Quad và thông điệp về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở

Thứ tư, 17/03/2021 17:45
(ĐCSVN) – Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của nhóm Quad diễn ra cuối tuần trước không chỉ “nâng tầm” mối quan hệ liên minh giữa các cường quốc hàng đầu thế giới sau nhiều năm mờ nhạt, hơn thế nữa, sự kiện này còn khẳng định quyết tâm của các nước trước cam kết vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.

Sự kiện nâng Quad lên một tầm cao mới

leftcenterrightdel

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Quad, ngày 12/3/2021.

(Ảnh: Kiyoshi Ota | Bloomberg | Getty Images)

Ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhằm thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về những lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm. Đây cũng là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản hay còn gọi là nhóm “Bộ tứ” hoặc “Bộ tứ kim cương” (Quad), không chỉ cho thấy “sự can dự sâu hơn” từ các cường quốc hàng đầu thế giới, mà còn khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước nhằm ứng phó với các thách thức an ninh khu vực.  

Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh cũng được đánh giá là mạnh mẽ, thẳng thắn như tên gọi  “tinh thần Quad”, khi đề cập tới nỗ lực vì một khu vực tự do, rộng mở, bao trùm, lành mạnh, được duy trì bởi các giá trị dân chủ và không bị kiềm chế bởi sự ép buộc”. Tuyên bố của Quad cũng đã đề cập tới tinh thần hợp tác, bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải để giải quyết những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố chung cũng nêu rõ, trong tương lai, 4 nước thành viên trong nhóm Quad sẽ thành lập 3 nhóm công tác mới về vaccine, công nghệ và khí hậu. Theo đó, các chuyên gia và quan chức cấp cao của các nước trong nhóm sẽ tiếp tục gặp gỡ thường xuyên, các cuộc hội đàm và gặp gỡ cấp Ngoại trưởng sẽ được tổ chức ít nhất 1 lần trong năm. Các nhà lãnh đạo của nhóm Quad sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm 2021.

“Tham vọng của những cam kết này là phù hợp với thời điểm hiện tại; chúng tôi cam kết tận dụng mối quan hệ đối tác của mình để giúp khu vực năng động nhất trên thế giới ứng phó với cuộc khủng hoảng lịch sử, để khu vực này trở thành một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, dễ tiếp cận, đa dạng và phát triển mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm” – tuyên bố viết.

Trong một thông điệp phát đi từ Nhà Trắng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, cả 4 nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh đều đánh giá cuộc gặp là một sự kiện lịch sử và đưa ra một cam kết chung mang tính toàn diện. “Chúng tôi đã đưa Quad lên một tầm cao mới” – ông Sullivan nói.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nói về cảm giác “xúc động” của ông về sự trỗi dậy của Quad và sự đóng góp của liên minh trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Còn người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi lại nêu bật sự trưởng thành của Quad và khẳng định liên minh này vẫn sẽ đóng vai trò là một trụ cột quan trọng đối với ổn định khu vực. Nhân dịp này, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã kêu gọi tinh thần tôn trọng, ủng hộ “chủ quyền, độc lập và an ninh” của các nước trong khu vực.

Còn theo đánh giá của giới truyền thông, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Quad đã phần nào cho thấy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang chiếm một vị thế ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, với châu Á là một mối quan tâm hàng đầu.

Đồng quan điểm trên, Angela Mancini – Đối tác kiêm Trưởng phòng Kiểm soát rủi ro tại khu vực Đông Nam Á lý giải thêm rằng, cuộc gặp của nhóm Quad diễn ra vào tuần trước cùng một số đường hướng chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm, Mỹ đang muốn phát đi một lời khẳng định về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thông điệp này được đánh giá là “rõ nét hơn” do với cách tiếp cận mang tính “chuyển giao” của chính quyền tiền nhiệm.

Ông Akhi Bery, một nhà phân tích về tình hình Nam Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng, chính quyền Tổng thống J.Biden đang vun đắp một khuôn khổ từng là di sản của người tiền nhiệm D.Trump, liên quan tới chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời đang thúc đẩy một liên minh đối tác để cùng phối hợp trong lai.

Hướng tới cam kết vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm

leftcenterrightdel
Các nước Quad tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar 2020 . (Ảnh: Times of India)

Định nghĩa địa lý chính xác của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác nhau tùy theo mỗi quốc gia và chính quyền mỗi nước. Song nhìn chung, đây là khu vực kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối với nhau bằng eo biển Malacca ở trung tâm Đông Nam Á.

Thuật ngữ này đã trở nên nổi bật trong nhiều bài diễn văn chính trị và nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, điều đó đã phản ánh những nỗ lực của Mỹ trong việc củng cố các liên minh khu vực (ở cả cấp độ song phương và đa phương) nhằm tạo đối trọng trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Cam kết nhằm hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm của liên minh Quad lại càng trở nên rõ nét hơn, nhất là trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang gia tăng các hành vi khiêu khích trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhóm Quad được hình thành năm 2007 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ B.Obama, với 4 quốc gia thành viên gồm: Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Khi mới ra đời, Quad hoạt động với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại  Observer Research Foundation (ORF, một tổ chức nghiên cứu tại New Delhi) – ông Hash Pant cho rằng, nhóm Quad được thiết lập để đảm đương một vai trò quan trọng trong khu vực và có khả năng trở thành “hạt nhân của một cấu trúc an ninh khu vực lớn hơn”.

Theo ông Pant, từ hơn một thập kỷ qua, hoạt động của nhóm Quad khá mờ nhạt, ngay cả vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trượt dốc từ năm 2017 và tiếp theo sau đó là sự xấu đi trong quan hệ Trung-Ấn. Tuy nhiên, từ vài tháng qua, hoạt động của Quad bắt đầu sôi động trở lại.

Còn theo một số chuyên gia khác thì cho rằng, các nước thành viên của Quad đang chú trọng tới việc thắt chặt quan hệ hợp tác ở cả cấp độ song phương và đa phương nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Năm ngoái, Ấn Độ đã mời Australia tham dự cuộc tập trận hải quân Malabar cùng Mỹ và Nhật Bản. Ra đời từ năm 1992, cuộc tập trận chung Malabar ngày càng mở rộng về quy mô và nâng cao độ phức tạp nhằm ứng phó với những gì Hải quân Mỹ cho là “các mối đe dọa chung đối với an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Á-Thái Bình Dương”. Sự tham gia của Australia đánh dấu lần đầu tiên nhóm Quad tiến hành tập trận với đầy đủ các thành viên kể từ năm 2007. Đây cũng được xem là một “sự đảo chiều” trong lập trường của Ấn Độ,  bởi trong nhiều năm qua, New Delhi luôn tỏ ra do dự và khước từ vai trò tham dự của Canberra vì ngần ngại rằng, điều này có thể khiến Bắc Kinh "phật ý".

Liên quan tới diễn biến này, ông Pant cho rằng, dường như Ấn Độ đang đánh giá lại chính sách đối với Trung Quốc, sau khi khẳng định vai trò là một “bên bảo đảm” cho cán cân quyền lực trong khu vực. Theo ông Pant, thì lý do đằng sau việc New Delhi tham gia vào một số cơ chế nhất định đang ngày càng được thể hiện rõ.

Còn theo đánh giá của tờ the Diplomat thì việc các nhà lãnh đạo trong liên minh Quad tiến hành Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và đưa ra một tuyên bố chung đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của nhóm. Đó là, chương trình nghị sự của Quad giờ đã trở nên rõ ràng hơn và có khả năng được đón nhận một cách tích cực.

Kể từ khi được “hồi sinh” vào năm 2017 sau một thập kỷ bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila, Quad đã có được động lực đáng kể. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 12/3 là một dấu hiệu cho thấy động lực đó sẽ còn tiếp tục được duy trì và phát huy trong một thời gian dài./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực