Thế giới tuần qua: Bất ổn bao trùm

Chủ nhật, 05/09/2021 11:52
(ĐCSVN) – Virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi khi nhiều biến chủng mới liên tục xuất hiện khiến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày càng phức tạp, cùng với đó là những diễn biến mới trên chính trường Afghanistan hay tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine vẫn căng thẳng... tiếp tục là các vấn đề thời sự thế giới được dư luận quan tâm trong tuần qua (30/8 – 5/9).

WHO theo dõi biến thể mới, được đặt tên là "Mu"

Mỹ thông báo hoàn tất tiến trình rút quân khỏi Afghanistan

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa nhân đạo ở Afghanistan

Hội đồng Bảo an họp về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine

Biến thể Mu xuất hiện tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ

 Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. (Ảnh: ThePrint)

Tính đến sáng 5/9, thế giới ghi nhận 221.073.809 ca mắc COVID-19, trong đó 4.574.394 trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 40.765.303 ca mắc và 665.858 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 58.629 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 576 ca tử vong. 

Mỹ đang theo dõi sát sao sự nổi lên của biến thể Mu, một trong những chủng mới của virus SARS-CoV-2. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci xác nhận, biến chủng Mu đã xuất hiện tại Mỹ. Các cơ quan y tế nước này đang theo dõi sát biến thể Mu, tuy nhiên, Mỹ chưa coi đây là một mối đe dọa tức thời. Với Mỹ, biến thể Delta vẫn là chủng virus chủ yếu đang lây lan tại Mỹ, chiếm hơn 99% số ca dương tính mới.

Trước đó, hôm 31/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa biến thể Mu vào danh sách "biến thể đáng quan tâm" vì biến thể này có các đột biến có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của vaccine. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. Bộ Y tế Colombia mới đây cho biết, biến chủng Mu hiện nay đã lan tới 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện biến thể Mu chiếm 39% số ca nhiễm COVID-19 ở Colombia.

Tất cả các virus, bao gồm SARS-CoV-2 gây ra COVID-19, biến đổi theo thời gian. Hầu hết các đột biến có ít hoặc không ảnh hưởng đến các đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến nhất định có thể ảnh hưởng đến các đặc tính của virus và ảnh hưởng, chẳng hạn như mức độ lây lan dễ dàng của nó, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà nó gây ra, hoặc hiệu quả của vaccine, thuốc, công cụ chẩn đoán hoặc các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng khác.

Vào cuối năm 2020, sự xuất hiện của các biến thể gây tăng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu đã khiến WHO phải xác định đặc điểm của các biến thể cần theo dõi và các biến thể cần quan tâm, nhằm ưu tiên các hoạt động giám sát và nghiên cứu ở cấp độ toàn cầu.

WHO đã quyết định đặt tên cho các biến thể cần tuân theo hoặc cần quan tâm bằng cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, để tránh bất kỳ sự kỳ thị nào đối với một quốc gia cụ thể và để công chúng dễ dàng phát âm tên hơn. Hiện tại, WHO cho rằng 4 biến thể đang được quan tâm, bao gồm biến thể Alpha có mặt ở 193 quốc gia, và Delta có mặt ở 170 quốc gia, trong khi 5 biến thể khác sẽ được theo dõi (bao gồm cả Mu).

Mỹ thông báo hoàn tất tiến trình rút quân khỏi Afghanistan

Bức ảnh do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho thấy Tướng Chris Donahue đang bước lên máy bay quân sự C-17 của không quân Mỹ để rời khỏi Afghanistan đêm 30/8. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ/Twitter/CNN) 

Đêm 30/8, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ tuyên bố tiến trình rút quân khỏi Afghanistan đã hoàn tất, khép lại cuộc chiến “hao người tốn của” kéo dài 20 năm của Mỹ tại nước Tây Nam Á.

“Chiếc máy bay quân sự C-17 cuối cùng đã cất cánh rời sân bay quốc tế Hamid Karzai vào đêm 30/8 trong điều kiện an ninh chặt chẽ... Trên chuyến bay cuối cùng có sự hiện diện của Tướng Chris Donahue, Tư lệnh Sư đoàn Không vận số 82 kiêm chỉ huy lực lượng trên bộ của chúng tôi. Đi cùng với ông là Đại sứ Ross Wilson. Trên thực tế, đội ngũ ngoại giao và quốc phòng là những người cuối cùng đặt chân lên máy bay" – Tư lệnh CENTCOM, Tướng Frank McKenzie cho biết. 

Cũng theo Tướng McKenzie, ngoài nỗ lực hoàn tất việc rút quân, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan, Mỹ cũng đồng thời triển khai một sứ mệnh ngoại giao để bảo đảm việc sơ tán các công dân Mỹ và những công dân Afghanistan mong muốn rời khỏi đất nước.

Trong bài phát biểu từ lầu Năm góc, Tư lệnh CENTCOM đã tưởng nhớ 2.461 quân nhân Mỹ tử trận ở chiến trường Afghanistan, trong đó có 13 binh sỹ bị thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố nhằm cản trở sứ mệnh sơ tán công dân ở Kabul hồi tuần trước. Bên cạnh đó, ông McKenzie cũng tỏ sự tri ân tới hơn 2.000 quân nhân Mỹ bị thương khi tham gia cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Ông McKenzie lưu ý, trong 5 chuyến bay sơ tán cuối cùng cất cánh khỏi Kabul không chở theo bất kỳ một công dân Mỹ nào. Điều đó có nghĩa rằng vẫn còn những người Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan bị bỏ lại. Tuy nhiên, số người này ở mức rất thấp và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đang chịu trách nhiệm hỗ trợ những người sơ tán.

Mới đây, Tổng thống Mỹ J.Biden đã ra tuyên bố kêu gọi Taliban tuân thủ cam kết cho phép sơ tán an toàn công dân khỏi Afghanistan. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng chỉ thị Ngoại trưởng Antony Blinken phối hợp với các đối tác quốc tế để triển khai các kế hoạch sơ tán công dân. 

Cuộc chiến tại Afghanistan được xem là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tờ Hindustan Times cho biết, Mỹ đã chi hơn 2.000 tỷ USD cho cuộc chiến này trong khi hơn 66.000 binh lính và cảnh sát Afghanistan cũng đã thiệt mạng trong 20 năm qua. Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ rút toàn bộ binh lính vì đã đạt được các mục tiêu khi đưa quân sang Afghanistan, đó là làm suy yếu al-Qaeda và ngăn chặn được các cuộc tấn công tương tự thảm kịch ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Mỹ hoàn tất việc rút quân để lại một Afghanistan đối mặt với rất nhiều thách thức. Nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực từ tình trạng chia rẽ đất nước không chỉ đe dọa trong phạm vi lãnh thổ Afghanistan mà có thể sẽ rất nhanh chóng tác động tới cục diện, tình hình an ninh khu vực, thậm chí có thể sớm trở lại là một chủ đề quan trọng trong chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Quốc tế chờ đợi Taliban thực hiện các cam kết về chính phủ mới

Lãnh đạo cấp cao Taliban Mullah Baradar Akhund (giữa, hàng trước) và các quan chức trong một cuộc họp báo qua video tại địa điểm chưa xác định ở Afghanistan, ngày 16/8/2021.
(Ảnh: Reuters/TTXVN)

Trong bối cảnh lực lượng Taliban gần như đã hoàn tất quá trình thành lập chính phủ tại Afghanistan, cộng đồng quốc tế hiện dành sự quan tâm tới việc lực lượng này sẽ thực hiện ra sao những cam kết về cơ chế lãnh đạo mới "bao dung hơn," đặc biệt là các quyền đối với phụ nữ.

Trong tình hình này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi nỗ lực chung để đưa ra quyết định về việc "hợp thức hóa" một lực lượng chính trị tại Afghanistan, đồng thời cảnh báo sẽ không có lực lượng chính trị nào để đàm phán trực tiếp nếu quốc gia này tiếp tục bị phân mảnh. Theo hãng thông tấn RIA, phía Nga đang xúc tiến tiếp xúc với các thành viên của Taliban có thể tham gia chính phủ mới tại Afghanistan. Trong khi đó, theo thông báo trên tài khoản Twitter, người phát ngôn của Taliban xác nhận rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết sẽ duy trì hoạt động của Đại sứ quán nước này và củng cố lại các mối quan hệ cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan.

Về phần mình, các nước phương Tây đều tỏ ra không vội vàng trong việc công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu tại Afghanistan. Phát biểu trong chuyến thăm tới Pakistan ngày 4/9, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết quốc gia này sẽ không công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu nhưng phải thích ứng với tình hình thực tiễn tại Afghanistan. Ông Raab cho biết thêm rằng thông thường Anh sẽ công nhận các quốc gia thay vì công nhận các chính phủ, tuy nhiên London rất hiểu tầm quan trọng của việc có thể tiếp tục phối hợp và có kênh liên lạc trực tiếp với Kabul. Ông Raab cũng cho rằng thời gian qua lực lượng Taliban đã đưa ra những cam kết tích cực và chắc chắn nhưng London sẽ cần thời gian để kiểm chứng những cam kết này có được chuyển thành hành động hay không.

Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định sẽ liên hệ với Taliban kèm theo "những điều kiện chặt chẽ," nhưng điều này không đồng nghĩa rằng EU công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu. Theo đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell, EU cần phải liên hệ với chính phủ mới ở Afghanistan để hỗ trợ người dân nước này. Mức độ liên hệ sẽ tăng tùy thuộc vào những hành động thực tiễn của chính phủ mới liên quan các vấn đề chống khủng bố, tôn trọng quyền con người, luật pháp...

Trong một diễn biến khác, ngày 31/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo người dân Afghanistan có nguy cơ phải đối mặt với thảm họa nhân đạo vào thời điểm đất nước vừa bước vào một giai đoạn mới sau khi lực lượng Mỹ rời đi. 

Tổng thư ký LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho người dân Afghanistan bởi điều đó đang cần thiết hơn bao giờ hết. Theo dự kiến, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới sẽ tới Geneva (Thụy Sĩ) để triệu tập một cuộc họp cấp cao về viện trợ cho Afghanistan vào ngày 13/9 tới đây.

Tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine vẫn căng thẳng

Hội đồng Bảo an họp về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine. (Ảnh: dangcongsan.vn) 

Ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp định kỳ về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine. Tại cuộc họp, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tập trung vào đối thoại và đàm phán.

Tại cuộc họp, Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cho biết, tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine thời gian qua vẫn tiếp tục căng thẳng do các vụ bạo lực có xu hướng gia tăng. Theo đó, số lượng người Palestine thương vong trong các vụ va chạm với lực lượng chức năng Israel ngày càng tăng. Trong tháng qua, các hoạt động truy lùng và bắt giữ của Israel tại Bờ Tây đã làm chết 9 người và bị thương hơn 280 người Palestine.

Tình hình tại Gaza cũng căng thẳng do các vụ thả bóng bay gây cháy và bắn rocket từ phía Gaza cũng như việc Israel bắn 37 quả tên lửa vào các mục tiêu của lực lượng Hamas. Đặc phái viên Tor Wennesland kêu gọi các bên chấm dứt các hành động bạo lực và có biện pháp bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em.

Các nước thành viên HĐBA bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng gia tăng trở lại tại nhiều nơi ở Palestine. Nhiều nước thể hiện lập trường phản đối và kêu gọi chấm dứt các hoạt động của Israel mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, phá hủy, tịch thu nhà cửa, tài sản của người Palestine.

Một số nước nhắc lại lập trường phản đối việc bắn rocket về phía Israel. Trong khi đó, một số nước lên án Israel không kích dải Gaza, vi phạm lệnh ngừng bắn. Nhiều nước nhấn mạnh cần thiết bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo và tái thiết cho Gaza sau xung đột và kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường đóng góp cho ngân sách của Cơ quan LHQ vì người tị nạn Palestine (UNRWA).

Thủ tướng Nhật Bản thông báo ý định từ chức

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Ảnh: Nikkei)

Sáng ngày 3/9, một cuộc họp bất thường của ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng chính trong liên minh cầm quyền tại Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide tuyên bố ông sẽ không tham gia tranh cử chức Chủ tịch LDP, vì muốn tập trung vào công tác chống dịch COVID-19. Thông báo này đồng nghĩa với việc ông Suga có ý định từ chức Thủ tướng khi nhiệm kỳ Chủ tịch LDP kết thúc vào ngày 30/9 tới đây.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Suga cho biết ông đã lên kế hoạch tranh cử, nhưng rất khó để có thể giải quyết đồng thời dịch COVID-19 và bầu cử nên ông đã quyết định tập trung tìm kiếm các biện pháp đối phó với dịch bệnh. Dự kiến, ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo có thể vào tuần tới để giải thích chi tiết về quyết định của mình. 

Theo Thủ tướng Nhật Bản, kể từ khi cầm quyền vào tháng 9/2020, ông đã nỗ lực hết sức để giải quyết nhiều vấn đề của đất nước, trong đó quan trọng nhất là COVID-19, đồng thời bày tỏ mong muốn hoàn thành trách nhiệm với tư cách là Thủ tướng để bảo vệ người dân Nhật Bản.

Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của công chúng rơi xuống mức thấp, Thủ tướng Suga đã lên kế hoạch cải tổ ban lãnh đạo đảng LDP cùng nội các trước cuộc bầu cử của đảng này, trong đó có việc thay thế Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai. Ông Nikai cho biết đã đồng ý kế hoạch trên. Trong khi đó, một nguồn tin thuộc Văn phòng Thủ tướng cho biết ông Suga đã gặp khó khăn trong kế hoạch cải tổ các nhà lãnh đạo của LDP. Hiện ông Suga vẫn chưa công bố tên người kế nhiệm Tổng Thư ký LDP Nikai.

Theo các nguồn tin, cuộc bỏ phiếu bầu chức Chủ tịch LDP vẫn diễn ra như kế hoạch vào ngày 29/9 tới. Cuộc bỏ phiếu này sẽ phải lựa chọn người thay thế ông Suga, ngay trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 17/10 tới, vài ngày trước khi các thành viên Hạ viện kết thúc nhiệm kỳ 4 năm (ngày 21/10). 

Hiện cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida đã tuyên bố tranh cử, trong khi cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Sanae Takaichi đã bày tỏ ý định tham gia cuộc đua tranh. Bà Takaichi, sẽ trở thành nữ Chủ tịch đảng đầu tiên nếu trúng cử, cho biết bà "sẽ nỗ lực đến cuối cùng" của cuộc đua giành vị trí lãnh đạo này, đồng thời bày tỏ ngạc nhiên về quyết định bất ngờ của ông Suga. Ngoài ra, ông Hakubun Shimomura, trưởng nhóm chính sách của LDP trong đối phó với COVID-19, cũng đã "bóng gió" ông có thể tái gia nhập đường đua. Theo kế hoạch, ngày 17/9 tới các ứng cử viên sẽ bắt đầu tiến hành chiến dịch tranh cử./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực