Kinh tế Việt Nam sẵn sàng hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023

Thứ năm, 07/04/2022 08:54
(ĐCSVN) - Sự phục hồi có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao của Việt Nam, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ (ERDP).
Kinh tế Việt Nam sẵn sàng hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023 (Ảnh minh họa: ADB) 

Sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 đã thắt chặt thị trường lao động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến - tăng trưởng chậm lại vào năm 2021. Nền kinh tế đang dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và năm tới, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, cho phép chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, mở rộng thương mại, và tiếp tục chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng. Rủi ro đối với triển vọng là sự xuất hiện của một làn sóng COVID-19 mới và quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn dự kiến. Thách thức về mặt chính sách là đảm bảo thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam

Theo phân tích của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 - Cập nhật tổng quan kinh tế Việt Nam và triển vọng năm 2022-2023 cho thấy, đợt bùng phát COVID-19 mới vào tháng 4/2021 đã cản trở quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt nguồn cung lao động và làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực chế biến chế tạo sử dụng nhiều lao động. Tăng trưởng GDP năm 2021 giảm xuống mức 2,6% từ 2,9% năm 2020.

Sự phục hồi nhanh chóng của sản lượng công nghiệp trong quý I và quý II/2021 đã không đạt được kỳ vọng bởi những hạn chế di chuyển nghiêm ngặt trong do COVID-19, khiến sản lượng trong quý III sụt giảm mạnh. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại vào tháng 10/2021, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, đã giúp tăng trưởng phục hồi, với sản lượng tăng đạt mức 4,0% vào năm 2021.

Tăng trưởng dịch vụ giảm từ 2,3% năm 2020 xuống còn 1,2%. Lượng khách du lịch nước ngoài giảm 96% trong năm 2021 đã được bù đắp một phần bởi sự phục hồi dịch vụ y tế và tài chính trong quý IV. Nông nghiệp tăng trưởng 2,9%, cao hơn so với mức 2,7% trong năm 2020, do nhu cầu lương thực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và các nơi khác tăng trở lại.

Thị trường lao động chịu những cú sốc nghiêm trọng từ cả phía cung và cầu khi nền kinh tế suy yếu và người lao động rời bỏ lực lượng lao động, dẫn tới giảm 2,0 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III so với quý trước. Tiêu dùng cá nhân tăng 2,0% so với mức 0,6% vào năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,4% năm 2019 - trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm đã hạn chế tăng trưởng tiêu dùng cá nhân trong năm 2021.

Tiêu dùng công giảm từ 6,2% năm 2020 xuống còn 2,9% do chính phủ cắt giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư tăng khoảng 4,0%, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa mức tăng trước đại dịch. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 9,2%, nhưng cơ chế phối hợp thiếu chặt chẽ giữa trung ương và địa phương đã khiến giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm lại, giảm 1,2% so với năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đạt kết quả tốt, bất chấp những ảnh hưởng do COVID-19 gây ra.

Lạm phát giảm còn 1,8% năm 2021 từ mức 3,2% năm 2020, do cầu nội địa suy yếu; tỷ lệ lạm phát năm ngoái ở mức thấp nhất kể từ năm 2016. Với lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, giữ nguyên các lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục kể từ tháng 10/2020, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng, và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại. Tổng mức miễn, giảm lãi suất ước tính lên đến 1,5 tỷ đô la. Hoạt động kinh tế phục hồi kể từ tháng 10/2021 đã khôi phục tín dụng tăng cao trong những tháng cuối năm, đưa mức tăng trưởng tín dụng cả năm ước đạt 13,6% so với mức 12,2% năm 2020. Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 10,7% so với 14,5% trong năm 2020.

Rủi ro đối với ổn định tài chính trong năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát, bất chấp tác động của đại dịch về kinh tế. Chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng góp phần làm tăng Chỉ số VN-Index lên mức cao kỷ lục vào tháng 11 năm 2021. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành trong năm 2021 đạt mức tương đương 13,7 tỷ đô la, tăng 32% so với năm 2019. Các nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính dần xuất hiện. Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua các đợt phát hành riêng lẻ, phần lớn không có tài sản bảo đảm và không được xếp hạng tín nhiệm, gây lo ngại về rủi ro tiềm ẩn. Nợ xấu (NPL) có thể tiếp tục tăng khi việc cơ cấu lại khoản vay và giữ nguyên nhóm nợ dừng lại.

Xuất khẩu thương mại hàng hóa tăng lên 19% vào năm 2021, từ mức 7% vào năm 2020. Các lô hàng điện thoại di động, máy tính và điện tử chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13,2%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 28,4% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu, tiếp theo là Trung Quốc. Chính sách “không COVID-19” của Trung Quốc đã cản trở xuất khẩu sang nước này vào năm 2021 và trong 2 tháng đầu năm 2022.

Thặng dư thương mại hàng hóa giảm xuống còn 4,9% GDP từ mức cao kỷ lục 8,9% năm 2020. Nhập khẩu tăng do phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong nước. Thặng dư thương mại thu hẹp, cùng với giảm thu ròng từ dịch vụ khiến cán cân vãng lai bị thâm hụt, ước vào khoảng 1,1% GDP so với mức thặng dư 4,4% vào năm 2020. Vốn vào ròng làm thặng dư tài khoản vốn tăng lên, ước tính 8,5% GDP, giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 3,9% GDP. Cuối tháng 12, dự trữ ngoại hối ước tính tương đương với 3,9 tháng nhập khẩu, giảm nhẹ so với mức 4,2 tháng vào cuối năm 2020. Bội chi ngân sách ước tính tăng lên mức 3,8% GDP so với 3,5% vào năm 2020. Thu ngân sách tăng nhẹ 1% do thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 22%, và thu từ dầu mỏ tăng 32%. Bù trừ với những khoản tăng này là sự sụt giảm 3% trong thu thuế nội địa do hoạt động kinh tế yếu hơn. Chi tiêu chính phủ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ gia tăng chi tiêu cho COVID-19 nhưng lại chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Đại dịch làm cho quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước chậm lại. Năm 2021, thu từ thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp này chỉ đạt 14,5% kế hoạch. Chất lượng tài sản ngân hàng bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế yếu đi. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ là khoảng 2,0% vào cuối năm 2021, so với mức 1,7% vào cuối năm 2020. Tổng nợ xấu, bao gồm cả các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) nhưng chưa được xử lý và các khoản cho vay khác có rủi ro trở thanh nợ xấu ước tính khoảng 3,8% tổng dư nợ.

Triển vọng kinh tế Tăng trưởng GDP của Việt Nam

ADB dự báo đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023 - sự phục hồi có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao của Việt Nam, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ (ERDP). Tính đến ngày 22/3, 79,4% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ và 47,5% đã được tiêm mũi thứ ba. Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép chính phủ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, gây gián đoạn. Sự chuyển hướng kịp thời trong chiến lược kiểm soát dịch bệnh giúp khôi phục hoạt động kinh tế và giảm sự bất ổn trong môi trường kinh doanh. Khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh trong lĩnh vực chế biến chế tạo cho thấy 81,7% số doanh nghiệp được hỏi tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn vào năm 2022. Trong quý I năm 2022, tăng trưởng GDP đạt mức 5,0%, cao hơn mức 4,7% của năm trước.

Ngày 11/1, Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, ước tính lên đến 15 tỷ đô la để triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023. 11,5 tỷ đô la của chương trình bao gồm các giải pháp tài khóa như chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội; và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Các giải pháp tiền tệ của ERDP sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm lãi suất cho vay 0,5% –1,0% trong năm nay và năm sau và tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Việc cắt giảm lãi suất và nhu cầu tín dụng phục hồi của các doanh nghiệp giúp đạt được chỉ tiêu này.

Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng đã lên 53,7 trong tháng 1/2022 (trên 50 cho thấy sự mở rộng) và lên 54,3 vào tháng Hai so với mức 52,5 trong tháng 12/2021, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ sự phục hồi của cầu nội địa và giá hàng hóa toàn cầu tăng. Các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng Ba và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, với dự báo tăng 5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Giải ngân tăng sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.

Chương trình ERDP sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như dịch chuyển lao động phục hồi sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Chỉ số môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam quý IV năm 2021 cho thấy các doanh nghiệp Châu Âu đánh giá tích cực và lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt trongkiểm soát COVID-19. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, bằng cách tao ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% –10% trong năm nay. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, và tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023.

Triển vọng phục hồi của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn. Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kể từ giữa tháng 3 có thể cản trở quá trình trở lại bình thường của nền kinh tế trong năm 2022. Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.

Cùng với đó, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát. Đến cuối quý I năm 2022, lạm phát bình quân tăng lên 1,9%, so với mức 0,3% của một năm trước đó. Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023. Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ. Bên cạnh việc chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công phức tạp có thể làm chậm việc triển khai chương trình ERDP của Việt Nam, giảm tác động mong muốn đối với tăng trưởng.

Thách thức về mặt chính sách – Đảm bảo triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng

Từ tháng 4/ 2020 đến tháng 7/2021, Chính phủ đã khởi động hai chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ, để giải quyết tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Sau đó, để ứng phó với sự bùng phát trở lại COVID-19 vào năm 2021, Quốc hội đã thông qua nghị quyết mới về các giải pháp tài chính và tiền tệ vào tháng 1 năm 2022 để đẩy nhanh việc thực hiện chương trình ERDP trong năm nay và năm tới. Việc triển khai hiệu quả chương trình có vai trò quan trọng để Việt Nam khôi phục động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, việc triển khai ERDP gặp một số thách thức về mặt chính sách.

Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cấu phần quan trọng nhất của ERDP và hoạt động này đã được phân bổ ngân sách 113 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho các năm 2022 và 2023. Việc đảm bảo triển khai cấu phần hạ tầng một cách kịp thời có thể rủi ro, do vấn đề mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án ở Việt Nam gây nên bởi các thủ tục đầu tư công, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu. Để thực hiện kịp thời cần phải đơn giản hóa triệt để và thay đổi các quy định về đầu tư công cũng như công tác phối hợp chính sách.

Tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). Đây là cấu phần tài khóa chính của ERDP, dự kiến sẽ thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên, do mức độ tín nhiệm và khả năng hồi phục là những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không đáp ứng được các tiêu chí này do tình hình tài chính và năng lực của họ đã bị suy yếu vì đại dịch COVID-19. Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009. Để tránh xảy ra tình huống này một lần nữa, cần phải có hướng dẫn rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện ERDP.

Một cấu phần tài khóa quan trọng khác của ERDP là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 cho các sản phẩm và dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%. Tổng giá trị cắt giảm thuế khoảng 49 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD). Việc giảm thuế VAT có thể tạo ra các tác động chuyển tiếp đáng kể và trên diện rộng nếu được thực hiện thành công. Tuy nhiên, các tiêu chí đáp ứng điều kiện và thủ tục rất phức tạp có thể hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với chính sách giảm thuế VAT. Cần có các tiêu chí về đáp ứng điều kiện và thủ tục rõ ràng hơn để hỗ trợ thực hiện chính sách giảm thuế VAT một cách nhanh chóng./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực