Thành tích ngưỡng mộ của 3 nhà khoa học trẻ

Chủ nhật, 26/02/2023 20:40
(ĐCSVN) - 3 đề cử lĩnh vực Nghiên cứu khoa học - sáng tạo của giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 đều là các nhà khoa học sở hữu bằng sáng chế, công trình khoa học được công bố trên tạp chí uy tín.

Tiến sĩ Lê Thị Phương, nghiên cứu viên Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nữ Tiến sĩ sinh năm 1988 được biết đến là chủ nhiệm đề tài của các dự án khoa học cấp bộ, cấp Viện Hàn lâm và tham gia thực hiện 2 đề tài hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Không thể không nhắc đến Nghiên cứu điều chế hệ hydrogel tiêm tại chỗ dựa trên phản ứng "click chemistry" giữa gelatin và cyclodextrin nhằm tăng cường khả năng nhả chậm thuốc đặc trị, hỗ trợ trong tái tạo mô và điều trị ung thư. Đề tài đã nghiệm thu thành công với sản phẩm là 1 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế (Q2); Điều chế và đánh giá các hệ phân phối thuốc nhắm đích trên cơ sở hyaluronic axít để tăng cường liệu pháp điều trị ung thư. Kết quả thu được từ đề tài hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh gây tử vong cao hiện nay trên thế giới.

Tiến sĩ Lê Thị Phương.

Ngoài sở hữu 3 bằng sáng chế đăng ký tại Hàn Quốc, nhà khoa học nữ này có 2 bằng sáng chế quốc tế đăng ký tại Mỹ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Cụ thể là: Injectable Tissue Adhesive Hydrogel including Gamma-cyclodextrin and Biomedical Use Thereof, (2021): Hiện nay, fibrin glue đang được sử dụng như 1 loại hydrogel kết dính sinh học được sử dụng rộng rãi trong phẫu thuật để cầm máu, làm lành vết thương). Sáng chế giúp tăng độ kết dính của hydrogel từ 5-15 lần so với fibrin glue. 

Method for Immobilization of heparin and NO generating catalyst and Surface-Modified Cardiovascular Device Using the Same (2020): Phát triển phương pháp mới để biến tính bề mặt các thiết bị hỗ trợ bệnh tim mạch, từ đó làm giảm nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu hay xảy ra trong quá trình điều trị bệnh. Ưu điểm vượt trội so với các phương pháp hiện nay là thời gian phản ứng nhanh (4 giờ), điều kiện phản ứng ôn hòa (37 oC, không sử dụng dung môi hữu cơ), đặc biệt có thể áp dụng cho nhiều loại vật liệu bề mặt khác nhau (kim loại, polymer, composite). 

Hiện, Tiến sĩ Phương có 28 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế: 21 bài báo thuộc danh mục Q1 (9 bài tác giả chính), 6 bài danh mục Q2 (3 bài tác giả chính, 1 bài tác giả liên hệ), 1 bài danh mục Q4/Scopus (danh sách đính kèm). Các bài báo đứng tên tác giả chính đa số được xuất bản trên các tạp chí uy tín chuyên ngành và có chỉ số IF, trích dẫn cao.

Giành giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2022, bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phương còn được ghi nhận bởi nhiều tổ chức nước ngoài như: "Woman Scientist Award," của Hiệp hội vật liệu sinh học Hàn Quốc (2021) dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu ấn tượng nhất trong năm; "Excellent Paper Presentation Award" của Hiệp hội kỹ thuật hóa học và công nghiệp Hàn Quốc (2018), (2020) dành cho người báo cáo, thuyết trình ấn tượng nhất. Trước đó là "Best poster award" của Hiệp hội vật liệu sinh học Hàn Quốc (2016) cho poster có nội dung nghiên cứu hay và ấn tượng; "Best paper award" của Khoa Khoa học và Công nghệ phân tử, Đại học Ajou, Suwon, Hàn Quốc (2017) cho sinh viên có bài báo được xuất bản trên tạp chí uy tín cao (IF > 7); "Best poster prize" của Hội nghị quốc tế cho vật liệu mới chăm sóc sức khỏe (2018)

Tiến sĩ Chu Đức Hà, giảng viên Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tiến sĩ Chu Đức Hà.

Là tác giả 5 giống lúa gạo ứng phó biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia, 1 sở hữu trí tuệ (đã có chấp nhận đơn), Tiến sĩ Chu Đức Hà còn là tác giả của 163 công bố khoa học, gồm 26 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín quốc tế (thuộc danh mục WoS/Scopus) và 137 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín trong nước (thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh).

Riêng năm 2022, với sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Hà đã gặt hái một số thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật như: công bố 30 công trình khoa học, trong đó bao gồm 5 công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus và 25 công bố trong nước trên các tạp chí uy tín trong nước (thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh); chủ nhiệm 2 đề tài cấp cơ sở trường Đại học Công nghệ năm 2021 - 2022; đồng tác giả của 1 sở hữu trí tuệ (đã có chấp nhận đơn).

Với vai trò là giảng viên, người thầy giáo sinh năm 1988 còn tham gia hướng dẫn học sinh đoạt giải Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2021 - 2022; Hướng dẫn nhóm khởi nghiệp ý tưởng sáng tạo đoạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo của Trường Đại học Công nghệ và giải Nhất cuộc thi Ý tưởng Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022.

Năm 2022 vừa qua cũng là năm thành công của gương mặt trẻ này với nhiều giải thưởng như: Quả cầu Vàng; Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô; Nhà giáo trẻ tiêu biểu Trung ương; Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ, Dược sĩ Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, khoa Dược, Đại Học Phenikaa, Hà Nội

Sinh năm 1989, Trương Thanh Tùng được biết đến là người phát minh thuốc điều trị HIV mới được thế giới đánh giá rất cao với tiềm năng thuốc điều trị HIV trong tương lai (đây là công trình được tài trợ bởi quỹ nghiên cứu thuốc HIV toàn cầu uy tín nhất thế giới amfAR dành cho Đại học Harvard và Đại học Aarrhus mà ứng viên là thành viên) và phương pháp tổng hợp thuốc “xanh”, bảo vệ môi trường được chủ biên tạp chí và phản biện đánh giá rất cao. Phương pháp này giúp tăng hiệu suất của phản ứng tổng hợp thuốc và thân thiện với môi trường.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng  

Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, khoa Dược, Đại Học Phenikaa cùng các cộng sự là đồng tác giả bằng sáng chế quốc tế về các chất điều trị ung thư trúng đích, đã được bảo hộ toàn cầu. Kết quả của nghiên cứu đang được phát triển thành các thuốc “Make in Vietnam”.

Tùng đã có 40 công trình khoa học được công bố trên tạp chí uy tín, trong đó 32 bài báo đã đăng trên các tạp chí khoa học ISI uy tín quốc tế, 4 công bố trên hội nghị quốc tế và 04 công trình trong nước. Được biết, trong 32 bài báo có 19 bài thuộc danh mục Q1 (14 bài là tác giả chính), 02 bài báo thuộc danh mục Q2 (01 bài là tác giả chính), tác giả chính 02 bài báo thuộc danh mục Q3 và tác giả chính 01 bài thuộc danh mục Q4.

Từng là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng và giành giải thưởng Quả cầu Vàng Khoa học công nghệ năm 2021. Năm 2022, Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô Hà Nội được hội đồng quốc tế bầu là thành viên chính thức của Hiệp hội khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi 2022 (Hiệp hội khoa học uy tín và lâu đời nhất trên thế giới trụ sở tại Mỹ, hoạt động từ năm 1886 với 200 thành viên đã được giải Nobel, thành viên hiệp hội được bầu trực tiếp bởi hội đồng hiệp hội). Tiến sĩ Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên tại Việt Nam được bầu trực tiếp năm 2022. Cùng năm, từ 2000 hồ sơ toàn cầu vòng 1, 130 hồ sơ vòng 2 Trương Thanh Tùng được bầu chọn là 01 trong 28 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới trở thành thành viên ban cố vấn quốc tế cho tạp chí khoa học quốc tế ISI uy tín Bioorganic & Medicinal Chemistry.  

Theo ban tổ chức, năm nay, cùng với lĩnh vực Học tập, lĩnh vực Nghiên cứu khoa học - sáng tạo có nhiều ứng viên xuất sắc nên phải mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ và cân nhắc lựa chọn. Trong khi đó, hồ sơ ứng viên lĩnh vực Quản lý hành chính lại chưa thực sự có gương mặt nổi trội nên ban tổ chức đã quyết định bỏ trống lĩnh vực này, tăng chỉ tiêu cho 2 lĩnh vực kể trên mỗi lĩnh vực 03 ứng viên, thay vì 02 ứng viên như quy định.

Hệ thống bình chọn trực tuyến các đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 được kích hoạt trên 10 cơ quan báo chí và một số website của các tỉnh, thành Đoàn từ ngày 15/02 đến ngày 04/3 với một hệ thống bình chọn duy nhất tại địa chỉ: www.tainangtrevietnam.vn. Kết quả bình chọn có ý nghĩa tham khảo cho Hội đồng xét tặng giải thưởng để bỏ phiếu chọn ra 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022.

 

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực