WHO: Y tế và nhân đạo nên được coi là động lực chính cho hòa bình ở Ukraine

Thứ tư, 09/03/2022 14:13
(ĐCSVN) – Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, ngày 8/3, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge kêu gọi nên coi các nguyên tắc về y tế và nhân đạo đóng vai trò là động lực chính cho hòa bình ở Ukraine.
 Người tị nạn Ukraine đến trung tâm hỗ trợ ở Przemysl, Ba Lan ngày 28/2. Ảnh: Reuters

“Từ kinh nghiệm cá nhân trong các cuộc xung đột khác, tôi chắc chắn rằng các nguyên tắc y tế và nhân đạo vẫn là động lực chính của hòa bình, và tôi đang sử dụng tất cả các nguồn lực ngoại giao trong phạm vi có thể, với tư cách là một nhà lãnh đạo của WHO để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng nhân đạo này” – ông Kluge nói.

Cuộc xung đột tiếp diễn nhiều ngày qua tại Ukraine đang gây nhiều quan ngại trong cộng đồng thế giới. Theo quan điểm của ông Kluge thì WHO đang ưu tiên bảo đảm việc vận chuyển an toàn các hàng hóa hỗ trợ y tế vào bên trong lãnh thổ Ukraine, đồng thời bảo đảm rằng các nước láng giềng có cơ sở hạ tầng và chuyên môn tại chỗ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của những người tị nạn, cũng như tính “liên tục” của các hoạt động chăm sóc y tế bên trong lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là thông qua một trung tâm của WHO ở phía Tây Ukraine.

Dù Ukraine đã duy trì một hệ thống giám sát và ứng phó với COVID-19, song quan chức của WHO cảnh báo rằng cuộc xung đột hiện nay có thể tác động nghiêm trọng tới nhóm người cao tuổi ở nước này vì chỉ 1/3 số người trên 60 tuổi ở Ukraine được tiêm chủng đầy đủ.

Nhằm khắc phục thực trạng trên, ông Kluge cho biết, WHO đang nỗ lực để đáp ứng những nhu cầu y tế thiết yếu thông qua các cơ sở cố định, các bệnh viện dã chiến hoặc dịch vụ y tế di động hay thậm chí là đưa ra các phương pháp chẩn đoán, thuốc và vật tư y tế quan trọng.

Theo quan điểm của quan chức WHO thì việc chăm sóc y tế cho phụ nữ và trẻ em gái cần được coi là việc làm “ưu tiên” trong bối cảnh xảy ra xung đột.

Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi thông báo trên Twitter rằng, đã có khoảng 2 triệu người Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chạy tị nạn sang các nước láng giềng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước này. “Tuy nhiên, đây chỉ là sự khởi đầu” – ông Grandi cảnh báo.

Ông Grandi ước tính, tổng số người dân Ukraine phải rời bỏ đất nước do xung đột sẽ có thể sẽ lên tới con số 4 triệu (tương đương với 10% dân số). Quan chức của Liên hợp quốc đánh giá đây sẽ là một tình huống phức tạp mà các nước châu Âu sẽ phải đối mặt trong tương lai và các nước cần tới một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa để vượt qua thách thức./.

T.Lan (Theo Reuters, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực