Hành hương thăm đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì

Thứ tư, 30/08/2017 01:21
(ĐCSVN) - Lên đỉnh Vua, thăm đền thờ Bác để cùng đắm mình với thiên nhiên, chiêm ngưỡng chim ca, gió thổi, nắng gọi, mây bay, trăng treo, suối chảy…của núi rừng Ba Vì, thành kính thắp hương dâng lên Bác, ta thấy lòng mình trở lên nhẹ nhàng hơn, trong sáng hơn...
 

Du khách hành hương lên đền thờ Bác Hồ dâng hương bày tỏ lòng thành kính.

Điểm dừng chân kỳ thú

Niềm ao ước được lên thăm đền thờ Bác trên đỉnh Vua núi Ba Vì từ bấy lâu nay đã thành hiện thực. Từ cổng Vườn Quốc gia Ba Vì theo cong đường cong mình uốn lượn ôm lấy sườn núi, hai bên đường ngút ngàn màu xanh của cỏ cây, hoa lá như đưa chúng tôi vào chốn bồng lai tiên cảnh, làm cái nắng nóng hầm hập của ngày tháng 7 như được xua tan, mang đến trong lòng mỗi người niềm hứng khởi đến kỳ lạ.

Dừng chân tại điểm cao 400 khi trời đã xế chiều, tranh thủ trước lúc nghỉ ngơi, anh Tài (cán bộ Vườn Quốc gia Ba Vì) đưa tôi rẽ xuống con đường bê tông nhỏ nằm ôm trọn lấy đồi thông thoai thoải và bên còn lại là vườn thực vật với nhiều loại cây đặc hữu quý hiếm đang lên xanh tốt che phủ cả một cánh rừng. Ở phía cuối con đường có một chòi canh được làm bằng khung sắt cao 50m dùng để gác giữ rừng. Phải can đảm lắm tôi mới leo lên được đến đỉnh chòi giữa những cơn gió ngàn lồng lộng thổi, thả tầm mắt nhìn xa bao quát cả một vùng rừng rộng lớn.

Điểm cao 400 được coi là điểm dừng chân kỳ thú cho du khách trước khi lên đền thắp hương dâng Bác và cũng là nơi níu giữ chân du khách thật bịn rịn mỗi khi xuống núi và rời chốn non thiêng này. Ở đây có Resort Ba Vì gồm 6 ngôi nhà với 34 phòng nằm thấp thoáng ẩn hiện dưới những tán cây rừng, phía đối diện qua con đường trải nhựa phẳng tắp là rừng thông già đẹp như tranh với những con đường nhỏ nằm len lỏi vắt qua những thảm lá thông vàng óng, mịn màng. Buổi sáng tinh mơ, sau một giấc ngủ thật trong và sâu, tôi chợt tỉnh dậy bởi tiếng chim ca hót líu lo, tiếng suối nước chảy róc rách được dẫn từ rừng sâu vào chiếc hồ bơi rộng chừng 1.000m2. Sau khi đi bộ trong khu rừng thông, chúng tôi cùng đến nhà hàng Xạ Hương, chọn một chỗ ngồi ưng ý ngắm nhìn những vệt rừng xanh, những làng mạc chạy xa tít tắp ở chân núi mà chợt thấy lòng thật thảnh thơi.

“Thủ từ” là những chàng kiểm lâm trẻ

Rời điểm cao 400, chúng tôi tiếp tục rong ruổi cuộc hành trình vượt tiếp 7 km trên con đường trải nhựa ngoằn nghèo và quanh co hơn, với nhiều đoạn dốc đứng. Nhưng cũng từ đây, con đường luôn được che rợp bởi những tán cây rừng già cổ thụ râm mát, làm vơi đi quãng đường dài, hiểm trở. Vừa đi, vừa mê mải ngắm nhìn chim muông, hoa lá cùng muôn vàn cảnh đẹp của rừng thiêng, chúng tôi đã lên đến cổng đền từ lúc nào.

Anh Trần Ngọc Chính (Trạm trưởng Trạm kiểm lâm cốt 1.100) niềm nở ra tận cầu thang đón chúng tôi vào nơi làm việc của Trạm nghỉ ngơi, uống hớp nước trà để lấy sức leo tiếp hơn 1.000 bậc đá bằng 1,2 km nữa mới lên đến Đền thờ Bác. Sau khi cắt cử một tốp đi tuần rừng, anh đích thân làm hướng dẫn viên cùng tôi leo từng bậc đá đi nốt chặng đường. Vừa đi, anh vừa chỉ những thân cây cổ thụ mà người ôm không xuể nằm ngay bên cạnh lối đi, vừa kể về cách phân biệt từng loại cây qua màu lá, cỡ lá, vỏ thân.

Bằng con mắt tinh tường của người cán bộ kiểm lâm đã có 18 năm gắn bó với rừng núi Ba Vì, anh vạch đám lá khô bên đường giới thiệu cho tôi xem những mầm cây rừng nhỏ xíu mới nhú lên khỏi mặt đất mà màu sắc rất giống với màu đất và màu của lá rụng, rồi chỉ những chú kỳ nhông đá nhỏ xíu như chiếc đũa đang thập thò ở những hốc đá ngay dưới chân tôi.

Từng hốc đá, mỗi cây rừng ở đây được anh và đồng đội thuộc như lòng bàn tay. Rồi anh say sưa kể về câu chuyện của từng loài cây, loài chim muông ở trong khu rừng thân thuộc như kể về những người bạn tri kỷ lâu ngày gặp lại.

Để giữ gìn được môi trường thiên nhiên mộc mạc, hoang sơ của rừng, đặc biệt là cỏ cây, hoa lá từ cổng đền lên đến nơi thờ Bác, các anh đã phải gửi cả vào đây tấm lòng thành kính của mình đối với Bác mới có thể làm tốt được công tác dân vận. Nhiều du khách đã nhổ cây, ngắt hoa lá ở đây đem về nhà lấy may, nhưng khi các anh nhẹ nhàng nhắc nhở mấy câu thì ai nấy cũng đều vui lòng để lại, thậm chí còn khẩn khoản nhờ các anh trồng lại, chăm sóc hộ.

Ở độ cao 1.296m, có những chàng trai trẻ kiểm lâm, ngoài công việc hàng ngày là quản lý nghiêm ngặt gần 1.000 ha phân khu của Vườn Quốc gia Ba Vì từ cốt 800 trở lên đỉnh, lại vừa làm nhiệm vụ đón tiếp du khách đến tham quan và trông nom đèn hương trong đền thờ Bác thật chu đáo, tận tình đến như vậy.

Hôm nay là ngày thường nên ít khách đến thăm viếng. Chàng kiểm lâm trẻ Tô Văn Nam đang trong ca trực cho biết, công việc hàng ngày của các anh là quản lý bảo vệ đền, đón tiếp hướng dẫn khách tham quan và coi sóc đèn hương nơi thờ Bác. Ngồi uống tách trà nóng tại bàn trà nhỏ kê ở góc ngoài cùng bên phải trong ngôi đền, mà cảnh vật thiên nhiên tươi tắn chan hòa ùa vào từ mọi phía làm cho ngôi đền luôn ngập tràn ánh sáng, chứ không cô tịch mờ ảo như ta thường gặp.

Ngoài bức tường phía sau ban thờ Bác, hai bên xung quanh và phía trước ngôi đền đều được kiến trúc khác với các ngôi đền truyền thống là không có tường bao quanh, tất cả được kiến trúc mở bằng những chiếc cột to tròn dùng làm trụ đỡ cho toàn bộ mái đền. Ở vị trí chân tường được làm nhô cao chừng 0,5m so với nền nhà, mặt trên ốp những tấm gỗ dài chắc chắn tựa như những chiếc ghế băng dùng làm chỗ nghỉ chân cho du khách đến thăm.

Anh Chính giới thiệu kiến trúc ngôi đền được làm thật gần gũi, hài hòa với thiên nhiên như những ngôi nhà sinh thời Bác vẫn sống và đúng như mong muốn Bác đã để lại trong Di chúc: “…nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi…”.

Ngôi đền thờ Bác rộng chừng 180m2 nằm quay về hướng Nam chếch Đông 30, chính giữa là bức tượng Bác bằng đồng được đúc theo tỷ lệ 1/1 lấy nguyên mẫu từ bức ảnh của nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp khi Bác đang trong tư thế ung dung ngồi đọc báo vừa ngẩng lên khi thư ký vào báo cáo có khách đến thăm. Hai bên cạnh nơi bức tượng Bác ngồi là 2 cây tùng và bách cổ thụ được làm bằng gỗ. Ở trên đỉnh ban thờ Bác là dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bức tường lớn màu hồng phía sau lưng Bác ngồi ở ngôi cao chính giữa trang trọng phía trên là hình ngôi sao vàng năm cánh. Còn ở vị trị bức tường phía trước - nơi chính giữa được đặt một tấm bia đá ngăn cách ước lệ với không gian bên ngoài như một bức bình phong cao chừng 2m, rộng 1,5m; mặt phía trong hướng vào lòng đền trích đoạn Di chúc của Người, mặt phía ngoài trích đoạn Điếu văn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn “…Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta…”.

Toàn bộ kiến trúc ngôi đền được cách điệu vừa mang đường nét đặc trưng của đền vừa mang dáng dấp của ngôi nhà sàn thật đơn sơ, giản dị nhưng gần gũi thân thiện như chính cuộc đời và con người của Bác vậy.

Ba Vì - "núi tổ của trời Nam đất Việt"

Đến thăm ngôi đền thờ Bác trên đỉnh Vua, chúng ta còn có dịp đến thăm Báo Thiên Bảo Tháp nằm kế bên đền thờ Bác. Tháp Báo Thiên được hoàn tất xây dựng vào năm 2011, tháp gồm 13 tầng, cao 26,9m. Tầng 1 có 3 ban thờ Phật là quá khứ hiện tại và tương lai; từ tầng 2 đến tầng tháp 12 mỗi tầng tháp có 8 ô cửa và ở mỗi ô cửa đều có tượng một vị thần đúc bằng đồng trấn giữ quay về 4 phương 8 hướng. Riêng tầng tháp 13 trên đỉnh chóp được bịt bằng đồng khối, ở chính giữa treo một quả chuông lớn (sau này được chuyển xuống tầng 1 để giữ an toàn cho du khách). Phía ngoài sảnh tháp tầng 1 có 8 vị thần hộ pháp đúc bằng đồng (bát bộ kim cương) thật uy nghiêm canh giữ.

Du khách hành hương lên đền thờ Bác.

Từ đền Bác đi qua những bậc đá cheo leo gần 2 km nữa là du khách lên tới đỉnh Mẫu còn gọi là đỉnh giữa của núi Ba Vì, là đền thờ Tản Viên sơn thánh – một trong bốn vị thánh “ tứ bất tử” theo quan niệm của Phật giáo Việt Nam. Leo tiếp vài trăm mét nữa lên tận đỉnh – nơi đặt Ban thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên ở giữa chốn lồng lộng của mây bay, gió thổ. Ngoài ra, du khách còn được ghé thăm khu phế tích cổ do người Pháp để lại cùng những rừng cây cổ thụ ở cốt 600, 700, 800 với hàng trăm loài động thực vật đặc hữu, quí hiếm như: Gà lôi trắng, hổ mang chúa, tắc kè hoa, cây mỡ Ba Vì, cây cà lồ Ba Vì, bách xanh.., và vô vàn những câu chuyện về thiên nhiên kỳ thú do chính các kiểm lâm viên dí dỏm, vui tính kể cho nghe...  

Anh Tân - cán bộ kiểm lâm của Vườn đưa tôi ra thăm điểm cao 600, 700 nằm nhô ra khỏi dãy núi tựa như một chốt canh. Từ đây, chúng tôi có thể phóng tầm mắt thỏa sức ngắm một vùng trời mây non nước hữu tình. Kia là huyện Thanh Thủy, Tân Phương với Vườn Quốc gia Xuân Sơn của tỉnh Phú Thọ, đây là nhấp nhô làng mạc của huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn (Hòa Bình), cùng các khu dân cư trải dài về tới tận Thủ đô,.. và sông Hồng, sông Đà, sông Lô hờ hững uốn quanh như những dải lụa mềm... Tất cả như được thu vào tầm mắt, làm cho linh khí Ba Vì càng trở nên kết tinh và lắng đọng.

Cũng tại nơi đây, hơn 50 năm về trước, bộ đội ta đã lợi dụng sương mù dày đặc, cắt rừng, dòng thang đột nhập vào lô cốt địch mà đánh giành thắng lợi. Anh Tân hào hứng nói tiếp: Vào những ngày thời tiết đặc biệt, cả khoảng đồng bằng rộng lớn phía dưới sương mù giăng dầy đặc. Đứng trên điểm cao, ta cảm giác được bay giữa trùng trùng, lớp lớp biển sóng mây trắng bạc vào không trung vô cùng vô tận. Cảnh tượng thật là hùng vĩ và kỳ ảo như đang lạc vào cõi tiên.

Lên đỉnh Vua thăm đền thờ Bác để rồi cùng đắm mình với thiên nhiên chiêm ngưỡng chim ca, gió thổi, nắng gọi, mây bay, trăng treo, suối chảy…của núi rừng Ba Vì mà cách đây hơn 500 năm trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã viết: “Ba Vì là núi tổ của trời Nam đất Việt”. Giữa đỉnh non thiêng thành kính thắp hương dâng lên Người, ta thấy lòng mình trở lên nhẹ nhàng hơn, trong sáng hơn./.

Phạm Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực