Người công nhân đam mê sáng tạo, cải tiến kỹ thuật

Chủ nhật, 12/06/2016 09:41
(ĐCSVN) - Nhắc tới anh Võ Văn Ly (sinh năm 1976), công nhân của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung, thành phố Đà Nẵng, thì nhiều người biết đến. Bởi với lòng yêu nghề và đam mê công việc, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng.

Anh Võ Văn Ly

Võ Văn Ly sinh ra và lớn lên tại phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nên sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Võ Văn Ly đã xác định ngay cho mình và chọn đi học nghề để sớm có được việc làm, phụ giúp gia đình. Sau mấy năm học tại Trường Cao đẳng nghề số 5, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, Võ Văn Ly được tuyển dụng vào làm công nhân cơ điện của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Miền Trung.

Với đức tính siêng năng, tỉ mỉ, anh Võ Văn Ly không chỉ sớm làm quen và thành thạo việc điều khiển các hệ thống, kỹ thuật điện, mà còn nắm khá chắc quy trình sản xuất, phát hiện những bất hợp lý trong quá trình vận hành máy móc. Nhưng do mới nhận công việc, anh Ly không dám mạnh dạn đề xuất cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm được thời gian và nâng cao năng suất lao động.

Nhưng do xuất phát từ đặc điểm, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty là chế biến thủy sản và thức ăn chăn nuôi tôm, cá; hệ thống máy móc nhiều, công nhân trong công ty vận hành vất vả, mất an toàn lao động và hiệu quả, năng suất lao động không cao. Vì thế, anh Ly chủ động nghiên cứu tài liệu và tiếp tục theo dõi hoạt động của máy móc thiết bị nhằm cải tiến máy móc kỹ thuật.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Ly cho biết “Là một công nhân cơ điện, trong những năm công tác tại đơn vị bản thân luôn ý thức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong khi làm bất cứ việc gì, dù trong cuộc sống hàng ngày hay trong công việc, tôi luôn suy nghĩ làm cách nào để hoàn thành công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ở công ty, tôi luôn sâu sát với công việc, các máy móc cũng như con người, nếu mình quan tâm đến nó thì bất cứ sự thay đổi nào của nó mình cũng có thể nhận ra. Nếu các hệ thống lò bị hỏng không sửa chữa kịp thời sẽ đình trệ quá trình sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì thế tôi đều cố gắng suy nghĩ, tìm phương pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, đảm bảo an toàn trong sản xuất…”.

Sáng kiến được đưa vào áp dụng và đạt kết quả cao nhất của anh Võ Văn Ly là sáng kiến "Thiết kế và thi công gia nhiệt cho hệ thống ống dẫn và bể chứa nguyên liệu lỏng".

Về sáng kiến này, anh Ly chia sẻ “Hệ thống bơm nguyên liệu lỏng, để nạp các loại phụ gia lỏng trong công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty đang được sử dụng. Nhưng khi thời tiết sang mùa đông, nguyên liệu này bị cô đặc và vón cục dẫn đến trít đường ống bơm làm chậm khâu nạp nguyên liệu, gây khó khăn cho hệ thống bơm, dẫn đến hỏng động cơ. Quá trình vận hành, công nhân phải thao tác bằng tay để đổ nguyên liệu vào máy, việc làm này gây hao hụt bởi vận chuyển từ bên ngoài vào làm rơi vãi, mặt khác việc nguyên liệu lỏng rất trơn nên trong quá trình vận chuyển rất dễ trượt ngã gây tai nạn lao động”.

“Là một trong những người trực tiếp vận hành hệ thống này, nắm bắt được những đặc điểm đó, tôi đã tính toán và thiết kế đường ống dẫn nhiệt tận dụng từ hệ thống tách nước ngưng tại bình góp lò hơi để dẫn vào bên trong bể chứa, đồng thời lắp đặt áo hơi cho hệ thống đường ống dẫn làm cho đường ống dẫn hấp thụ nhiệt và nóng lên tạo điều kiện tốt hơn để nguyên liệu lỏng di chuyển dễ dàng bên trong ống”, anh Ly kể.

Anh Ly kể tiếp “Sau khai tôi đề xuất sáng kiến, công ty đã cho thử nghiệm và kết quả rất khả quan. Khi vận hành cho thấy những ưu điểm rõ rệt như: Không còn tình trạng hao hụt nguyên liệu lỏng; nguyên liệu được gia nhiệt lỏng hoàn toàn, thao tác vận hành của công nhân sản xuất đơn giản và an toàn; chất lượng sản phẩm ổn định hơn, do ống dẫn được hấp thụ nhiệt và nóng lên tạo điều kiện tốt hơn để nguyên liệu lỏng di chuyển dễ dàng trong ống. Từ đó thao tác vận hành của công nhân sản xuất đơn giản và an toàn, thời gian cho công đoạn nạp liệu lỏng rút ngắn nhờ quá trình bơm thuận lợi. Sáng kiến của tôi đã làm lợi cho công ty 200 triệu đồng/năm”.

