Nga không ảo tưởng về đột phá trong quan hệ với Mỹ

Thứ ba, 13/07/2021 17:06
(ĐCSVN) – Nga không cho rằng Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ vừa diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) sẽ giúp các mối quan hệ song phương được cải thiện đáng kể. Việc đạt được một thỏa thuận quan trọng chính là yếu tố quyết định để hai bên có thể khởi động đối thoại toàn diện.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. (Ảnh: TASS) 

Đây là quan điểm do Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đưa ra trong bài phát biểu trực tuyến với sinh viên Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey (Mỹ) khi đề cập tới kết quả Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, ngày 16/6 vừa qua.

“Khác hẳn với bầu không khí tiêu cực mà các phương tiện truyền thông Mỹ nói tới trong thời gian chuẩn bị diễn ra Hội nghị thượng đỉnh, các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất đã diễn ra trong sự bình tĩnh, thẳng thắn và nhìn chung là mang tính xây dựng. Đối với tất cả những khúc mắc chưa được cởi bỏ, lãnh đạo hai nước đã nhất trí rằng cần phải đưa quan điểm xích lại gần nhau hơn và giảm bớt sự đối đầu trong quan hệ Nga-Mỹ” – ông Antonov nói.

Bài phát biểu của ông Antonov được đăng lại trên trang Facebook của Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng nêu rõ, Moscow không ấp ủ ảo tưởng về những đột phá quan trọng trong quan hệ với Mỹ. Trong những năm qua, đã có quá nhiều yêu sách và mâu thuẫn tích tụ, vốn không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội cho những động lực tích cực. Những cơ hội này được mở ra bằng cách đạt được sự hiểu biết về khôi phục các mối liên hệ mang tính hệ thống nhằm giải quyết các vấn đề chính trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế.

Ông Antonov khẳng định Nga cần sự tôn trọng từ phía Mỹ để xây dựng các mối quan hệ cùng mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Nga hy vọng rằng những lợi ích của mình sẽ được Mỹ cần nhắc tới.

“Trong một môi trường đầy biến động hiện nay, chúng ta nên học cách hợp tác vì lợi ích an ninh và hạnh phúc của cả người dân Nga và Mỹ. Phía Nga đã sẵn sàng cho những nỗ lực như vậy” – Đại sứ Antonov nêu rõ.

Theo quan điểm của đại diện ngoại giao Nga tại Mỹ thì một thỏa thuận quan trọng nhất mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh vốn đã được xác nhận trong một tuyên bố chung về ổn định chiến lược, đó là quyết định khởi động đối thoại toàn diện. Bên cạnh việc đạt thỏa thuận về gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vào đầu năm 2021, đây là một bước đi khác từ phía Mỹ, thể hiện ý thức chung và trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Theo đuổi mọi nỗ lực để chặn đứng kịch bản xung đột vũ trang

Trong bài phát biểu được truyền thông Nga dẫn lại ngày 13/7, ông Antonov đã khẳng định tính cần thiết của các hành động nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang giữa hai cường quốc, mà ông cho rằng dễ dẫn tới một sự leo thang, thậm chí có thể bị đẩy lên thành một mối đe dọa hạt nhân.

Nói về Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ vừa diễn ra ở Geneva, ông Antonov lưu ý rằng “việc xác nhận một công thức được phát triển cách đây 35 năm nhằm bác bỏ chiến tranh hạt nhân và phủ nhận khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến này”, để từ đó khích lệ Nga, Mỹ thể hiện trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

“Chúng tôi tin rằng, việc nỗ lực hết sức để ngăn chặn kịch bản bùng phát xung đột vũ trang giữa hai quốc gia, vốn chắc chắn sẽ leo thang tới cấp độ hạt nhân, là điều cần thiết” – ông Antonov nói.

Vai trò Nga, Mỹ trong bảo đảm ổn định chiến lược

 Tổng thống Mỹ J.Biden (trái) và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong một lần gặp gỡ. (Ảnh: ITAR-TASS)

Theo quan điểm của ông Antonov thì hiện Nga đang kỳ vọng vào cơ hội tổ chức một cuộc gặp cấp thứ trưởng phụ trách chính sách đối ngoại giữa Nga và Mỹ về ổn định chiến lược. Moscow cũng mong muốn rằng sự kiện này có thể sẽ diễn ra trong một vài tuần tới, với điểm xuất phát nhằm đánh giá lại các mối quan tâm của đôi bên về lĩnh vực chiến lược mà cả hai đều có.

“Moscow tin rằng các vòng đối thoại chiến lược nên nhằm phát triển một "phương trình an ninh" mới, có tính đến tất cả các yếu tố quan trọng. Phương trình này nên bao hàm tất cả các vũ khí hạt nhân, phi hạt nhân tấn công và phòng thủ, có thể giải quyết các nhiệm vụ chiến lược” – Đại sứ Nga tại Mỹ lưu ý.

Nói rõ hơn về lập luận đã đưa ra, ông Antonov lý giải, những vấn đề trên liên quan tới khả năng phòng thủ tên lửa, đảm bảo yếu tố có thể dự đoán và kiềm chế trong lĩnh vực tên lửa, trong bối cảnh Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã bị khai tử, cũng như nỗ lực ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian, gây mất ổn định trong công nghệ quân sự, ứng phó với các cuộc khủng hoảng có nguy cơ châm ngòi cho sự leo thang hạt nhân.

Ngày 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva (Thụy Sĩ). Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trên cương vị là những người đứng đầu đất nước và cũng là Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ đầu tiên từ năm 2018 trở lại đây. Kết thúc cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung thể hiện mong muốn khởi động đối thoại toàn diện về ổn định chiến lược. Bên cạnh đó, Nga và Mỹ còn có kế hoạch khởi động các vòng tham vấn đề an ninh mạng, trao đổi tù nhân và kiểm soát vũ khí.

Hợp tác an ninh mạng

Theo ông Antonov thì hiện Nga coi hợp tác với Mỹ nhằm bảo đảm an ninh không gian mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Quan chức ngoại giao này dẫn số liệu thống kê của Mỹ cho thấy, hầu hết các vụ tấn công mạng trên toàn thế giới đều được thực hiện từ những địa chỉ điện tử trên lãnh thổ Mỹ. Trong năm 2020, đã có 45 vụ tấn công tấn mạng nhằm vào các căn cứ của Nga, với 35 vụ trong số được được điều phối từ Mỹ.

“Tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng, chỉ cách đây vài ngày, hai Tổng thống của chúng ta đã điện đàm và thảo luận chi tiết về vấn đề an ninh mạng… Các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đều nhấn mạnh tính cần thiết của một mối quan hệ thực chất và mang tính xây dựng trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục duy trì các mối quan hệ tương ứng. Đặc biệt, Tổng thống Putin còn nhấn mạnh rằng, hợp tác Nga-Mỹ nên mang tính chất lâu dài, chuyên nghiệp và phi chính trị hóa” – ông Antonov nói.

Ông Antonov cho rằng, đây là một vấn đề chung cần được giải quyết. Nga thúc đẩy những đề xuất cụ thể nhằm khôi phục các cơ chế hợp tác để điều tra hiệu quả các sự cố xảy ra trong không gian thông tin. Nga cũng mong đợi một phản ứng tích cực từ chính quyền Mỹ. Việc đạt được những kết quả cụ thể trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa an ninh mạng sẽ cho phép loại bỏ một trong những “tác nhân gây nhức nhối” chính trong quan hệ Nga-Mỹ.

Một nghị quyết mới về Syria

Trong bài phát biểu cùng ngày, ông Antonov đã bày tỏ mong muốn của Nga đối với nghị quyết mới về vấn đề Syria trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình hòa giải chính trị cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia Ả rập này.

Dù đề cập tới những rào cản trong quan hệ Nga, Mỹ, song ông Antonov cũng thừa nhận rằng, một trong những kết quả quan trọng mà hai bên đạt được trong thời gian qua, đó là sự phối hợp để giải quyết tình hình Syria.

“Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các đại diện của chúng tôi ở New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết đề cấp tới một thách thức đối với các hoạt động hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria. Chúng tôi tin rằng quyết định này sẽ góp phần mang lại một giải pháp chính trị cho Syria trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời giúp ổn định tình hình chung ở Trung Đông” – ông Antonov bày tỏ.

Cuối tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về các hoạt động hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria do Nga, Mỹ, Ireland và Nauy phác thảo. Nghị quyết đề cập tới việc gia hạn hoạt động của trạm kiểm soát Bab al-Hawa ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ trong 12 tháng, với điều kiện cứ 6 tháng 1 lần, người đứng đầu Liên hợp quốc sẽ trình bày báo cáo về hoạt động của cơ chế viện trợ này.

Nghị quyết cuối cùng là một giải pháp mang tính thỏa hiệp. Trước đó, Ireland và Na Uy đã trình dự thảo của họ, trong đó đề xuất gia hạn hoạt động của trạm kiểm soát Bab ah-Hawa cũng như nối lại hoạt động của một trạm kiểm soát khác ở biên giới Syria – Iraq trong một năm nữa. Tuy nhiên, Nga lại đưa ra đề xuất phương án riêng nhằm gia hạn hoạt động của Bab ah-Hawa thêm 6 tháng. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không xem xét các đề xuất riêng rẽ, mà thay vào đó lại triệu tập một phiên tham vấn bổ sung vào ngày 9/7 và đi tới một phương án phù hợp cho tất cả các bên./.

T.L (Theo TASS, business-standard)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực