Sức sống ở một vùng biên cương của Tổ quốc

Thứ sáu, 15/04/2016 10:58

(ĐCSVN) - Là cán bộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng được tăng cường về xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) từ những ngày còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với tinh thần "đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", thượng tá Mê Văn Đạt đã không quản ngại khó khăn gian khổ, gắn bó với nhân dân, giúp họ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Đàm Thủy là một xã biên giới của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tập quán, thói quen canh tác hết sức lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào thiếu thốn mọi mặt, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã chiếm hơn 20% (năm 2008).

Những năm trước, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới trở nên hết sức phức tạp, bởi rất đông người dân đi đào quặng dưới chân núi. Đào quặng xong, họ men theo đường mòn sang bên kia biên giới bán. Mải mê khai thác quặng nên bỏ bê đồng ruộng, đất đai hoang hóa, đồi núi vùng biên bị cày xới, thanh niên nghiện ngập, trẻ con bỏ học giữa chừng...

Vì vậy, kẻ xấu đã thường xuyên lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, kích động lôi kéo một số người dân gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Thượng tá Mê Văn Đạt - Ảnh: PC

Cuối năm 2007, khi đang là Trưởng ban Hành chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, Thượng tá Mê Văn Đạt được cấp trên điều động làm cán bộ tăng cường cho xã biên giới Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, để giới thiệu bầu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Nhận quyết định trong tay, với công việc mới, Thượng tá Mê Văn Đạt không khỏi băn khoăn, trăn trở, làm như thế nào để đưa Đàm Thủy thoát ra khỏi những khó khăn, phức tạp.

Lúc anh mới về xã nhận nhiệm vụ, một số cán bộ và đồng bào địa phương chưa ủng hộ anh. Tuy nhiên, với bản lĩnh và kinh nghiệm công tác qua nhiều đơn vị và địa bàn ở khu vực biên giới, thượng tá Mê Văn Đạt nhanh chóng tập trung tìm hiểu, đánh giá tình hình địa bàn.

Ngày mới về Đàm Thủy, thấy trụ sở, các phòng làm việc của Đảng ủy, UBND xã chưa gọn gàng, ngăn nắp, vốn quen với phong cách nhà binh, lại sẵn có lợi thế của một cán bộ tổ chức từng quản lý cả kho công văn tài liệu, thượng tá Mê Văn Đạt đã trực tiếp tập huấn tại chỗ cho cán bộ phụ trách các ban của xã Đàm Thủy tổ chức lại giấy tờ, văn bản khoa học hợp lý hơn.

Cùng với việc tổ chức, sắp xếp, phân loại, văn bản, giấy tờ dễ lấy, dễ tìm, thượng tá Mê Văn Đạt đã chủ động lựa chọn, đề xuất với Đảng ủy xã và cấp ủy cấp trên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ; cử cán bộ xã đi đào tạo. Qua nhiều năm lựa chọn, bồi dưỡng, gửi đi đào tạo, đến nay đội ngũ cán bộ xã đã được biên chế đủ theo quy định, trong đó có 40% có trình độ cao đẳng, đại học.

Khi tình hình tổ chức đã dần ổn định, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thượng tá Mê Văn Đạt đã đề xuất với Đảng ủy tập trung vào việc ổn định đời sống nhân dân, động viên bà con sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thượng tá Đạt đã trực tiếp cùng thường trực UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sát với tình hình thực tế của địa phương để đưa các loại giống cây trồng, giống mới có năng suất cao cho nhân dân đưa vào sản xuất.

Để nhân dân tin tưởng, làm theo, thượng tá Đạt đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện mở các tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và chăn nuôi các cây, con, giống mới cho đồng bào. Đặc biệt, thượng tá Đạt liên hệ với Công ty giống cây trồng tỉnh Cao Bằng để xin ứng giống lạc về địa phương trồng thử. Đồng thời, anh trực tiếp đến ruộng đồng tham gia sản xuất cùng đồng bào và cam kết nếu thu hoạch thấp hơn so với cây giống cũ sẵn sàng đền bù cho đồng bào.

Những tìm tòi, thử nghiệm của các anh đã cho kết quả tốt, vụ lạc đầu tiên bội thu, dân tin lời cán bộ hơn. Để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thượng tá Đạt đã bàn bạc, đề nghị đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng với phương châm thực hiện Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu, ngày công và tổ chức xây dựng. Nhờ đó, xã Đàm Thủy đã kiên cố hóa được 9 kênh mương, xây được 2 đập nước, làm được gần 1,7 km đường mương… Vì thế, từ chỗ chỉ làm một vụ lúa mùa, bà con trong xã đã trồng cấy thêm vụ đông xuân, phát triển thêm đàn gia súc, gia cầm. Tiếp đó, thượng tá Đạt cùng tập thể bàn bạc, lập dự án san nền, làm hơn 150 ki-ốt bán hàng để bà con buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Từ các việc làm hết sức thiết thực, cụ thể, đồng bào đã tin tưởng và làm theo; đời sống của nhân dân địa phương được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, từ 23% năm 2007, xuống 3% năm 2014.

Khi kinh tế địa phương đang dần phát triển, để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thượng tá Đạt đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an huyện Trùng Khánh và Đồn Biên phòng Đàm Thủy tổ chức những đợt phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với Ngày hội Biên phòng toàn dân ở các xóm trong địa bàn xã, nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân, qua đó thúc đẩy phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật thôn bản biên giới.

Cho đến nay, Đàm Thủy đã thành lập và duy trì được 18 ban an ninh tự quản, 78 tổ liên gia và dòng họ tự quản, hướng dẫn xây dựng quy ước an ninh cho các thôn xóm. Vì thế, các vụ việc xảy trong xã ra đều được phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ cơ sở; đồng thời, nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm hơn trong bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho các lực lượng chức năng. Vì thế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, thượng tá Mê Văn Đạt tâm sự “để có được những kết quả trên, tôi đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương dựa vào các tổ chức đoàn thể, xã hội và nhân dân, nhất là những người có uy tín trong các thôn, xóm; đồng thời thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình trong nhân dân, đánh giá đúng thực trạng, thường xuyên lắng nghe tâm tư của bà con và phân tích để đồng bào hiểu, đồng thời chứng tỏ cho bà con tin bằng những công việc cụ thể, thiết thực hàng ngày. Bên cạnh đó, tôi luôn xác định phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, với công việc, bình tĩnh, kiên trì trước mọi tình huống, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; tích cực bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã đủ sức đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Với sự nỗ lực, phấn đấu trong nhiều năm qua, Thượng tá Mê Văn Đạt đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Cao Bằng tặng nhiều Bằng khen… Mới đây nhất, Thượng tá Mê Văn Đạt còn vinh dự là 1 trong những đại biểu của lực lượng vũ trang đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, vừa được tổ chức tại Hà Nội./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực