“Mẹ hiền” của nhiều học sinh vùng biển Thanh Hóa

Thứ sáu, 11/03/2016 18:08
(ĐCSVN) - Khi đã được Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng với lòng yêu nghề, suốt 14 năm qua, cô Nguyễn Thị Thông ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, (Thanh Hóa) đã dùng ngôi nhà của mình để mở lớp dạy học miễn phí cho các trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật không có điều kiện đến trường.

Cô Thông tâm sự “Ngư Lộc là địa phương ven biển có nhiều trẻ mồ côi, phải lao động sớm, không có điều kiện đến trường. Nhiều lúc tôi nghĩ, mình về hưu có thể mở cửa hàng kinh doanh buôn bán hải sản hoặc mở các lớp dạy học để kiếm thêm thu nhập. Nhưng nhớ về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩ về những hy sinh của Bác cho dân tộc, tôi đã chọn việc làm phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của mình và quyết định “mở lớp học miễn phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa có điều kiện đến trường. Đồng thời nhận dạy miễn phí cho cả người lớn mù hoặc tái mù chữ, giúp họ biết chữ để có việc làm hoặc chỉ đơn giản là biết đọc địa chỉ mình đang đi qua, biết tính và đọc được mệnh giá đồng tiền”.


Cô Nguyễn Thị Thông chia sẻ việc làm của mình tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX - Ảnh: PC

Từ quyết định đó, năm 2002, cô Thông đã xin chính quyền xã được mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà mà không thu học phí. Những ngày đầu mở lớp cô gặp vô vàn những khó khăn.

Công Thông kể lại “Lớp học đầu tiên ban đầu chỉ có 16 em, trong đó có tới 8 em mồ côi, bàn ghế dành cho các con ngồi cũng chỉ là những cánh cửa nhà, cửa bếp ọp ẹp, cũ kỹ. Chiếc bảng viết ngày đó là tấm cót ép đã rách mép...”. Còn đối với các em học sinh thì thiếu đủ thứ từ sách, vở, đồ dùng học tập, cô đã dùng đồng lương ít ỏi của mình mua để cho các em. Ngoài ra, cô còn đến các trường trên địa bàn huyện, vận động các nhà hảo tâm để xin sách giáo khoa, vở, bút, đồ dùng học tập mang về cho các em.

Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học, các em còn thiếu ăn thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của gia đình. Các em đến lớp mà không được sáng, ăn trưa, có em đói lả tụt huyết áp đến mức bị ngất lịm trong lớp học. Nhiều khi học sinh không đến lớn do bị ốm, cô đi mua thuốc mang đến tận nhà, động viên để các em sớm khỏi bệnh tiếp tục đi học.

Bên cạnh đó, cô Thông cũng tranh thủ buổi tối dạy chữ, xóa mù cho phụ nữ trong xã. Ở đây đa phần là những phụ nữ từ 45-50 tuổi, nên việc dạy học cho họ cũng gặp không ít khó khăn bởi họ bận việc gia đình, lo mưu sinh. Để chị em đi học xóa mù, cô Thông đã đến từng nhà vận động họ đi học. Khi dạy học cho họ, cô Thông cũng coi họ như nhưng những người bạn, người chị, người em, tận tâm dạy chữ. Đến nay cô Thông đã xóa mù được cho gần 100 phụ nữ ở vùng biển Ngư Lộc.

Tính đến thời điểm này, 14 năm dạy miễn phí cho học sinh nghèo vùng biển Ngư Lộc, dù nắng mưa hay mệt mỏi cũng chưa bao giờ cô Thông để cho lớp học bị gián đoạn dù tuổi của cô năm nay cũng đã ngoài 60. Cô cho biết, để dạy được các đối tượng học sinh thiểu năng trí tuệ, cô vừa phải là người bà, người mẹ, phải dùng tình cảm của mình để dạy dỗ, để các em có niềm tin trong học tập và cuộc sống. Cô chăm các cháu như con cháu ruột thịt của mình, đói cho ăn, ốm cho thuốc, thường xuyên thăm hỏi, động viên.

Trong giảng dạy, cô tận tâm chỉ bảo đến nơi đến chốn, các em học yếu đưa đến nhà học thêm hoặc cử các em khá giúp đỡ em yếu, cô trò thân thiết như người trong một nhà. Khi đến thăm gia đình các em học sinh, có nhà tuềnh toàng dột nát, cô đã mạnh dạn đề xuất với thôn, với UBND xã hỗ trợ cho xây nhà tình nghĩa. Vì thế mà 7 gia đình hiện đang sống trong căn nhà ấm cúng đầy hạnh phúc.

Cũng trong suốt 14 năm dạy học, có rất nhiều mảnh đời bất hạnh nhưng được sự che chở, chăm sóc của cô, các em đã vượt qua khó khăn để quyết tâm đi tìm học con chữ. Điển hình là trường hợp em Nguyễn Thị Thùy 12 tuổi bị liệt cả hai chân, nhà lại rất nghèo. Cô Thông đã đến tận nhà vận động bố mẹ Thùy cho Thùy đi học. Để có phương tiện đi lại, cô đã xin cho Thùy một chiếc xe lăn. Không phụ lòng cô, Thùy học rất chăm chỉ học hành.

Tính đến thời điểm này, từ ngày đứng ra mở lớp cho đến nay, cô Thông đã dạy được 97 em có độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Có 90 em hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học lên tại các cơ sở đào tạo. Tất cả các em đã trưởng thành nay đã biết chữ, có 6 em được đi xuất khẩu lao động, một số em học nghề thợ mộc, máy khâu... số còn lại trở thành người lao động chính trong gia đình.

Ngoài việc dạy học, cô Thông còn là Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngư Lộc. Cô Thông cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp để xây dựng Quỹ khuyến học của xã được gần 3 tỷ đồng. Từ nguồn tiền này Hội đã hỗ trợ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Hội Khuyến học của xã được tặng 2 giấy khen của tỉnh Thanh Hóa, 2 bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng.

Với đóng góp hy sinh thầm lặng của mình trong thời gian qua, cô Nguyễn Thị Thông đã được Chủ tịch nước gửi thư khen và cô cũng vinh dự là một trong số ít đại biểu chia sẻ việc làm nhỏ bé của mình tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, được tổ chức tại Hà Nội./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực