Thế giới tuần qua: Những tín hiệu tích cực

Chủ nhật, 19/03/2023 10:42
(ĐCSVN) - Tuần qua (13-19/3), thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, trong đó, chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc sang Nhật Bản mở ra triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai láng giềng Đông Bắc Á; thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được chính thức gia hạn; Tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh thắt chặt kiểm soát súng đạn... đã mang lại những tín hiệu tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.

"Con đường hiện đại hóa-trách nhiệm của chính đảng”

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung tham dự Hội nghị. (Ảnh: TTXVN) 

Tối 15/3, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới với chủ đề "Con đường hiện đại hóa - trách nhiệm của chính đảng", bằng hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có hơn 530 lãnh đạo và đại diện các nước, chính đảng, tổ chức chính trị ở châu Á, châu Âu, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và biển Caribe, châu Đại dương. Đoàn đại biểu Đảng ta do đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự và phát biểu đề dẫn, trình bày những tư tưởng mới, tư duy mới, chiến lược mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc về hiện đại hóa; nhấn mạnh, đặc điểm cơ bản của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa với quy mô dân số lớn, với mục tiêu người dân cùng giàu có, hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, con người và thiên nhiên chung sống hài hòa, thông qua con đường phát triển hòa bình.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất "Sáng kiến văn minh toàn cầu", theo đó kêu gọi các nước cùng tôn trọng tính đa dạng của văn minh thế giới, kiên trì các nền văn minh bình đẳng, tham khảo, đối thoại và bao dung lẫn nhau.

Lãnh đạo chính đảng của các nước chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất Lưỡng hội Trung Quốc khóa XIV; chúc mừng đồng chí Tập Cận Bình tái đắc cử cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc; giới thiệu tình hình các đảng, các nước, quan điểm đối với hiện đại hóa và các vấn đề liên quan đến quản trị toàn cầu, ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; đồng thời nhất trí về việc tăng cường giao lưu, tham khảo giữa các nền văn minh, chia sẻ kinh nghiệm của các chính đảng trong quản trị nhà nước, quản trị xã hội.

Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chính thức được gia hạn

Tàu chở hàng Polarnet của Thổ Nhĩ Kỳ đang chất hàng ngũ cốc của Ukraine tại một cảng ở Odessa, Ukraine. (Ảnh: AP )

Ngày 18/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố các bên đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, bị đình trệ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia Đông Âu này.

Phát biểu trên kênh truyền quốc gia chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận trên đáo hạn, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Sau các cuộc đàm phán với hai bên, chúng tôi đã đảm bảo gia hạn thỏa thuận này, vốn sẽ hết hạn vào ngày 19/3.”

Cùng ngày, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã gửi thông điệp cảm ơn Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vì đã kiên trì với thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của nước này.

Trên tài khoản cá nhận của mạng xã hội Twitter, ông Kubrakov viết: "Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được gia hạn thêm 120 ngày. Xin cảm ơn ông Antonio Guterres, Liên hợp quốc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Bộ trưởng (Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ) Hulusi Akar và tất cả các đối tác của chúng tôi vì đã kiên trì với các thỏa thuận này".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng khẳng định thông tin gia hạn thỏa thuận quan trọng này, nhưng khẳng định Moskva chỉ đồng ý kéo dài thời hạn 60 ngày thay vì 120 ngày như tuyên bố của Kiev. Trên kênh Telegram của mình, bà Zakharova còn đăng tải kèm 2 văn kiện đều ấn định thời hạn 60 ngày, gồm thông báo của Đại sứ Nga gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc và thông báo của Đại sứ quán Nga gửi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được biết đến với tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022, dưới vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Với hiệu lực thực thi trong 120 ngày, thỏa thuận đã được gia hạn lần thứ nhất vào tháng 11/2022. Thỏa thuận sẽ cho phép duy trì các hoạt động xuất khẩu từ Ukraine và Nga – hai nước vốn đang giữ vị trí là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Chính vì thế, việc duy trì Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được coi là một bước đi quan trọng giúp các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu không bị gián đoạn trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang tiếp diễn.

 Tín hiệu hàn gắn trong quan hệ Nhật - Hàn

 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc hội đàm hôm 16/3/2023. (Ảnh: Kyodo)

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, hai nước đã đồng ý nối lại các chuyến thăm cấp cao thường xuyên. Cuộc gặp được đánh giá là mang tính lịch sử, khép lại một chương khó khăn trong quan hệ Nhật- Hàn, đồng thời tạo ra những thay đổi lớn trong bản đồ địa chiến lược tại Đông Bắc Á.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã ca ngợi cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc, ngày 16/3 là “một bước tiến lớn” để xây dựng lại mối quan hệ an ninh và kinh tế của hai quốc gia.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đánh giá, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân hai nước và cho thấy, quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đang có một khởi đầu mới.

Như một bước xây dựng lòng tin, vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, Nhật Bản đã đồng ý dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu với Hàn Quốc. Đổi lại nước này cũng sẽ rút khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về việc khôi phục quy chế thương mại ưu tiên lẫn nhau: “Nhật Bản dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với ba mặt hàng và Hàn Quốc đã rút đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới Chúng tôi cũng quyết định tiếp tục đối thoại chặt chẽ để nhanh chóng đưa Hàn Quốc và Nhật Bản trở lại danh sách trắng các đối tác thương mại đáng tin cậy của nhau”.

Ngày 16/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thực hiện chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến Nhật Bản  Chuyến thăm này diễn ra hơn 1 tuần sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố phương án giải quyết vấn đề đền bù cho các công dân nước này bị ép buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. Nhật Bản và Hàn Quốc đã đình chỉ các chuyến thăm qua lại lẫn nhau của các nhà lãnh đạo hai nước từ tháng 12/2011. Vì vậy, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng thống Yoon Suk-yeol có nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, vốn khá căng thẳng trong nhiều năm qua do các vấn đề lịch sử.

Thiên tai nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới

Người dân tại Blantyre, Malawi đi qua con đường bị ngập do bão Freddy. (Ảnh: Reuters) 

 Malawi quốc tang nạn nhân bão Freddy

Tổng thống Malawi, ông Lazarus Chakwera, ngày 15/3 đã tuyên bố 14 ngày quốc tang để tưởng niệm hơn 200 nạn nhân thiệt mạng do bão Freddy.

Chính phủ Malawi đã cho phép giải ngân 1,6 tỷ kwacha (1,5 triệu USD) để hỗ trợ hàng chục nghìn người dân bị ảnh hưởng vì cơn bão. Tuy nhiên, Tổng thống Chakwera thừa nhận số tiền này sẽ là không đủ do mức độ tàn phá của bão Freddy "lớn hơn các nguồn tài nguyên mà Malawi sẵn có", đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Freddy là cơn bão thứ 3 tấn công Malawi chỉ trong 13 tháng qua và đây là một minh chứng cho thấy rõ những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.

Mưa lũ càn quét Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ngày 16/3 cho hay các đội cứu hộ đang tìm kiếm 5 người mất tích ở ba nơi, sau khi lũ quét biến đường sá ở các tỉnh Adiyaman và Sanliurfa thành sông, cuốn trôi ôtô, gây ngập lụt nhà cửa và khu lán trại dành cho nạn nhân động đất.

Lũ lụt càng gây thêm khó khăn cho cuộc sống của người dân và công tác cứu hộ tại hai tỉnh vốn bị tàn phá nặng nề trong thảm họa động đất tháng trước. Trận động đất 7,8 độ ngày 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 52.000 người chết, đa số nạn nhân ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 200.000 tòa nhà ở nước này đổ sập hoặc hư hỏng nghiêm trọng do rung chấn.

California đối phó với mưa lớn

Cây cối đổ sập và hơn 330 nghìn hộ dân ở bang California, Mỹ đang phải chịu cảnh mất điện và lũ lụt trên diện rộng. Khối không khí ẩm - hay còn gọi là sông khí quyển là hiện tượng thời tiết mưa lớn liên tục hoặc có khả năng hình thành bão với sức tàn phá khủng khiếp gây ra bởi các dòng hơi nước tồn tại trong khí quyển. 

Hiện tượng thời tiết này đã kéo dài ở bang California từ tháng 1/2023 kéo theo gió lớn, mưa xối xả và tuyết rơi dày đặc tại khu vực. Với các diễn biến lũ lụt và nguy cơ lở đất, bang California đã sơ tán gần 27.000 người dân. Dự kiến vùng duyên hải miền trung sẽ có thêm các đợt lũ, mực nước sông Pajaro dâng cao do ảnh hưởng mưa lớn từ tuần trước.

Hiện chưa có báo cáo về trường hợp tử vong hay mất tích nào kể từ hôm 13/3. Cộng đồng dân cư 8.500 người tại Pajaro đã được yêu cầu sơ tán và hơn 250 trường hợp được giải cứu từ hôm 10/3.

Tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh thắt chặt kiểm soát súng đạn

Súng được bày bán tại cửa hàng ở Costa Mesa, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/3 đã ký sắc lệnh hành pháp quy định xác minh kỹ lưỡng thông tin cá nhân của người mua vũ khí và thắt chặt kiểm soát việc sở hữu. Đây là động thái mới nhất trong chính sách kiểm soát súng đạn được chính quyền Mỹ xem là toàn diện nhất mà không cần Quốc hội thông qua.

Sắc lệnh yêu cầu các đại lý súng đã được cấp phép chấp hành quy trình kiểm tra lý lịch, cũng như khuyến nghị những người trong diện phải kiểm tra lý lịch thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra. 

Đồng thời, sắc lệnh này cũng nhằm trực tiếp vào các tập đoàn sản xuất súng đạn tại Mỹ khi yêu cầu Ủy ban Thương mại liên bang đánh giá hoạt động tiếp thị, quảng cáo súng đạn đối với người dân Mỹ, kể cả với các đối tượng là trẻ em vị thành niên.

Theo tài liệu được công bố, trọng tâm của sắc lệnh kiểm soát súng đạn là tập trung vào việc mở rộng quy trình kiểm tra lý lịch người mua súng nhằm ngăn chặn khả năng tội phạm hoặc những đối tượng từng có hành vi ngược đãi sở hữu súng đạn.

Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người dân Mỹ đều ủng hộ việc siết chặt kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng. Trong các bài phát biểu gần đây, Tổng thống Mỹ J.Biden cũng nhấn mạnh việc ủng hộ kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn và coi đây là một trong những ưu tiên của đảng Dân chủ. Các trợ lý của Tổng thống cho biết, quan điểm về kiểm soát súng đạn của ông J.Biden đã được thôi thúc sau cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tiếp tục thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ khi tiến tới cuộc bầu cử năm 2024./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực