Du lịch tâm linh, lễ hội – hướng phát triển mới ở Bạc Liêu

Thứ năm, 03/11/2016 14:00
Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch tâm linh bởi nơi đây là vùng đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, với nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức quanh năm suốt tháng.

* Điểm đến du lịch tâm linh, lễ hội

Bạc Liêu có nhiều chùa chiền, đền, nhà thờ lớn… là nơi tham quan, du lịch, thỏa mãn nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhiều khách du lịch đến Bạc Liêu. Những địa điểm này đều rất khang trang, nằm ở vị trí thuận lợi cho khách đến tham quan, du lịch.

Nằm trong khu vực liên kết du lịch vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long “Một điểm đến bốn địa phương+”, Bạc Liêu được khá nhiều du khách chọn là điểm đến, vì ngoài các điểm tham quan du lịch, vùng đất này còn có nhiều công trình Phật giáo có ý nghĩa tâm linh như Quán Âm Phật Đài, Thành Hoàng cổ miếu (chùa Minh), Phước Đức cổ miếu (chùa Bang), chùa Xiêm Cán, chùa Cỏ Thum, chùa Giác Hoa, nhà thờ Tắc Sậy. Lần đầu đến thăm Quán Âm Phật Đài, ông Phan Hồng Thái (quê Bình Định) cho biết: “Ngôi chùa rất khang trang, rộng rãi, nằm tách biệt với phố thị nên thoáng đãng, yên ả. Là khách đi vãn cảnh chùa, tôi cảm nhận được sự thanh bình, thư thái, không còn cái xô bồ, ồn ào của cuộc sống thường ngày”.

Khu Quán Âm Phật đài ngay ngày bình thường vẫn thu hút khá đông du khách đến viếng. 
Ảnh: N.H/laodong.com.vn

Bên cạnh các điểm đến là các di tích, thắng tích tôn giáo, tín ngưỡng, khi đến với Bạc Liêu, khách du lịch còn được tham gia, hòa mình vào không gian lễ hội truyền thống giàu bản sắc văn hóa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Nổi bật là lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng ở huyện Giá Rai, tổ chức từ ngày 15-17/2 âm lịch, nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã đứng lên đấu tranh chống lại bọn cường hào cướp đất của nông dân trước khi có Đảng. Lễ hội này mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách tham dự. Lễ hội Nghinh Ông Gành Hào ở huyện Đông Hải được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, thu hút hơn 40 ngàn người tham gia với khoảng 300 chiếc ghe. Lễ hội Quan Âm Nam Hải ở thành phố Bạc Liêu, tổ chức từ ngày 21– 23/3 âm lịch, thu hút hơn 100 ngàn lượt khách đến tham quan và hành lễ. Lễ hội Ok Om Bok tổ chức ngày 15/10 âm lịch. Trong dịp lễ này, người Khmer còn tổ chức hội đua ghe ngo truyền thống rất tưng bừng, náo nhiệt với sự tham gia của hàng ngàn người…

Đặc biệt, lễ hội Dạ cổ hoài lang là lễ hội tiêu biểu hàng năm của Bạc Liêu được tổ chức từ ngày 13 -15/8 âm lịch. Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban tổ chức lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2016 chia sẻ: Tỉnh Bạc Liêu tự hào là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang và cũng là một trong những nơi được xem là cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bà Phan Thị Thùy Trang (quê Ninh Thuận) trong một lần tham dự lễ hội Dạ cổ hoài lang cho rằng: Lễ hội này là một nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lâu đời ở xứ Bạc Liêu và đờn ca tài tử là một tài sản văn hóa chung của dân tộc cần được bảo tồn, phát huy. 

Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan cho biết: “Bất cứ hoạt động nào có liên quan mật thiết đến nghiệp ca cải lương, tôi đều muốn tham gia, hơn nữa đứng trên sân khấu của một trong những chiếc nôi của cải lương Nam Bộ, tôi thấy mình hãnh diện và tự hào”.

Ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây, du lịch Bạc Liêu đã có những bước chuyển mình đáng kể, số lượng du khách và doanh thu dịch vụ du lịch tăng lên qua mỗi năm. Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch tâm linh, lễ hội đã có những đóng góp quan trọng giúp ngành du lịch Bạc Liêu tăng tốc và bứt phá. Ông cũng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Bạc Liêu đã đón tiếp khoảng 1 triệu lượt khách, đạt 71% kế hoạch của năm, tăng 5% so với cùng kỳ.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến 2015, doanh thu du lịch của Bạc Liêu đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, tăng trung bình hàng năm là 20,5%. Riêng năm 2015, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt gần 1 ngàn tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2012; khách du lịch đạt 1,1 triệu lượt, tăng gần 2 lần so với năm 2012. Doanh thu dịch vụ lưu trú ngày một tăng cao, nếu như năm 2013 là 1.500 tỷ đồng, năm 2014 là 1.800 tỷ đồng thì đến năm 2015 là 1.900 tỷ đồng.

* Chú trọng phát triển bền vững

Tuy có tiềm năng và lợi thế nhưng Bạc Liêu vẫn chưa khai thác tốt loại hình du lịch tâm linh, lễ hội. Hiện nay, du khách tham gia các tuyến du lịch tâm linh phần lớn để ngắm cảnh đẹp, thắp hương, cúng bái… rất ít được giao lưu với các sư, tăng, ni đức độ để thấu hiểu, trải lòng với chốn an nhiên, tìm về nơi thanh bình, yên ả qua những câu kệ, lời kinh. Các tuyến, tour du lịch tâm linh còn đặt nặng yếu tố kinh tế, vì thế nó mất đi bản sắc đặc trưng của loại hình du lịch. Bên cạnh đó, du lịch tâm linh, lễ hội ở Bạc liêu hiện nay vẫn còn hủ tục buôn thần, bán thánh, bói toán, lên đồng...

Để du lịch tâm linh, lễ hội phát triển một cách bền vững, cần tuyên truyền vận động du khách, người dân thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội, thăm viếng nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo; đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Tỉnh t iếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long “Một điểm đến bốn địa phương +” và Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020 “Mười bốn tỉnh, thành phố – Một điểm đến”; đôn đốc để sớm hoàn thành dự án du lịch Quán Âm Phật đài, đặc biệt là hạng mục núi Quan Âm và các hạng mục của chùa Hưng Thiện…; đồng thời làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ như đình An Trạch, chùa Giác Hoa, chùa Cỏ Thum… Du lịch tâm linh, lễ hội cần kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực dân gian, các khu vui chơi, lưu trú, giải trí… để có thể tổ chức phát triển thành các tuyến, điểm du lịch. Bạc Liêu chú trọng việc p hát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội… trên địa bàn trong việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa tâm linh, thu hút nguồn vốn, nguồn nhân lực...

Đội ngũ hướng dẫn viên phải được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ và khả năng giao tiếp tốt, hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam và văn hóa tôn giáo bởi họ là người đặt viên đá đầu tiên cho những người chưa hiểu biết gì về tôn giáo.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2016, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt trên 1 ngàn tỷ đồng (tăng 7.5%); đón tiếp trên 1,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 9%); khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 400 ngàn lượt khách (tăng 9,3%); khách quốc tế đạt khoảng 38 ngàn lượt khách (tăng 8%); xây dựng mới từ 1 – 2 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh đề nghị Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu.

Như vậy, đ ánh giá đúng giá trị, nhìn ra được tiềm năng và biến tiềm năng thành hiện thực là những bước đi hết sức cơ bản để một sản phẩm văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch. Trong bối cảnh ngày nay, ngày càng nhiều người đi tìm cho mình sự thanh thản tâm hồn giữa cuộc sống vốn căng thẳng và bộn bề lo toan thì Bạc Liêu hoàn toàn có thể phát triển thành một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long./.

Như Bình/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực