Hà Nội: Vấn đề “nóng” về xử lý nước thải, thoát nước được mang ra “mổ xẻ”

Thứ sáu, 09/12/2022 19:16
(ĐCSVN) – Mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng rất nhiều dự án xử lý nước thải, thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội chậm tiến độ. Nội dung này đã được các đại biểu HĐND TP Hà Nội mang ra “mổ xẻ” trong phiên chất vấn nhóm vấn đề gồm công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước, chiều 9/12.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội chất vấn tại kỳ họp. 

 Nhiều dự án liên quan thoát nước chậm tiến độ

Theo nhận định của Thường trực HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện nay, tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thực tiễn vẫn còn nhiều dự án liên quan thoát nước chậm tiến độ. Hiện có 8 dự án chưa triển khai thực hiện, đó là các dự án: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ; xây dựng thoát nước quận Hà Đông; xây dựng công trình đầu mối cấp 1 quận Long Biên; xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Đô; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải An Lạc.

Tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố.

Mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm, như dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trên địa bàn huyện Thanh Trì, có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội.

Dự án này vừa được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện kéo dài tới năm 2025, thay vì năm 2021 như kế hoạch ban đầu. Dự án đang triển khai 4 gói thầu, trong đó, tiến độ thành phần một số hạng mục của các gói thầu rất chậm so với kế hoạch, chỉ đạt từ 19-40%.

HĐND TP Hà Nội nhận định, nếu không được nhanh chóng khắc phục, tháo gỡ, thì chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt từ 50-55% theo các chương trình công tác của Thành ủy sẽ khó mà về đích đúng hẹn.

Tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý mới đạt được 29,1%.

Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND TP nêu vấn đề, theo báo cáo của UBND TP nước thải thu gom xử lý mới đạt 28,8%. Khi hoàn thành dự án xử lý nước thải Yên Xá sẽ nâng khối lượng lên thành 50%.Tuy nhiên, việc triển khai dự án này là rất chậm, trong 8 năm qua, cả 4 gói thầu vẫn đang thi công, trong đó đặc biệt các gói xây lắp 2, 3, 4 là rất chậm trong khi Thủ tướng Chính phủ vừa ra hạn chủ trương đến năm 2025. Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân chậm, kế hoạch, giải pháp cụ thể để hoàn thành dự án này?

Trả lời câu hỏi về tiến độ Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, trách nhiệm thuộc về ai khi dự án bị chậm, ông Hoàng Trọng Tùng, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp cho biết, dự án này được thực hiện từ năm 2013, đến nay, đã trải qua nhiều chủ đầu tư. Ban đầu, dự án thuộc Ban Đầu tư xây dựng hạ tầng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội. Năm 2017, chủ đầu tư là Ban QLDA cấp thoát nước và bảo vệ môi trường, tháng 4/2022 lại chuyển về chủ đầu tư là Ban QLDA hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp.

“Từ khi chúng tôi tiếp quản dự án này đến nay, có nhiều khó khăn. Trong đó, hơn 1 năm, từ cuối 2020 và cả năm 2021, gần như dự án bất động, không giải ngân được đồng nào. Sau khi chúng tôi tiếp quản, được sự tháo gỡ từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội, dự án đã giải ngân được hơn 500 tỷ đồng. Chúng tôi đã tháo gỡ gần như 90% khó khăn vướng mắc, tiến độ cũng rất khả quan”- ông Tùng thông tin. Dù vậy, ông Tùng cũng thừa nhận, trách nhiệm để dự án chậm trễ thuộc về chủ đầu tư và cam kết, dự án sẽ hoàn thành tiến độ vào năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trả lời chất vấn. 

Bổ sung thêm về dự án này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sử dụng vốn ODA nhưng lại bị chậm. Theo tiến độ phải hoàn thành vào năm 2022 nhưng dự án hiện đang vướng mắc và chậm trễ. Khu nhà máy xử lý trung tâm sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023 nhưng nhà máy xong mà hệ thống thu gom, đưa nước thải về chưa xong thì cũng không hoạt động được.

Về tiến độ đầu tư các dự án xử lý nước thải, thoát nước chung trên địa bàn TP Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội nhìn nhận còn chậm. Trong giai đoạn 5 năm trước, các dự án hạ tầng kỹ thuật này chưa được chú trọng đầu tư công vì thành phố cố gắng huy động vốn xã hội hóa theo hình thức BT. Nhưng, khi Luật PPP ra đời, đã chấm dứt đầu tư theo cơ chế BT nên có khoảng "gãy" về cơ chế, buộc phải chuyển sang đầu tư công.

Ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP Hà Nội để cơ bản đạt được chỉ tiêu mà Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra. Nhưng ông Tuấn thừa nhận, tiến độ đầu tư cũng còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách.

Đối với 5 huyện ngoại thành được xác định lên quận vào năm 2025, bên cạnh việc định hướng đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung theo khu vực, lưu vực thì thành phố cũng giao các huyện chủ động nghiên cứu lập đề xuất đầu tư quy hoạch nước thải quy mô vừa và nhỏ.

Về tiến độ xử lý nước thải các khu đô thị mới, khu dân cư mới, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tổng rà soát các nội dung về hạ tầng kỹ thuật cho thoát nước, xử lý nước thải qua đó phân loại để xử lý. Theo lãnh đạo TP Hà Nội, đây là nội dung mới phát sinh, cần một khoảng thời gian vì khối lượng công việc lớn. Theo đó, sớm nhất hết quý 1/2023 mới có thể có bức tranh toàn cảnh về thống kê, rà soát phân loại rồi mới có kế hoạch triển khai.

Về tình hình xử lý nước thải và tiến độ các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đến nay, TP Hà Nội có 6 khu xử lý nước thải, tổng công suất 276.000m3/ngày đêm, vừa qua bổ sung hơn 9.000m3/ngày đêm, tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý mới đạt được 29,1%.

Phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép

Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND TP cũng nêu các khu đô thị đều đã có quy hoạch, thiết kế trạm xử lý nước thải, tuy nhiên, còn thiếu hoặc đã đầu tư nhưng chưa đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, pháp luật về môi trường đã quy định nước thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường, với việc các trạm xử lý chưa được đầu tư, nước thải tại các khu đô thị hiện vẫn xả thẳng ra môi trường.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở TN&MT Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 Thành phố phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỉ đồng.

Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT Mai Trọng Thái trả lời chất vấn. 

Qua quá trình kiểm tra tồn tại một số nguyên nhân chủ yếu là: Theo quy hoạch cấp nước của Thành phố, các khu đô thị sẽ không xây dựng trạm xư lý thải phân tán, sẽ đấu nối vào đầu mối thu gom thoát nước thải và các hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số khu đô thị đã tồn tại từ lâu nên thiếu quy hoạch cho việc bố trí trạm xử lý nước thải trong khu đô thị. Vấn đề này dẫn đến khó khắc phục xử lý hiện trạng xử lý nước thải theo quy định.

Nguyên nhân khác là một số khu đô thị, chủ đầu tư đã hoàn tất xây dựng hạ tầng và đã bàn giao cho người dân, nên việc bố trí kinh phí phát sinh cho việc xử lý nước thải khó thực hiện, do không có trong kế hoạch sử dụng vốn dự án ban đầu. Nguyên nhân khác là do khó khăn giải phóng mặt bằng triển khai theo tiến độ từng giai đoạn dự án, một phần dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư khác.

Vì vậy, có một số khu đô thị có một số giải pháp tạm thời xử lý từng cụm dự án thành dự án riêng lẻ, sau đó mới hoàn tất hạ tầng toàn bộ khu đô thị xây dựng dự án theo kế hoạch tập trung.

Sở TN&MT sẽ báo cáo Thành phố để có các giải pháp cụ thể giải quyết tồn tại trên. Vấn đề này cũng đề nghị giao ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và môi trường đẩy nhanh xây dựng các dự án nước thải tập trung theo quy hoạch và hệ thống thu gom nước thải đảm bảo đấu nối theo quy định.

Đối với dự án tồn tại từ lâu thiếu quy hoạch xây dựng xử lý nước thải, cần khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch và đầu tư các hạng mục xử lý nước thải.

Về giải pháp xử lý nước thải, Sở báo cáo Thành phố để hoàn thiện hộ thống mạng lưới quan trắc giám sát tự động, giám sát chặt chẽ việc xử lý nước thải. Đối với các khu đô thị, cần nghiêm túc hoàn thành các dự án xử lý nước thải tập trung theo dự án phê duyệt./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực