Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ giảm mạnh

Thứ ba, 01/06/2021 06:29
(ĐCSVN) – Trong ngày hôm qua, Mỹ chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới là 4.599 ca, đây là mức thấp nhất được ghi nhận trong nhiều tháng qua tại nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch COVID-19. Hiện tại, số ca nhiễm tại Mỹ vẫn ở mức cao nhất thế giới là 34.048.258 ca, nhưng tình hình dịch bệnh tại quốc gia này đã “yên ắng” hơn nhiều nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine.
 Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Florida, Mỹ. (Ảnh: AP)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 1/6 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 171.370.025 ca, trong đó 3.564.122 ca tử vong và 153.885.532 ca đã được chữa khỏi.

Trong ngày hôm qua, Mỹ chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới là  4.599 ca, đây là mức thấp nhất được ghi nhận trong nhiều tháng qua tại nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch COVID-19. Hiện tại, số ca nhiễm tại Mỹ vẫn ở mức cao nhất thế giới là 34.048.258 ca, nhưng tình hình dịch bệnh tại quốc gia này đã “yên ắng” hơn nhiều nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine.

Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch cũng có dấu hiệu giảm dần, với 126.698 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 28.173.655 ca, trong đó 331.909 ca đã tử vong.     

Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 16.545.554 ca và số ca tử vong là 462.791. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 30.434 ca nhiễm mới, 699 ca tử vong.

Châu Á trở thành  khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (51.275.433 ca). Với 46.612.148 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.730.817 ca và Nam Mỹ với 28.800.596 ca. Châu Phi (4.881.719 ca) và châu Đại Dương (68.591 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Trong 24 giờ qua, nước này xác nhận thêm 1.307 ca mắc COVID-19 và 52 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.412.810 ca, trong đó 223.507 ca tử vong.

Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 3.781.784  ca nhiễm, trong đó 78,093 ca đã tử vong.

Tại châu Phi, chính phủ Nam Phi đã cảnh báo nguy cơ bùng phát đợt lây nhiễm thứ 3 virus SARS-CoV-2 ở nước này, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế và tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tính đến nay, Nam Phi ghi nhận 1.665.617 ca mắc COVID-19.

Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 30.105 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca, số ca nhiễm mới theo ngày cũng rất ít.

Tại châu Âu, Pháp đã quyết định mở rộng đối tượng được tiêm phòng COVID-19 tại quốc gia này, theo đó tất cả người trưởng thành đều được tiêm vaccine. Như vậy, Pháp đã có động thái này sớm hơn Đức một tuần, trong bối cảnh châu Âu đang chạy đua tiêm vaccine để tránh làn sóng lây nhiễm mới do xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc diễn biến phức tạp khi chứng kiến sự tái bùng phát. Thành phố  Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đang phải nỗ lực ngăn chặn biến thể virus SAR-CoV-2 từ Ấn Độ. Đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần này tại Quảng Châu, bắt đầu vào ngày 21/5, đến nay đã lan rộng ra ngoài tỉnh đến các thành phố lân cận là Phật Sơn và Mậu Minh. Ngày 30/5, cơ quan y tế tỉnh  ghi nhận 21 ca lây nhiễm tại địa phương không có triệu chứng. Kết quả giải mã trình tự gene cho thấy toàn bộ các bệnh nhân đều nhiễm biến thể virus ở Ấn Độ.

 Tại Đông Nam Á, cùng ngày, Campuchia ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 30.000 người, cụ thể là 30.094 ca mắc, sau khi Bộ Y tế nước này công bố 690 ca nhiễm mới. Tổng số người tử vong tăng lên 214 ca, sau khi có thêm 5 ca ghi nhận ngày 31/5. Hiện tình hình lây nhiễm dịch trong các trại giam tại Campuchia tiếp tục gây lo ngại khi tỉnh Kandal thông báo số phạm nhân và quản giáo bị nhiễm bệnh trong trại giam tỉnh này đã lên tới 369 ca kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện những ca lây nhiễm đầu tiên tại đây (103 ca) vào ngày 25/5.

Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok sẽ cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh từ ngày 1/6, trong bối cảnh địa phương này vẫn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới COVID-19. Theo giới chức Thái Lan, nước này đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục, với 5.485 ca, nâng tổng số ca mắc lên 159.792. Cả nước cũng ghi nhận thêm 19 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 1.031. Trong đó, thủ đô Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách các địa phương có ca nhiễm mới, với 1.356 ca, tiếp theo là Phetchaburi (555 ca), Samut Prakan (358 ca), Saraburi (327 ca) và Pathum Thani (211 ca).

Tại Lào, sau hơn 40 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, ngày 31/5 đã ghi nhận ngày đầu tiên không có ca nhiễm cộng đồng nào. Bộ Y tế Lào cho biết chỉ có duy nhất 1 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua và là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây có thể được coi là thành công ban đầu của chính phủ và người dân Lào trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 sau 40 ngày áp dụng lệnh phong tỏa. Tính đến ngày 29/5, tại Lào đã có 872.070 người được tiêm vaccine, trong đó 214.115 người đã tiêm đủ 2 mũi. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.912 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.543 người và 3 ca tử vong.

Từ ngày 1/6, Singapore sẽ triển khai việc đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 400.000 học sinh, sinh viên. Cụ thể, nhóm học sinh ở khối lớp có kỳ thi chuyển cấp và học sinh các cấp dự bị đại học (hoặc tương đương) sẽ được tiêm vaccine trước. Sau đó, trong khoảng 2 tuần tiếp theo, các nhóm học sinh còn lại và các sinh viên đại học sẽ được đăng ký tiêm. Dự kiến, việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng học sinh, sinh viên nói trên sẽ hoàn tất vào tháng 8 tới.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ) cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi. Như vậy, đây là loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng với trẻ em ở Nhật Bản.  Tuy nhiên, nhóm trẻ từ 12-15 sẽ không được tiêm ngay vì Nhật Bản vẫn đang trong quá trình tiêm cho các nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi./.

 

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực