Tại họp báo, thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố các Lệnh về việc công bố 8 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, bao gồm: Luật Giá, Luật Phòng thủ dân sự; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
|
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TH. |
Nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia
Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực từ 1/7/2024.
Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Luật quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3; trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; các hành vi bị nghiêm cấm; vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Đồng thời, Luật quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.
Xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững
Giới thiệu những điểm mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, Luật Hợp tác xã năm 2023 gồm 12 chương, 115 điều, được sửa đổi, bổ sung toàn diện tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: TT. |
Luật đã bổ sung quy định quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia mang tính đặc thù.
Luật trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác, ông Phương nêu điểm mới tiếp theo.
Điểm mới nữa là Luật quy định tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên chính thức lên 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, 40% vốn điều lệ với liên hiệp hợp tác xã; thành viên có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, thông qua hợp đồng mà không phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tập trung đất đai từ thành viên, hình thành sản xuất quy mô lớn.
Luật có hiệu lực từ 1/7/2024.
Tăng tính tự chủ của các cơ sở y tế công lập trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế
Luật Đấu thầu gồm 10 chương, 96 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Luật Đấu thầu đã dành dành một chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế.
Cụ thể là giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ.
Cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Bên cạnh đó, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua như: Bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (“mô hình máy đặt, máy mượn”); hoàn thiện quy định ưu đãi thuốc cho sản xuất trong nước; quy định thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân…
Bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TH. |
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân gồm 2 điều, bổ sung quy định cụ thể 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng công an thành phố thuộc Công an thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Luật sửa đổi hướng tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 90 ngày
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Luật bổ sung giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, là một trong những giấy tờ xuất, nhập cảnh; bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất, nhập cảnh và bổ sung quy định “Thông tin khác do Chính phủ quy định” để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ; bỏ quy định thời hạn còn lại của hộ chiếu từ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh để tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh…
Bên cạnh đó, nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 1 năm để đảm bảo thống nhất; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật…
Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý, điều hành giá
Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Luật quy định rõ phạm vi điều chỉnh, xác định rõ quan hệ giữa Luật Giá với các luật có quy định về giá để khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành.
Về công tác định giá, Luật đã thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác quản lý, điều hành giá. Công tác bình ổn giá được củng cố kiện toàn phù hợp với thực tế hiện nay. Việc hiệp thương giá được xác định là cơ chế thỏa thuận về giá hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và có vai trò trung gian, trọng tài của nhà nước...
Đáng chú ý, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường đã được thể chế hóa cụ thể tại một chương của luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ. Các hoạt động về tổng hợp thông tin giá cả thị trường, phân tích, đánh giá và dự báo kịp thời sẽ đảm bảo phục vụ tốt cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát trong các thời kỳ…
Phát triển giao dịch điện tử toàn diện
Luật Giao dịch điện tử năm 2023 gồm 8 chương, 53 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật có những điểm mới liên quan đến phạm vi điều chỉnh, khái niệm, hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử./.