24 vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp Quốc hội

Thứ tư, 17/08/2022 16:10
(ĐCSVN) - Nội quy kỳ họp Quốc hội được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể, khoa học, hợp lý những quy trình, thủ tục tại kỳ họp; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp...

Sáng 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

24 vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội cho biết, n
ội quy kỳ họp Quốc hội được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể, khoa học, hợp lý những quy trình, thủ tục tại kỳ họp; trên cơ sở kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp, nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày Tờ trình  

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 24 vấn đề mới. Theo đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham dự kỳ họp, sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp; bổ sung quy định về hình thức phiếu điện tử, quy định về kỳ họp bất thường, quy định thủ tục giới thiệu tại phiên khai mạc và phiên bế mạc; về hình thức làm việc trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến; quy định phân công người trình bày. Bổ sung quy định về quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội; thẩm quyền cho Chủ tọa, người điều hành phiên họp toàn thể; quy định về chất vấn; hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử; trách nhiệm cơ quan chủ trì thẩm tra đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, giải trình ý kiến ở Tổ.

Dự thảo quy định cụ thể hơn nghi thức tuyên thệ, bổ sung trình tự xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, quy định rõ quy trình, thủ tục ban hành Nghị quyết kỳ họp; bổ sung quy định về việc xem xét, quyết định hoặc điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư và các luật khác; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của các luật có liên quan…

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau gồm: thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể (Điều 16); vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp (Điều 16); tranh luận, chất vấn lại (Điều 17); biểu quyết tại phiên họp toàn thể (Điều 18); quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 2 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội (Điều 50).

Làm rõ khái niệm “tranh luận”, “chất vấn”, “chất vấn lại”

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; với 4 mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nội quy kỳ họp được nêu trong Tờ trình của Ban soạn thảo. Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 24 vấn đề mới cũng đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ban soạn thảo đề ra; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Ban soạn thảo về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp 

Về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định tại điểm a khoản 2, Điều 7 đã ghi nhận nội dung cải tiến, đổi mới trong gửi tài liệu phục vụ kỳ họp được thực hiện có hiệu quả từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay (tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước). Tuy nhiên, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc tiếp tục thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 73 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để việc tra cứu, sử dụng tài liệu cần đối chiếu, viện dẫn của đại biểu Quốc hội được hiệu quả hơn. Theo đó, loại trừ việc gửi tài liệu bằng bản điện tử đối với tờ trình, dự thảo văn bản và báo cáo thẩm tra về dự án luật, dự thảo nghị quyết, thay vào đó thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, làm rõ khái niệm “tranh luận”, “chất vấn”, “chất vấn lại” để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bổ sung quy định đầy đủ và cụ thể hơn về việc tổ chức các phiên họp, cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội. Quy định cụ thể hơn các hình thức phát hành kỷ yếu của kỳ họp Quốc hội. Nghiên cứu cải tiến thủ tục ghi biên bản kỳ họp. Tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo Nội quy kỳ họp với các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, chính xác trong cách sử dụng từ ngữ, cách thể hiện các quy định...

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần cân nhắc việc quy định cho phép tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Bởi hiện chưa làm rõ sự khác nhau giữa chất vấn lại và tranh luận trong hoạt động này, trong khi nội hàm của tranh luận là phát biểu lại về những vấn đề chưa rõ, tương tự như bản chất của hoạt động chất vấn lại. Mặt khác, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) để hai mốc thời gian khác nhau giữa phát biểu tranh luận và chất vấn lại (2 phút và 1 phút). Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên bỏ tranh luận, chỉ giữ chất vấn lại để thực hiện nghiêm túc hơn, tránh tình trạng "chen luận" trong tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần nhấn mạnh và bám sát quan điểm lớn: Bảo đảm tính đầy đủ trong quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật để tiến hành kỳ họp Quốc hội; đồng thời, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hợp lý và hiệu quả; cùng với đó là thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế; phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan hữu quan tại kỳ họp; bám sát định hướng đổi mới, phương thức tổ chức để bảo đảm quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, chuyển trọng tâm từ Quốc hội tham luận sang thảo luận và tranh luận; áp dụng công nghệ thông tin và xây dựng Quốc hội điện tử.

Với tinh thần nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản để bảo đảm tính tương thích, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời gợi ý bổ sung trách nhiệm của Tổng Thư ký Quốc hội và Ban Thư ký tại Kỳ họp để xử lý những việc phát sinh đột xuất.

Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian phát biểu 7 phút là phù hợp, không nên rút ngắn thêm. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần có những quy định để làm sao có nhiều người tham gia phát biểu, nhất là tại những phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. Nếu Quốc hội đồng ý, chủ tọa/người điều hành có thể giảm thời gian phát biểu xuống, nhưng nếu giảm không dưới 5 phút. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý việc dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và Quốc hội, thực hiện phương châm "Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ"; qua đó mở rộng hơn nữa quyền của đại biểu Quốc hội.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong dự thảo Nội quy kỳ họp để bảo đảm văn bản này được ban hành và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.

Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo chỉ đạo tiếp thu đầy đủ, nhất là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội phát biểu khi tiến hành xây dựng dự thảo Nghị quyết để hoàn chỉnh Hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 9/2022), cũng như trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư theo quy trình thông qua tại một Kỳ họp./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực