|
Kết quả bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: Nikkei Asia |
Đây là lần đầu tiên một nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị đình chỉ tư cách tại một cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc. Nga trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2020. Phiên bỏ phiếu ngày 7/4 được thực hiện theo đề nghị của Mỹ và Nhóm G7.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc gồm 47 thành viên, được thành lập từ năm 2006 và không có thành viên thường trực. Các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc biểu quyết về các nghị quyết trong lĩnh vực nhân quyền, song không thành viên nào có quyền phủ quyết. Sau khi bị đình chỉ tư cách thành viên, một quốc gia bị tước bỏ quyền biểu quyết, song vẫn có thể tham dự các cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn 2017-2019, Nga không phải là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do cơ chế luân chuyển thành viên trong khuôn khổ hội đồng. Quyết định do Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa đưa ra chỉ ảnh hưởng tới quy chế thành viên hiện nay của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, vốn sẽ kết thúc vào năm 2023. Sau thời gian trên, Nga có thể đệ đơn xin gia nhập trở lại.
Vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống J.Biden đã khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Nhiều nước phản đối việc Nga bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Phản ứng sau quyết định trên, các đại diện Nga đây là một bước đi mang động cơ chính trị, sẽ mang lại những nguy cơ đối với toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc.
Ngay sau diễn biến trên, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Moscow coi nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trước đó cùng ngày tại New York nhằm đình chỉ tư cách thành viên của Liên bang Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập".
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, dù quyết định kết thúc sớm nhiệm kỳ của mình song Moscow sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ các quyền con người.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã phản đối Nga bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cho rằng quyết định này không có lợi cho một giải pháp hòa bình, thương lượng và lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc – ông Trương Quân đã tỏ rõ quan điểm phản đối việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023. Đại diện ngoại giao này cho rằng đây là một bước đi “vội vàng”, có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên và làm gia tăng đối đầu giữa các bên liên quan./.