Chia sẻ về những cải tiến kỹ thuật khác, anh Ly cho biết: “Vào năm 2012, do tình hình nguyên liệu đầu vào biến động tăng về giá. Để duy trì ổn định sản xuất, công ty đã tìm kiếm giải pháp thay đổi cơ cấu nguyên liệu để không gây biến động về giá thành, trong cơ cấu thay đổi đó có nguyên liệu là bánh dầu. Đây là loại nguyên liệu có giá cả phù hợp nhưng tính chất khô và cứng. Vì vậy, khi đưa vào sản xuất công nhân phải dùng búa đập ra thành những mảnh nhỏ trước khi cho vào máy. Cách làm này mất rất nhiều công sức, thời gian, với số lượng rất ít nên không thể sản xuất lớn được”.

“Thấy cách làm đó rất vất vả cho anh em và năng suất của công ty cũng không được là bao, tôi đã suy nghĩ phải tìm cách gì giải phóng sức lao động anh em và tôi đã suy nghĩ, tìm tòi thiết kế, chế tạo thành công “Máy đập, bẻ bánh dầu””, anh Ly chia sẻ.

Ưu điểm của máy là đập, bẻ bánh dầu là mịn nhỏ và đều hơn, giải phóng một lượng rất lớn sức lao động của công nhân, cùng với đó vị trí của máy được lắp đặt ngay phễu nạp liệu nên không bị rơi vãi, hao hụt nguyên liệu. Với thao tác vận hành đơn giản và an toàn bởi được vận hành bằng hệ thống điều khiển tự động. Sáng kiến trên đã làm lợi cho công ty số tiền 135 triệu đồng/năm.

Kể tiếp về những cải tiến của mình, anh Ly cho biết “năm 2014, do nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường nên công ty phải đầu tư thêm thiết bị để ngoài sản xuất thức ăn thủy sản thì sản xuất thêm thức ăn gia súc. Nhận thấy, công ty đã có sẵn hệ thống máy móc thiết bị nhưng nhiều khi không sử dụng. Vì vậy, anh Ly đã đề xuất với lãnh đạo công ty, không phải mua sắm thêm thiết bị mà dùng thiết bị sẵn có để cải tiến sử dụng sản xuất song song. Với tài sáng tạo của anh, công ty đã tiết kiệm 180 triệu đồng tiền đầu tư máy móc, mà sản xuất vẫn hiệu quả, vận hành cũng thuận tiện và nhanh chóng hơn. Nhờ đó, mà năng năng suất lao động và thu nhập cho công nhân cao hơn…

Ngoài những sáng kiến kể trên, anh Võ Văn Ly còn là chủ nhân của sáng kiến "Thiết kế, gia công và lắp đặt hệ thống băng tải và cân tự động", "Thiết kế và thi công hệ thống áo dầu sản phẩm" và  là đồng tác giả nhiều giải pháp khác ứng dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất  như : “Cải tiến các đường dẫn liệu từ các gàu múc đến các thùng chứa hợp lý hơn”; "Sửa chữa hệ thống cân điện tử 80 tấn”… Với những cải tiến kỹ thuật đó mà anh Võ Văn Ly đã làm lợi cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Miền Trung hàng trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, với kinh nghiệm nhiều năm, anh Ly còn được lãnh đạo công ty tin tưởng, phân công hướng dẫn về quy trình sản xuất và thực hành thực tế máy móc thiết bị. Trong 5 năm qua bản thân đã tham gia đào tạo nâng bậc thợ cho 87 lượt công nhân trong công ty.

Khi hỏi anh về động lực nào để anh có nhiều sáng kiến hay như thế, anh Ly nói rằng, mỗi một sáng kiến là một ý tưởng của anh khi mày mò, tìm hiểu các quy trình hoạt động, quy trình sản xuất. “Vì yêu công việc nên mình muốn nó tốt hơn, thuận tiện hơn mà thôi”, anh Ly bộc bạch.

Với những nỗ lực sáng tạo không ngừng trong nhiều năm qua, anh Võ Văn Ly liên tục được công nhận danh hiệu lao động giỏi của công ty. Anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2013 anh vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh về những sáng tạo của mình. Năm 2015, anh là cá nhân tiêu biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX./

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực