Nợ công bình quân đầu người có xu hướng tăng qua các năm

Thứ hai, 23/05/2022 16:19
(ĐCSVN) - Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người).

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, chiều 23/4, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Quốc hội làm việc tại Hội trường ngày 23/5. (Ảnh: TL) 

Nợ công bình quân đầu người có xu hướng tăng qua các năm

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng, tác động đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc phát triển thực hiện nhiệm vu thu, chi NSNN. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 2,91%, giảm so với kế hoạch 6,8% nhưng vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng dương. Tuy nhiên, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021, cho thấy nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục phải chấn chỉnh, khắc phục trong những năm tới.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 trước Quốc hội chiều 23/5. (Ảnh: ĐT)

Kết quả kiểm toán cho thấy, còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 chưa phù hợp quy định; chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước 7.170 tỷ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà (KTNN) nước chỉ rõ, nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý quá hạn đến 31/12/2020 là 7.115 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.

Việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được KTNN phát hiện qua kiểm toán, đối chiếu, từ đó đã kiến nghị tăng thu NSNN 8.802,6 tỷ đồng. Nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% so với năm 2019, chủ yếu do thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 (24.987 tỷ đồng). Nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý quá hạn đến 31/12/2020 là 7.115 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019, trong năm 2020 chưa thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.

Bội chi NSNN 216.405,59 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, bằng tỷ lệ bội chi theo dự toán đầu năm và thấp hơn  so với mức 5,41% GDP theo Nghị quyết số 128/2020/QH14; trong đó bội chi ngân sách trung ương (NSTW) quyết toán 213.088,59 tỷ đồng, giảm 4.711,4 tỷ đồng so với dự toán, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) quyết toán 3.316,99 tỷ đồng, giảm 13.683 tỷ đồng so với dự toán.

Cùng với đó, báo cáo kiểm toán cũng nêu rõ, dư nợ công đến 31/12/2020 là 3.520.601,39 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP). Nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người).

Trước kết quả trên, KTNN đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 do Chính phủ trình: Thu cân đối NSNN 2.279.735,577 tỷ đồng; Chi cân đối NSNN 2.352.929,840 tỷ đồng; Bội chi NSNN 216.405,589 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện.

Làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN

Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020 tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với các đánh giá về những khó khăn và kết quả đạt được nêu trong Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo của KTNN còn nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, thẩm định quyết toán NSNN năm 2020 tại một số bộ, ngành, địa phương.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020 trước Quốc hội chiều 23/5. Ảnh: ĐT

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nhiều năm vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội.

Về quyết toán thu NSNN năm 2020, Ủy ban TCNS lưu ý, bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm lưu ý, như thu NSTW không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%), giảm dần vai trò chủ đạo của NSTW; huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế nêu trên, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này.

Về quyết toán chi NSNN năm 2020, theo Ủy ban TCNS, bên cạnh các kết quả tích cực, Ủy ban TCNS nêu rõ, trong quản lý chi tiêu NSNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục triệt để.

Về thực hiện các kiến nghị của KTNN, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Thị Phú Hà, năm 2020, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 70,8% số kiến nghị liên quan đến tài chính năm 2019, cao hơn so với năm trước (đạt 68,3%); nhưng mới chỉ xử lý thêm được 12,5% số kiến nghị của KTNN liên quan đến xử lý tài chính đối với niên độ NSNN năm 2018 trở về trước chưa thực hiện; vẫn còn 70/103 kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai thực hiện

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, trong đó làm rõ các kiến nghị không có khả năng thực hiện do các đơn vị được kiểm toán không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động…

Đề nghị KTNN xem xét, có ý kiến phản hồi chính thức đối với các kiến nghị chưa thống nhất, đang trong quá trình giải trình để xử lý dứt điểm các kiến nghị này.

Trên cơ sở phân tích tại báo cáo thẩm tra đầy đủ, Ủy  ban TCNS đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán đối với một số khoản chi chưa đúng quy định, bao gồm 19 tỷ đồng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế - đường sắt của Bộ Giao thông vận tải chỉnh lý, thẩm định, tổng hợp quyết toán chậm, không đúng thời gian quy định của Luật NSNN; số sử dụng sai nguồn đầu tư (từ nguồn thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết) đã bố trí tăng chi thường xuyên theo số liệu các địa phương đã phê chuẩn quyết toán; chuyển nguồn 858,226 tỷ đồng số dự phòng NSTW năm 2019 sang năm 2021 theo số thực giải ngân đến ngày 31/12/2021; hủy bỏ 291,968 tỷ đồng số vốn chưa giải ngân để giảm bội chi NSTW theo số tương ứng.

Về quyết toán NSNN năm 2020, với hướng xử lý số liệu như trên, Ủy ban TCNS trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.280.027,5 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 2.352.929,8 tỷ đồng; bội chi NSNN là 216.113,6 tỷ đồng, bằng 3,43% GDP./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực