Trong phiên thảo luận buổi chiều tại Hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và những thành tựu, dấu ấn nổi bật của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Cùng với những thành tựu, kết quả đạt được, các vị ĐB cũng ghi nhận và đánh giá cao việc các báo cáo đã thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và đề ra các giải pháp khắc phục.
|
Hình ảnh phiên họp ngày 29/3. (Ảnh: QH) |
Xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu rõ, Chính phủ đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; dù phải đối phó với dịch bệnh nhưng tăng trưởng kinh tế của giai đoạn này vẫn cao, trong khi lạm phát chỉ bằng một nửa so với nhiệm kỳ trước. Chính phủ đã nỗ lực cải cách thể chế, trong đó tập trung vào hai mũi giáp công, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử.
Ông Lộc nhấn mạnh, “chúng ta đã xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con, đơn giản hóa, cắt giảm 50 – 60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Trong một số lĩnh vực, 98 – 99% thủ tục hành chính đã được thực hiện trực tuyến. Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền các cấp được cải thiện. Chỉ số cạnh tranh môi trường kinh doanh của nước ta nhờ đó đã tăng lên”.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thương mại, đầu tư được đẩy mạnh, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, đi vào thực hiện không chỉ mở không gian thị trường, mà còn tạo động lực, không gian cho cải cách của nước ta. Bên cạnh những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ của Chính phủ, ĐB Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chỉ ra rằng, chất lượng thể chế và chất lượng tăng trưởng mặc dù được cải thiện nhưng chưa cao. Những quy định về pháp luật kinh doanh còn chồng chéo, cơ chế xin – cho đã giảm nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ thời gian qua, tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, điều này tiềm ẩn nỗi lo về lạm phát cũng như nợ xấu trong tương lai.
“Đối với, thu ngân sách nhà nước vẫn dựa nhiều vào đất đai, tài nguyên, thiếu tính bền vững; Chi ngân sách còn lớn, bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải. Cơ chế huy động sức dân và đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc. Những hạn chế này nếu không khắc phục kịp thời thì hiện tượng quá tải về cơ sở hạ tầng chắc chắn là một trong điểm nghẽn lớn nhất cản trở nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của những năm tới đây”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, ĐB Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điểm chưa đạt được trong nhiệm kỳ này là sự đến nơi đến chốn trong công tác cải cách, đặc biệt là những cải cách quan trọng có những tác động lớn đối với nền kinh tế, chẳng hạn như cải cách về giáo dục đào tạo, đến thời điểm này những nỗ lực về giáo dục đào tạo vẫn đi một cách lưng chừng, có chuyển động về phía trước nhưng kết quả còn hạn chế. Lĩnh vực văn hóa vẫn chưa có sự bứt phá, nếu không nói là có sự thụt lùi...
Về cải cách sắp tới, ĐB đề nghị Chính phủ tập trung vào 3 vấn đề sau: Thứ nhất, tiếp tục giữ vững và phát huy những gì đã làm được của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó đặc biệt là ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và giữ mục tiêu phát triển kép.
Thứ hai, tận dụng những cơ hội từ đại dịch COVID toàn cầu để thúc đẩy nhanh hơn nữa những kết nối, những ngành nghề phục vụ cho con người như giáo dục, y tế, công nghệ, tài chính.
Thứ ba, cần thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ địa phương, trong đó nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, đó chính là xu hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cũng như phát triển thành phố thành trung tâm chăm sóc sức khỏe y tế của cả nước và của khu vực. “Đây là điểm rất quan trọng tạo nên sự đột phá mạnh mẽ không chỉ riêng cho Thành phố mà cho đất nước trong thời gian tới” – ĐB nhấn mạnh.
Phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực
Tán thành với nhiều ĐBQH đã phát biểu, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhìn nhận “Chính phủ nhiệm kỳ này là một chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường với một hình ảnh vị Thủ tướng xông xáo, năng động, lăn lộn vào thực tiễn”.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng, báo cáo sẽ sâu sắc hơn nếu đề cập đến những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức nhân sự, đặc biệt là chất lượng nhân sự của Chính phủ. “Nếu như nói Quốc hội hoạt động có chất lượng tùy thuộc vào chất lượng đại biểu Quốc hội thì vấn đề tiên quyết trong hoạt động của Chính phủ cũng là chất lượng nhân sự của Chính phủ. Chúng ta biết trong nhiệm kỳ này, một vị Bộ trưởng đã bị tống giam, bị kết án do những sai lầm nghiêm trọng từ khi đang còn là Thứ trưởng ở nhiệm kỳ trước, đấy không phải là bài học chăng?” – ông nói.
Vấn đề thứ hai trong báo cáo mà ĐB cho rằng cần phải tổng kết sâu sắc, đó là bài học về tính chủ động, chủ công và tự chủ thể hiện rõ nhất qua việc chống dịch COVID-19 của Chính phủ được nhân dân cả nước hết sức ủng hộ.
Vào nhiệm kỳ tới, ông đề nghị Chính phủ quan tâm 3 vấn đề. Trước hết, tăng cường chất lượng thể chế, đặc biệt là thể chế tổ chức nhân sự, như vừa mới nêu trong bài học về công tác nhân sự. Theo đó, Chính phủ cần phải có đột phá trong tổ chức. “Chúng ta đã cải cách bộ máy hành chính rất nhiều lần nhưng chưa có lần nào có kết quả rõ nét. Nếu như không tổ chức lại bộ máy Chính phủ trong điều kiện công nghệ phát triển thì chúng ta sẽ phải tăng chi phí nguồn lực cho bộ máy rất lớn và không có dư địa để mà tích lũy cho đầu tư phát triển. Cho nên, tôi coi tổ chức bộ máy là khâu đột phá thứ nhất, khâu đột phá kế tiếp đó là nhân sự, là chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là 1 trong 5 cấu thành để mà tác động đến tăng trưởng, trong đó có nhân lực chất lượng cao” - đại biểu nhấn mạnh.
Theo ĐB, Chính phủ cũng cần quan tâm để phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là dân chủ để mà phát huy nguồn nhân lực về trí tuệ, trọng dụng nhân tài. Phát huy dân chủ còn là gây dựng niềm tin để nhân dân yên tâm đầu tư vào kinh tế tư nhân, rồi tham gia vào các hoạt động kinh tế quốc dân khác. Ông cho rằng, nếu như không phát huy dân chủ, chắc chắn là chúng ta sẽ không huy động được nguồn lực xây dựng đất nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn và dư địa về thu ngân sách không còn nhiều.
Cuối cùng, ông đề nghị Chính phủ quan tâm củng cố các quan hệ đạo đức, văn hóa xã hội vốn dĩ xuống cấp rất nghiêm trọng. “Đã nhiều lần tôi đề nghị Chính phủ cần phải rà soát lại các quan hệ đạo đức, văn hóa đã xuống cấp để nâng lên thành các quan hệ pháp luật. Bởi lẽ khi mà đạo đức, văn hóa xuống cấp thì chúng ta không thể dùng đức trị được nữa mà phải dùng pháp trị, tức là dùng biện pháp mạnh mẽ hơn, cứng nhắc hơn để lập lại trật tự đạo đức, văn hóa, xã hội từ trong gia đình, ngoài xã hội cho đến nhà trường” – ông chốt lại phần phát biểu./.