Khẳng định bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến mới

Thứ tư, 03/02/2016 16:34
(ĐCSVN) - Là thương binh nặng loại 1/4 mất sức 81%, nhưng với bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Nguyễn Đức Điểm ở tổ 26, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã nỗ lực, vươn lên khẳng định mình trên trận tuyến mới – thương trường.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra hết sức khốc liệt, chàng thanh niên Nguyễn Đức Điểm vừa tròn đôi mươi noi gương người anh trai xung phong lên đường nhập ngũ thuộc sư đoàn 304B đóng tại Quảng Bình và tham gia chiến đấu tại mặt trận đường 9 Khe Sanh. 

Vào khoảng tháng 5/1971, trong một trận chiến ông Điểm đã trúng đạn và mất cánh tay phải, được đồng đội đưa về điều trị tại Đoàn 231. Khi vết thương chưa lành, ông đã xin với cấp trên để được ra chiến trường, nhưng căn cứ vào điều kiện sức khoẻ, đơn vị đã yêu cầu ông ở lại tiếp tục điều trị và được chuyển về an dưỡng tại Trại Thương binh của tỉnh Thái Nguyên.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Điểm, đại diện cho Hợp tác vận tải Tân Phú tặng quà
các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Nguyễn Thanh

Năm 1972, ông xây dựng gia đình, nhưng vì vết thương quá nặng nên ông vẫn tiếp tục ở lại Trại thương binh điều trị. Đến năm 1979, ông mới được xuất ngũ và về sống với gia đình.

Trở về cuộc sống đời thường, gia đình ông lúc này hết sức khó khăn, vợ chồng ông phải trải qua nhiều nghề để mưu sinh như mở cửa hàng may đo, chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, những nghề đó không giúp cải thiện được kinh tế gia đình, sau đó ông lại chuyển sang bán đồ điện, bán xe máy…

Nhưng nghề bán xe cũng không giúp ông làm giàu được. Do gia đình ở gần công ty Gang thép Thái Nguyên nên nắm bắt được nhu cầu vận tải hàng hóa của công ty, ông đã bàn với gia đình mua xe ô tô để vận chuyển hàng hóa. Được gia đình ủng hộ, ông vay mượn thêm mua một chiếc xe ô tô tải để vận chuyển thuê cho một số công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn một năm hoạt động, ông đã mạnh dạn đứng ra vận động những người xung quanh có cùng phương tiện vận tải để thành lập Hợp tác xã vận tải ô tô Tân Phú. Lúc đầu, Hợp tác xã chỉ có 3 đầu ô tô, với 6 thành viên chuyên làm dịch vụ vận chuyển sắt, thép.

Qua một quá trình hoạt động kinh doanh, ông Điểm nhận thấy nếu chỉ kinh doanh riêng trong lĩnh vực vận tải sẽ gặp rủi ro cao và Hợp tác cũng không chủ động được về nguồn hàng vận chuyển, điều này ảnh hưởng đến thu nhập của xã viên. Vì vậy, dần dần ông đã mở rộng và đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh như: Vận tải hành khách, dịch vụ cẩu hàng hóa, cẩu lắp dựng các công trình, mua bán vật liệu xây dựng.

Để đáp ứng được nhu cầu thị trường, ông Nguyễn Đức Điểm còn chủ động tìm hiểu và mở rộng địa bàn hoạt động như thành lập các chi nhánh của Hợp tác xã tại Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Để hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã được thuận lợi, ông Nguyễn Đức Điểm đã mạnh dạn đầu tư thêm ô tô tải siêu trường siêu trọng, xe cẩu có tải trọng cao để phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chủ động mở rộng thị trường, đưa xe vận tải, máy cẩu, vật liệu sắt thép vào nhiều công trình lớn trong và ngoài tỉnh như SamSung ở Thái Nguyên, thép Hòa Phát ở Hải Dương, lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa)…

Để tăng năng suất lao động, ông Nguyễn Đức Điểm thường xuyên khuyến khích anh em lao động trong Hợp tác xã phát huy những sáng kiến kỹ thuật của mình từ đó tạo được hiệu quả trong lao động. Bản thân ông, trong năm vừa qua cũng đã nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng thành công “Máy uốn bẻ thép cải tiến” giúp tiết kiệm được chi phí, giảm việc sử dụng sức người trong công việc uốn bẻ thép.

Trải qua gần 20 năm hoạt động, đến nay, Hợp tác xã Vận tải ôtô Tân Phú có tổng doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng/năm với hình thức kinh doanh đa dạng gồm các ngành nghề: vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ, cẩu bốc xếp hàng hóa và lắp dựng công trình, cho thuê kho bãi và văn phòng, gia công cơ khí và sửa chữa ôtô, kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, nhà hàng khách sạn và hàng điện tử…

Hợp tác xã đã giải quyết việc làm ổn định cho 145 lao động với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng và được tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm.

Không chỉ làm tốt hoạt động kinh doanh, duy trì công việc và thu nhập cho người lao động, các thành viên trong Hợp tác xã mà cựu chiến binh Nguyễn Đức Điểm còn rất quan tâm thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện do địa phương phát động. Mỗi năm ủng hộ hàng chục triệu đồng vào các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Với những kết quả có được từ ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm phấn đấu vươn lên của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Nguyễn Đức Điểm đã đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Những thành công đó không chỉ khẳng định bản lĩnh của người lính trong thời bình mà còn cho thấy một tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Với những nỗ lực trên, ông Nguyễn Đức Điểm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng nhiều Bằng khen. Mới đấy nhất, ông vinh dự là một trong các đại biểu được báo cáo thành tích tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015.

 

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực