Di sản của cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển

Thứ năm, 02/06/2016 15:38
(ĐCSVN) – Sáng 2/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản của cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển”.


PGS.TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Pierre Schori, Đặc phái viên cao cấp của Thủ tướng Thụy Điển và bà Camilla Melander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. (Ảnh: HNV)

Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị truyền thống từ nhiều thập kỷ qua. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/01/1969 và đã dành cho Việt Nam viện trợ phát triển không hoàn lại. Quan hệ này đã được khơi nguồn từ những phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân. Ngày nay nhiều bạn bè Thụy Điển vẫn lưu giữ những kỷ vật của phong trào nhân dân Thụy Điển ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và tên tuổi của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme được người Việt Nam nhớ đến với sự kính trọng và biết ơn sâu sắc.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tất Giáp khẳng định: Hội thảo là cơ hội hữu ích để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết và chặt chẽ giữa nhân dân, Chính phủ và cộng đồng các nhà khoa học của hai nước. Đây cũng là dịp tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp cao quý của cố Thủ tướng Olof Palme đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam và sự phát triển mối quan hệ hai đất nước. “Di sản mối quan hệ Việt Nam – Thụy Điển được khởi nguồn từ các nhà lãnh đạo và ngoại giao xuất chúng, tràn đầy tinh thần yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, thống nhất, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Với lý tưởng và nhiệt huyết của mình, cố Thủ tướng Olof Palme đã trở thành biểu tượng sáng ngời của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình và phong trào đòan kết quốc tế ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam” – PGS.TS  Nguyễn Tất Giáp nói.

Điểm lại những thành tựu trong hợp tác Việt Nam-Thụy Điển, Đại sứ Camilla Mellander phát biểu nhấn mạnh, hiện nay, mục tiêu của Chính phủ Thụy Điển là tăng cường thương mại với Việt Nam. Thụy Điển có thể mang lại nhiều giải pháp về công nghệ xanh và giải pháp bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam.

Đại sứ cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thụy Điển muốn đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, thể hiện ở rất nhiều đoàn doanh nghiệp Thụy Điển tới Việt Nam trong những năm qua. Các nhà đầu tư Thụy Điển quan tâm tới những lĩnh vực như: giao thông đô thị, y tế, công nghệ sạch, ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông.

Hội thảo thu hút nhiều đại biểu trong nước và quốc tế. (Ảnh: HNV)

Tại Hội thảo, ông Pierre Schori, Đặc phái viên cao cấp của Thủ tướng Thụy Điển đã chia sẻ những thông tin cơ bản nhất về cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng Olof Palme cũng như những đóng góp, vai trò của cố Thủ tướng trong thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Thụy Điển. Theo ông Pierre Schori, chuyến thăm của ông lần này mang thông điệp của Chính phủ Thụy Điển và của cá nhân ngài Thủ tướng đương nhiệm Stefan Löfven về mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Thụy Điển.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Cá nhân tôi không có vinh dự được gặp ngài Olof Palme mà chỉ có dịp nghiêng mình tưởng nhớ ông bên phiến đá đánh dấu nơi ông bị sát hại trên phố Sveasvagen ở Stockholm khi thăm Thụy Điển. Vào khoảnh khắc ấy trong tôi đã trỗi dậy niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn về tất cả những gì ông làm cho đất nước và nhân dân chúng tôi”.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã gửi lời tri ân “Nhớ cố Thủ tướng Olof Palme – người bạn lớn của nhân dân Việt Nam”. Bà cũng khẳng định: “Tôi có ấn tượng sâu sắc về cố Thủ tướng Palme. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, xin gửi đến nhân dân Thụy Điển yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý mà cố Thủ tướng Olof Palme là biểu tượng xứng đáng, những tình cảm kính trọng và lòng biết ơn sâu đậm của tôi và nhân dân Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh “Với lý tưởng và nhiệt huyết của mình, cố Thủ tướng Olof Palme đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của nhân dân thế giới yêu hòa bình và phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”. Cũng theo ông Dũng, Chính phủ Việt Nam coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp đã được Thủ tướng Olof Palme và đông đảo người dân Thụy Điển thuộc “thế hệ Việt Nam” gây dựng và được nhân dân hai nước dầy công vun đắp trong suốt 47 năm qua. Chúng ta có thể tin tưởng vào một tương lai đầy hứa hẹn cho mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. Đó cũng là mong muốn và tầm nhìn về tương lai quan hệ Việt Nam – Thụy Điển của cố Thủ tướng Olof Palme khi sinh thời.

Các đại biểu cũng đã đánh giá cao sự giúp đỡ liên tục, hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, quan hệ hai nước có những bước tiến mới, hướng tới mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn, tập trung trong lĩnh vực dịch vụ y tế, công nghệ sạch, công nghệ thông tin và giao thông vận tải, phù hợp với chiến lược của Việt Nam trong việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời mong muốn sự thiết lập ban đầu mà cố Thủ tướng Olof Palme là người có công lớn sẽ là nền tảng để phát triển quan hệ hai bên một cách bền vững và hiệu quả./.

Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực