Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh dịch COVID-19

Thứ ba, 15/12/2020 16:44
(ĐCSVN) - Với quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Với cam kết mạnh mẽ đó, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019). Ngay trong năm đầu thực hiện Kế hoạch tổng thể, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu, nhưng vẫn còn nhiều thách thức to lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.

Quang cảnh Hội thảo. 

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12), ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền các nhóm dễ bị tổn thương và việc triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III trong bối cảnh dịch COVID-19. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội, một số cơ quan nghiên cứu và tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Hội thảo diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 72 năm ngày thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12), nơi ghi dấu những giá trị, khát vọng và mục tiêu chung của nhân loại. Đây cũng là giá trị mà Chính phủ và người dân Việt Nam chia sẻ, phấn đấu và hướng tới kể từ khi Nhà nước Việt Nam hiện đại ra đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện hiện nay, Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; mọi chủ trương, đường lối của Nhà nước Việt Nam đều hướng tới làm cho “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, lấy người dân làm trung tâm, để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của nhân dân. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước, tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân.

 Ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong vòng một năm qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp phải những thách thức hết sức to lớn do dịch COVID-19 gây ra. Nền kinh tế bị suy giảm, thương mại bị đình trệ, hệ thống y tế phải gồng mình chống dịch, số người lao động bị mất hoặc giảm việc làm tăng cao…, việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản bị tác động mạnh, nhất là quyền sống, được bảo đảm sức khỏe.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương. Đến nay, Việt Nam về cơ bản kiểm soát không để dịch COVID-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn quốc, tiến tới trạng thái “bình thường mới”. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt mức 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Quốc hội Việt Nam cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6% trong năm 2021.

Trong ứng phó với dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú ý bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, kịp thời thông qua các biện pháp như các gói hỗ trợ an sinh xã hội, với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD) để hỗ trợ hơn 20 triệu người thuộc nhóm người nghèo, người khuyết tật, người già, người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc bị giảm thu nhập… nhanh chóng ổn định cuộc sống. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã liên tục có những chuyến bay hỗ trợ người dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi… có nhu cầu hồi hương về nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các nước, các đối tác quốc tế, khu vực trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Một trong những sáng kiến của Việt Nam là đề xuất thành lập Ngày thế giới sẵn sàng chống dịch bệnh (27/12) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận ngày 7/12 vừa qua, với 107 nước đồng bảo trợ. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, cá nhân kỷ niệm Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống dịch bệnh, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Thúc đẩy việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận

Năm nay là năm thứ hai Việt Nam triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện về việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III vào cuối năm 2021 và Báo cáo UPR chu kỳ IV vào đầu năm 2024.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay và dự báo những tác động lâu dài của dịch bệnh này trong thời gian tới, tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo, nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ hơn bức tranh tổng thế về những khó khăn, thách thức đặt ra cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục phát huy trong thời gian tới, qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện đúng hạn, đầy đủ các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: A.N

Trình bày tham luận về “Đóng góp của các tổ chức phi chính phủ trong thúc đẩy, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em trong đại dịch COVID-19”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã nêu một số đề xuất để thúc đẩy vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), bao gồm: (1) Công nhận chính thức vai trò của NGOs như các đối tác phát triển: Xây dựng một khuôn khổ cho sự tham gia, đóng góp và hợp tác với các NGOs; Tạo môi trường thuận lợi cho các NGOs địa phương tiếp cận và huy động nguồn lực từ các nguồn đa dạng để phát triển; Tăng cường vai trò và năng lực của NGOs và đầu tư vào quan hệ đối tác ở mọi giai đoạn lập kế hoạch chu kỳ, tham vấn, thực hiện, giám sát và đánh giá. (2) Tăng cường sự tham gia giám sát, đóng góp cho báo cáo từ các tổ chức xã hội, tổ chức của công dân, tổ chức NGOs trong nước và quốc tế, công nhận các số liệu do công dân cung cấp. (3) Hỗ trợ, tạo điều kiện, phối hợp cùng NGOs thực hiện các chương trình, dự án, sáng kiến của NGOs trong phòng chống COVID-19, bảo vệ trẻ em và phụ nữ nói riêng và thúc đẩy Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương nói chung. (4) Phát triển Mô hình đối tác tính hợp sự tham gia của Nhà nước – NGOs – Doanh nghiệp – Cộng đồng vào phòng chống COVID-19. (5) Hỗ trợ các Mạng lưới đối tác NGOs cung cấp dịch vụ toàn diện.

Tại Hội thảo, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam và Đồng Chủ trì nhóm công tác của Liên hợp quốc về Quản trị và Công lý – bà Caitlin Wiesen đã chỉ ra mối liên hệ giữa COVID-19 và UPR. Qua đó, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục coi quyền con người và nhân phẩm là trọng tâm của mọi hành động; tiếp tục tập trung thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các quy trình về công ước quốc tế về nhân quyền (như là UPR, ICCPR, CRPD, CAT…); áp dụng các bài học kinh nghiệm từ ứng phó đại dịch COVID-19 vào việc thực hiện các khuyến nghị UPR để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn./.

Tin, ảnh: Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực