Đa dạng các hoạt động văn hóa dịp Tết Nguyên đán tại nhiều địa phương trên cả nước

Thứ tư, 25/01/2023 15:55
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đón chào Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ được tổ chức tại các di tích ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, góp phần tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
leftcenterrightdel
 Hát quan họ trên thuyền tại Hội Phật Tích. (Ảnh: TTXVN)
*Ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết) đã diễn ra Lễ hội Khán hoa mẫu đơn (hay còn gọi là hội Phật Tích) tại chùa Phật Tích (xã Phật Tích - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh). Sau nhiều năm không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến lễ Phật,  du Xuân, trảy hội.

Hội Khán hoa mẫu đơn được tổ chức từ ngày 4 - 5 tháng Giêng, trong đó ngày mùng 4 là chính hội nhưng ngay từ những ngày mùng 1 Tết đã thu hút đông đảo du khách đến chùa thắp hương, lễ Phật. 

Ông Phạm Tiến Tập, Phó Chủ tịch UBND xã Phật tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Phó ban tổ chức lễ hội chùa Phật Tích cho biết: Đây là lễ hội dân gian của địa phương. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng do nhà chùa và hội Phật tử thực hiện, tổ chức Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, Phật tử vào tối 26/1 (mùng 5 tháng Giêng). Phần hội gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại trung tâm lễ hội. Đặc biệt, theo đặc trưng của lễ hội vùng Kinh Bắc- Bắc Ninh, Ban tổ chức tổ chức hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh dưới thuyền, biểu diễn hoạt động văn nghệ trên sân khấu.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức hướng dẫn du khách về lễ hội tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa bảo đảm đúng phong tục truyền thống và các quy định. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, Ban tổ chức đã phát túi đựng rác cho các hộ kinh doanh và đề nghị các hộ kinh doanh ký cam kết không xả rác ra môi trường. Trong không gian lễ hội được đặt hàng chục thùng rác di động phục vụ du khách. Phòng Tài chính Kinh tế huyện Tiên Du thường xuyên phối hợp với Đội quản lý thị trường, Phòng Y tế huyện thường xuyên mở các đợt thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm đối với các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá với du khách du Xuân, chơi hội.

Theo ghi nhận, mùa lễ hội năm 2023, sau nhiều năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với thời tiết đẹp, trong ngày 4 tháng Giêng chính hội, lượng du khách đến đông hơn, chật cứng các khu vực lối vào, trước cổng Tam quan, Tam bảo, lối lên đại phật tượng, tháp chuông.

Hội Phật Tích đã tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam, là câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên.

Theo huyền thoại: Xưa kia, vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hàng năm, mỗi khi xuân về hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời. Khắp nơi, người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa; đồng thời cổ vũ động viên nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 1962, chùa Phật Tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến ngày 31/12/2014, chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ 2 nhóm bảo vật quốc gia gồm hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá.

leftcenterrightdel
Quang cảnh chùa Keo ngày khai Hội Xuân 2023. (Ảnh: TTXVN) 

*Ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết), tại Khu di tích lịch sử chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), lễ hội Xuân chùa Keo năm 2023 đã chính thức được khai mạc. Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lễ hội năm nay thu hút sự tham dự của đông đảo người dân địa phương, tín đồ Phật tử và du khách thập phương.

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự, với hai cụm kiến trúc: Chùa thờ Phật và Đền thờ Thánh Dương Không Lộ - vị đại sư thời nhà Lý đã có công xây dựng chùa. Mỗi năm, tại đây có 2 lần mở hội: Hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên đán và Hội mùa Thu (hội chính) từ ngày 13 - 15/9 (âm lịch). Lễ hội là dịp để tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ và những người có công xây dựng chùa.

Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Hiện nay, chùa Keo có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá…

Năm 2012, chùa Keo đã được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. Năm 2017, chùa Keo được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 25/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia. Đến nay, hương án chùa Keo được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.

Chị Hoàng Khánh Phương (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) cho biết, sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay gia đình chị tiếp tục về Thái Bình tham dự lễ hội mùa xuân chùa Keo. Đây là truyền thống của gia đình chị mỗi dịp Tết đến xuân về, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, an lành đến mọi người mọi nhà. 

Tại lễ hội Xuân chùa Keo năm 2023 có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa như lễ dâng hương đền Thánh; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.

leftcenterrightdel
 Người dân phường Đồng Kỵ đưa pháo từ Nhà truyền thống ra sân để chuẩn bị cho Lễ rước pháo. Ảnh: Thái Hùng-TTXVN

*Ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết Quý Mão 2023), người dân làng Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cùng hàng nghìn du khách thập phương nô nức mở Lễ hội rước pháo.

Theo đại diện Ban Tổ chức, Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ gồm 2 phần chính gồm: Rước pháo và rước Ông đám với các nghi thức truyền thống, trang trọng. Hai quả pháo trong lễ rước được làm tượng trưng bằng gỗ và sơn son thếp vàng, trong đó pháo Nhất dài 6m, pháo Nhì dài 5,8m, với đường kính hơn 1m.

Đặc biệt, thân pháo được chạm khắc hình Long - Lân - Quy - Phụng với mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa. Mỗi quả pháo được trang trí với một đầu hình ngôi sao và một đầu hình trống đồng, nặng gần 1 tấn. 

Mỗi quả pháo được thanh niên trong làng thay nhau khiêng từ Nhà văn hóa truyền thống đến sân đình của làng để làm lễ. Sau mỗi hồi trống, các thanh niên reo hò vang dội “mừng pháo Nhất", "mừng pháo Nhì” tượng trưng cho tiếng pháo, mang đến không khí sôi động cho người dân tham dự lễ hội. 

Để chuẩn bị cho lễ hội rước pháo, người dân Đồng Kỵ đã chuẩn bị trước đó gần 2 tháng với mong muốn tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, mang lại sự tươi vui phấn khởi của người dân Đồng Kỵ mỗi dịp Tết đến Xuân về. 

Anh Nguyễn Văn Hùng, người dân phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cho biết sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay người dân trong phường rất háo hức chờ đón lễ rước pháo. Để được tham gia rước pháo, thanh niên trai tráng trong làng phải đáp ứng các tiêu chí của Ban Tổ chức. Là người được chọn tham dự Lễ rước pháo, anh Hùng cảm thấy rất hạnh phúc và gửi lời chúc năm mới dồi dào sức khỏe, bình an, may mắn đến với mọi người, mọi nhà.

Cùng với Lễ hội rước pháo, Ban Tổ chức Lễ hội còn chú trọng duy trì nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc với các hoạt động sôi nổi như đấu vật dân tộc, chọi gà, hát quan họ, thi đấu cờ tướng... thu hút du khách thập phương tham dự. 

Theo dân gian truyền lại, thời vua Hùng có ông Cương Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cương. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng. Vào ngày mùng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cương chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt, hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp giặc xong, Thiên Cương trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng. Để nhớ ơn Thiên Cương, làng Đồng Kỵ thờ đức Thiên Cương làm thần hoàng làng tại đình và hàng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc.

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Lễ hội kéo dài đến hết mùng 7 Tết./.

PV (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực