Nữ công nhân khai thác mủ cao su có nhiều sáng kiến

Thứ sáu, 20/05/2016 23:01
(ĐCSVN) – Gắn bó với nghề khai thác mủ cao su trong 28 năm, chị Võ Thị Hà, sinh năm 1970, công nhân Nông trường 2, Công ty TNHH Cao su Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho ngành Cao su Việt Nam. Các sáng kiến của chị đã góp phần làm lợi cho nông trường mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Nói đến công việc cạo mủ cao su, có lẽ nhiều người nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ, cần cù là thành công. Nhưng khi trò chuyện với chị Võ Thị Hà, lắng nghe chia sẻ của chị, chúng ta mới hiểu rằng, nghề cạo mủ cao su, không chỉ bằng bàn tay khéo léo, sự cần cù, chăm chỉ, mà người công nhân cạo mủ còn cần linh hoạt, tâm huyết và sáng tạo không ngừng.

Kể về duyên với nghề cạo mủ cao su, chị Hà chia sẻ “Chị sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Năm 1981, lúc đó mới 11 tuổi chị đã theo gia đình vào huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước để làm kinh tế mới. Khi đó, dù vẫn còn đi học nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, chị lại được cha mẹ cho ra vườn cao su để phụ giúp những công việc lặt vặt như lật chén, trút mủ, rửa thùng… Do chăm chỉ làm việc, đến năm 1989, chị được Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh nhận vào làm công nhân khai thác ở Nông trường 2”.

Chị Võ Thị Hà tại vườn cao su đang khai thác - Ảnh: Đức Trọng

Chị Hà cho biết, nhờ những lần theo phụ cha mẹ ở trong vườn cao su, những kiến thức như bón phân, phun thuốc, làm vệ sinh vườn cây được chị đã làm rất thành thạo và từ đó gắn bó với nghề cạo mủ cao su lúc nào không hay.

Tâm sự về nghề, chị Hà cho biết, trong suốt 28 năm qua, việc thức dậy đi làm từ lúc 3,4 giờ sáng là chuyện bình thường của chị. “Lúc trời mưa to mọi người thì chạy đi tránh mưa, còn những người công nhân cạo mủ cao su thì phải đứng mưa, chăm sóc cho từng giọt mủ cao su không bị ướt, chỉ cần dính nước mưa là mủ cao su hỏng phải bỏ đi”, chị Hà nói.

Cũng trong 28 năm theo nghề cạo mủ cao su, chị chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành cao su. Có thời điểm giá bán không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương công nhân chỉ được tính bằng gạo, ngày công lao động. Nhiều công nhân không bám nổi nghề đã bỏ vườn cây ra ngoài sinh sống. Nhìn vườn cây cao su lớn lên từng ngày, rồi sự động viên của lãnh đạo nông trường, chị Hà đã quyết tâm bám trụ, gắn bó trọn đời với cây cao su.

Theo chị Hà, cây cũng như con người, muốn khỏe mạnh thì phải được chăm sóc đầy đủ. Việc chăm sóc vườn cây cao su trước và trong thời gian khai thác mủ được chị hết sức quan tâm. Việc bón phân, tỉa cành, phun thuốc được chị thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Trong quá trình chăm sóc cây cao su, chị Hà đã tìm ra một quy trình bón phân rất hiệu quả. Cụ thể, qua tìm hiểu và theo sát quá trình phát triển của cây cao su, chị Hà đã biết được thời gian bón phân tốt nhất cho cây cao su được chia làm 2 thời kỳ, thời gian đầu là khoảng thời gian tháng 4-5 khi mùa mưa lớn và thời gian tiếp theo là vào tháng 10 hàng năm, khi cây bắt đầu thay lá. Nhờ kỹ thuật đó mà vườn cây cao su Nông trường 2 giao cho chị chăm sóc luôn khỏe mạnh, cho năng suất cao, sản lượng khai thác mủ cao su của chị luôn đạt và vượt kế hoạch công ty giao.

Không chỉ cần cù, chăm chỉ, vững chuyên môn, chị Hà còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao cho Nông trường 2 và Công ty Cao su Lộc Ninh như: Sáng kiến tiết kiệm vật tư trang bị vườn cây; tận dụng lại kiềng chén từ cây thanh lý để sử dụng lại, tận thu mủ đất; dùng máng che mưa bằng nhựa để ngăn nước mưa không nhỏ vào chén làm hỏng mủ cao su… Các sáng kiến của chị đã góp phần làm lợi cho nông trường mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Có tay nghề giỏi lại tâm huyết với nghề, chị Hà được Ban giám đốc Nông trường 2 tin tưởng giao phụ trách lớp đào tạo, bồi dưỡng công nhân cạo mủ mới vào nghề. Với cách truyền đạt kỹ thuật cạo mủ trực tiếp trên từng miếng cạo thực tế nên công nhân tiếp thu và thực hành khá nhanh trong quá trình học. Chị Hà chia sẻ “Đến nay, đa số các “học trò” của chị đều vững tay nghề, trở thành những tay cạo giỏi của nông trường”.

Từ những đóng góp cho sản xuất kinh doanh của Công ty Cao su Lộc Ninh, chị Võ Thị Hà đã 13 năm liên tục (2001-2014) được công ty tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Chị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được UBND tỉnh, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng nhiều bằng khen. Mới đây nhất, chị Võ Thị Hà còn vinh dự là 1 trong những đại biểu của ngành Cao su đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, vừa được tổ chức tại Hà Nội./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực