Nhiều ý kiến tranh luận về dự án Luật An ninh mạng

Thứ ba, 29/05/2018 17:29
(ĐCSVN) - Dự luật An ninh mạng trình Quốc hội đã bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ nhưng vẫn yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Toàn cảnh phiên họp sáng 29/5 (Ảnh: quochoi.vn)

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến, sử dụng quyền tranh luận khi thảo luận về dự án Luật An ninh mạng sáng 29/5, tại Hội trường Quốc hội.

Giữ quy định yêu cầu đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, các vị  đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo quy trình.

Liên quan đến bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, ông cho biết vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trong đó, nhiều ý kiến nhất trí là bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam.

Một số ý kiến không nhất trí với quy định này, vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên... nên đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.

Ông Võ Trọng Việt cho biết, UBTVQH thấy rằng, nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam và một số tổ chức có ý kiến góp ý. UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan.

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, UBTVQH chỉnh lý như sau: Về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, UBTVQH đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước.

Chủ nhiệm Võ Trọng Việt phân tích, việc quy định như vậy sẽ có nhiều thuận lợi. Trước hết, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Quy định vậy cũng phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.

Mặt khác, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế.

Đồng thời, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Khó khả thi, không phù hợp?

Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu không chỉ phát biểu ý kiến mà còn sử dụng quyền tranh luận để bàn về vấn đề này.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) bày tỏ đồng tình cao việc thông qua luật an ninh mạng nhằm phòng ngừa ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng. Đại biểu đồng tình với quy định doanh nghiệp ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo đại biểu, các quy định trên sẽ hữu ích nếu thực hiện được nhằm kiểm soát dữ liệu, người dùng phục vụ điều tra, ngăn chặn tội phạm, chống xuyên tạc phản động.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, nếu phía doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện thì giải pháp là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam không? Từ đó, đại biểu đề nghị cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế.

Theo đại biểu, để đảm bảo an ninh mạng trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm hết sức nặng nề. Vì vậy Ban soạn thảo cần rà soát, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, trách nhiệm trong việc phối hợp để không chồng chéo, dễ dàng thực thi trong thực tế.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cũng cho rằng, việc xây dựng luật an minh mạng trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh sự chồng chéo không cần thiết về quản lý nhà nước; tránh tạo ra quá nhiều rào cản dẫn đến gánh nặng tuân thủ cho các cơ quan, tổ chức cá nhân cung câp dịch vụ; làm cản trở, hạn chế lợi ích được thụ hưởng dịch vụ tốt, chính đáng của người dân Việt Nam.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật An ninh mạng, đại biểu đặc biệt quan tâm tới quy định yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam.

Đại biểu thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc yêu cầu này là khó khả thi, không phù hợp tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

Theo đại biểu, hiện nay, các máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook… đều đặt tại nước ngoài. Với công nghệ phát triển hiện nay, máy chủ không phải là máy cụ thể, mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó, xu hướng này là xu hướng tiến tới trong đó có nước ta. Từ thực tế này, việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm quản lý máy chủ, quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam là khó khả thi.

Đại biểu cũng phân tích, nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.

Lí do khác được đại biểu đưa ra là, trong cam kết của tổ chức Thương mại thế giới, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là dịch vụ không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không có quy định phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU mà Việt Nam đã kí kết cũng tương tự. “Chính vì vậy, nếu quy định như dự luật sẽ không đúng với các cam kết mà Việt Nam đã kí kết” – đại biểu khẳng định.

Trái với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nhấn mạnh, yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo chủ quyền quốc gia, góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; “Youtube đã có văn phòng đại diện trên khoảng 80 nước, Google cũng có đã khoảng 70 địa chỉ trên thế giới” – đại biểu nói thêm./.

Ngoài nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; về hoạt động thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; các biện pháp bảo vệ an ninh mạng…/.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực