|
Người sơ tán từ Afghanistan đeo khẩu trang ở sân bay quốc tế Frankfurt (Đức), ngày 20/8/2021. (Ảnh: Xinhua) |
Sau gần 2 năm xuất hiện, đại dịch giờ đã lây lan ra 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hiện có mặt ở hơn 124 quốc gia trên thế giới. Delta được dự báo là đang trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu và có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người nhiễm bệnh.
Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 21/8 cho thấy, hiện toàn thế giới có 189.249.188 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 17.811.282 ca bệnh đang điều trị thì có 17.702.274 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 109.008 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 53.981.072 trường hợp, trong đó có 1.157.504 ca tử vong và 48.910.262 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 140.464 ca nhiễm mới.
Tình hình dịch bệnh tại Anh đang diễn biến phức tạp do những hệ lụy từ việc mở cửa trở lại và dỡ bỏ mọi hạn chế phòng COVID-19, ngay cả khi chiến dịch tiêm chủng vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất trong khu vực (37.314 ca), nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 6.429.147 ca tính đến thời điểm hiện tại (đứng thứ 3 khu vực, sau Nga và Pháp).
“Anh ghi nhận trung bình khoảng 90 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày”- ông Kit Yates, đồng Giám đốc Trung tâm Sinh học - Toán học tại Đại học Bath, cho biết.
Trong khi số ca tử vong thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, với 1.300 ca mỗi ngày, song các chuyên gia như ông Yates cho rằng đây vẫn là một mức cao. Với khoảng 800 người mắc COVID-19 nhập viện mỗi ngày, hệ thống y tế của Anh một lần nữa đang phải chịu áp lực và không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc không khẩn cấp ở mức độ cần thiết.
Hiện Bắc Mỹ có 45.981.919 ca nhiễm bệnh, trong đó có 971.074 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 38.384.346 ca nhiễm và 644.281 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Ngày 20/8, truyền thông Mỹ cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ sớm phê duyệt đầy đủ đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer. Ban đầu, các nhà quản lý FDA đặt mục tiêu hoàn thành quy trình phê duyệt đầy đủ vaccine của Pfizer vào ngày 20/8, song do "một lượng lớn thủ tục giấy tờ và đàm phán với công ty" vẫn chưa được giải quyết nên FDA lùi thời hạn phê duyệt chính thức tới ngày 6/9.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 11/2020 và tới nay đã được tiêm cho hơn 203 triệu người ở Mỹ. Ngoài vaccine của Pfizer thì còn có 2 loại vaccine khác của Moderna và Johnson&Johnson cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp, song chưa có loại nào trong số này được FDA phê duyệt đầy đủ. Việc vaccine của Pfizer được cấp phép đầy đủ được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đang có dấu hiệu bị chững lại do tâm lý e ngại của nhiều người dân tại Mỹ.
Ngày 20/8, Trung tâm Quản lý Thuốc, Máy móc và Thiết bị Y tế Cuba (CECMED) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine nội ngừa COVID-19 mang tên Soberana 02 và Soberana Plus do viện Vaccine Finlay (IFV) bào chế. Đây là hai loại vaccine được sử dụng kết hợp để ngăn ngừa biến chủng và đã được chứng minh đạt hiệu quả 91,2% trong các thử nghiệm lâm sàng.
Như vậy, cùng với Abdala - vaccine nội đầu tiên được CECMED cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 9/7, Soberana 02 và Soberana Plus đã trở thành những vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phát triển ở Cuba và Mỹ Latinh. Song song với đó, Cuba vẫn đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 khác là Soberana 01 và Mambisa.
Tính đến sáng 21/8 Nam Mỹ có 36.536.792 ca nhiễm COVID-19, với 1.119.147 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 20.528.099 ca nhiễm.
Do sự lây lan của biến thể Delta, nhiều nước châu Á vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới, với 257.076 trường hợp. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 67.328.117 trường hợp, với 988.523 ca tử vong và 62.613.744 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 3.725.850 ca bệnh đang điều trị thì có 41051 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 32.392.506 ca, trong đó có 433.998 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 34.296 ca mắc mới COVID-19.
Tính đến sáng 21/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.515.861 trường hợp, trong đó có 188.349 ca tử vong và 6.607.507 ca bình phục. Trong tổng số 720.005 ca đang điều trị thì có 4.810 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 2.666.964 ca nhiễm COVID-19 và 78.983 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 1.207 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 142.479 trường hợp ca mắc COVID-19, với 1.879 ca tử vong. Fiji hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 43.096 ca, tiếp theo sau là Australia với 42.229 ca./.