Lấy người bệnh làm trung tâm, khắc phục khoảng trống pháp lý về oxy y tế

Thứ hai, 12/08/2024 14:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Oxy y tế là nội dung còn ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Song các ý kiến đều thống nhất lấy quyền lợi người bệnh làm trung tâm, cần phải có quy định của pháp luật về khí oxy trong khám, chữa bệnh.

Sáng 12/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Khoảng trống pháp lý về oxy y tế

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hầu hết các nội dung của dự thảo Luật sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan, trừ nội dung oxy y tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp   

Báo cáo cụ thể, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tại Báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Xã hội đã đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật do không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dược. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn mong muốn đưa quy định về oxy tế vào dự thảo Luật này.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, trước đây oxy y tế được điều chỉnh trong các Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, song Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP lại không quy định sản phẩm này. Tiếp tục nhất quán với ý kiến đã nêu tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm khắc phục khoảng trống pháp lý đối với sản phẩm này bằng cách ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.

“Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội xin báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo” – Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nói. Nếu cần, có thể nghiên cứu quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về khí y tế Nghị quyết của Kỳ họp tới hoặc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo thủ tục rút gọn, trong đó quy định 01 Điều về khí y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tương tự như quy định về thiết bị y tế dùng trong khám bệnh, chữa bệnh.

Lấy người bệnh làm trung tâm

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận Ủy ban Xã hội đã chủ trì thẩm tra một cách tích cực, chủ động, khẩn trương, trách nhiệm để hoàn thiện dự án Luật.

Về oxy y tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là nội dung có tính chuyên môn sâu; có hay không đưa vào trong dự thảo Luật, nếu không đưa vào Luật này thì đưa vào luật nào hay văn bản có tính pháp lý nào của Chính phủ? Đây là sản phẩm đặc biệt đưa vào cơ thể người bệnh để chữa bệnh nên cần phải được Luật quy định với các quy phạm có tính nguyên tắc. Vì quyền lợi của người bệnh, có quy định pháp luật về khí y tế thì bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho người bệnh khi sử dụng loại khí này. Trong khi chưa được điều chỉnh trong Luật, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, có thể xem xét cân nhắc đưa nội dung này vào nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, dù là quy định trong văn bản luật, nghị quyết hay nghị định thì phải bảo hàm các loại khí sử dụng trong y tế, trong khám bệnh chữa bệnh; không nên chỉ đề cập đến oxy y tế. Trong trường hợp cần thiết, có thể đưa ra 2 phương án trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sắp tới để đại biểu Quốc hội đánh giá, thảo luận, cho ý kiến thêm.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là vấn đề còn khoảng trống pháp lý. Về mặt trách nhiệm, Chính phủ phải pháp luật hóa những vấn đề thực tiễn còn đang vướng mắc. Đồng thời nêu rõ, do Nghị định 98 đã bỏ nội dung này ra, nên nếu bây giờ không quy định thì hệ thống các nghị định không đủ điều kiện để đảm bảo triển khai thực hiện.

“Chúng tôi thống nhất một quan điểm nếu đưa được vào luật này là tốt nhất và sẽ đảm bảo ngay được cơ sở pháp lý, còn nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp

Đề xuất giải pháp xử lý vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng có thể bổ sung nội dung vào điều khoản thi hành của Luật để có cơ sở pháp lý giao Chính phủ ban hành quy định về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, giải pháp được Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đưa ra là phù hợp. Tha thiết đề nghị đưa vấn đề này vào luật, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ các lí do: Tổ chức Y tế thế giới đã quy định oxy y tế là thuốc thiết yếu. Hơn nữa oxy y tế thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam và có trong từ điển của Việt Nam. Bên cạnh đó, dùng oxy y tế phải có chỉ định của thầy thuốc, phải có theo dõi của thầy thuốc.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lấy quyền lợi người bệnh làm trung tâm, cần phải có quy định của pháp luật về khí oxy trong khám, chữa bệnh. Đây sẽ là cơ sở để sản xuất, quản lý và sử dụng, mặt khác cũng là cơ sở để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh khi sử dụng oxy y tế.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá kỹ lưỡng và cung cấp đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, phối hợp với Ủy ban Xã hội để đề xuất, thống nhất trong quy định văn bản pháp luật phù hợp. “Đề nghị các đồng chí tiếp thu ý kiến đồng chí Chủ tịch, dứt khoát chúng ta phải quy định việc này để khắc phục khoảng trống pháp lý và lấy người bệnh làm trung tâm” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực