếp ở cấp 5 trong thang quốc tế từ cấp 0-7, trong khi vụ nổ ở Chernobyl xếp ở cấp 7. Quan chức này cho rằng sự cố ở Nhật Bản có lẽ xếp ở cấp 6, trên mức xếp loại cấp 4 của Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực