Ngăn hiện tượng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản

Thứ ba, 28/11/2023 12:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để ngăn chặn hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh, quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, "bỏ cọc", tạo mặt bằng giá ảo" để thao túng thị trường... đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” như dự thảo Luật Đấu giá tài sản là cần thiết.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là mức tiền đặt trước, quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản...

Lỗ hổng lớn nhất là xác định “vốn thực có” của người tham gia đấu giá

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QH

Đại biểu nêu hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh, quân đỏ” lộng hành, hay thông đồng, làm sai lệch kết quả đấu giá, đe dọa người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng “giá ảo" để thao túng thị trường... Đại biểu cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng này, dự thảo Luật quy định xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Khải, cần nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không đủ năng lực tài chính, “nguồn vốn” tham gia đấu giá tài sản.

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, Luật đấu giá tài sản hiện hành không quy định vấn đề xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Theo đại biểu, việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào ngân hàng bảo lãnh…

Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

“Đây là câu chuyện không chỉ của Luật Đất đai mà còn là chuyện đầu cơ phức tạp, họ có thể lợi dụng từ giai đoạn đấu giá, bị can thiệp bởi nguồn "vốn đen" chiếm dụng hay rửa tiền...dẫn đến tính khả thi của tài sản đấu giá chậm trễ, kéo dài, bị khai thác sử dụng theo ý đồ doanh nghiệp hay thế lực khác”, đại biểu đoàn Hà Nam cảnh báo.

Từ phân tích trên, theo đại biểu, một mặt cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về 8 trường hợp đấu giá tại Điều 118 Luật đất đai. Mặt khác, cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định: nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá hay việc liên kết nhận uỷ quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ 2, thứ 3 vào điểm 5, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi lần này.

Điều này sẽ khắc phục tình trạng nhũng nhiễu trong đấu giá quyền sử dụng đất bằng nguồn vốn thiếu minh bạch, người tham gia đấu giá có thể trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc bóp méo thị trường đất đai hoặc giành giật quyền mua tài sản "phi vật thể" giá trị kinh tế, thương mại, an ninh, xã hội...

Về những người không được tham gia đăng ký đấu giá tài sản, đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định không đủ năng lực tài chính (nhằm xác định lý lịch tài chính người tham gia đấu giá vào hồ sơ, trong đó xác định rõ ngành nghề, công việc, nguồn vốn, lịch sử tham gia đấu giá, việc đóng thuế, vi phạm hành chính, kinh tế…).

"Những bổ sung này là rất cần thiết, nhất là người tham gia đấu giá những tài sản có giá trị rất lớn, tài sản “phi vật thể” là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hay quyền sử dụng rừng. Quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp là tài sản rất lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng lâu dài liên quan đến an ninh kinh tế, quốc phòng..., vì vậy, không phải ai cũng có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá", đại biểu chỉ rõ.

Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản

Đồng quan điểm trên, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, trong hoạt động đấu giá còn những bất cập, tiêu cực như: Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”: thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá. Quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập…

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QH

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Đối với tài sản thi hành án, đại biểu cho rằng, đây là tài sản đặc thù. Mặt khác chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật (không phải là người sử dụng, người sở hữu tài sản). Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với các quy định về thi hành án, cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản.

“Quân xanh, quân đỏ” ngày càng tinh vi

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.

Đại biểu đoàn Hà Nội nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.

Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của dự thảo luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực