Triển khai chủ trương "bình thường mới" - mỗi nơi một kiểu

Thứ sáu, 15/10/2021 20:07
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn y tế, nhiều địa phương đã tích cực triển khai chủ trương này. Tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khi qua chốt kiểm soát.

Nhiều địa phương tích cực triển khai “thích ứng an toàn”

Tỉnh Đồng Nai xếp ở mức bình thường mới trên phạm vi toàn tỉnh. Cụ thể, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai vào ngày 15/10, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, căn cứ Nghị quyết số 128 của Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128, Đồng Nai được xếp ở mức bình thường mới (cấp độ 1).

Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, ở quy mô cấp huyện, cơ quan chức không ghi nhận địa phương nào ở cấp độ 3, 4 (nguy cơ cao và nguy cơ rất cao); 3 địa phương ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) là TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom, 8 địa phương còn lại xếp cấp độ 1 (bình thường mới). Ở quy mô cấp xã, không có xã nào ở vùng nguy cơ rất cao, 8 xã xếp cấp độ 3, 12 xã cấp độ 2 và 150 xã bình thường mới.

Theo nhận định của Sở Y tế, trong thời gian tới khi tỉnh trở về trạng thái bình thường mới, số ca mắc COVID-19 có khả năng tăng cao nhưng sẽ không đáng ngại bởi số ca bệnh nặng không nhiều do tỉnh đã phủ vắc xin đạt tỷ lệ cao.

Về hoạt động sản xuất, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay đã có hơn 1.400 doanh nghiệp trong khu công nghiệp sản xuất trở lại, số người lao động đi làm trở lại cũng tăng.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, dù tỉnh đã xếp loại bình thường mới nhưng chưa thực sự an toàn, người dân không nên chủ quan, cần hết sức cảnh giác, thực hiện nghiêm 5K để phòng ngừa dịch bùng phát trở lại.

Đối với các xã, huyện đang ở cấp độ dịch 2,3, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các ngành chức năng dồn sức để hỗ trợ địa phương trở về trạng thái bình thường mới, chậm nhất đến cuối tháng 10 năm nay.

Đồng Nai từng là một trong những điểm "nóng" về tình hình dịch bệnh của cả nước với hàng chục ngàn ca mắc COVID-19. Tuy vậy, hiện nay địa phương này đã cơ bản kiểm soát được dịch, số ca mắc mới giảm đáng kể, tỉ lệ ca bệnh tử vong cũng ngày càng ít.

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng sẽ mở lại hàng loạt hoạt động từ 0h ngày 16/10. Ảnh: Vietnamnet.vn)

Đà Nẵng mở lại hàng loạt hoạt động từ 16/10. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, dự kiến từ 0h ngày 16/10, TP Đà Nẵng sẽ chuyển các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấp độ 2, cho mở lại gần như toàn bộ các hoạt động như hàng quán ăn uống được bán phục vụ tại chỗ, kèm điều kiện không được quá 50% công suất; tăng số người hội họp trong một phòng. Các hoạt động phòng tập gym, yoga cũng được mở lại. Tuy nhiên, TP sẽ tiếp tục dừng các hoạt động như cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, vũ trường…

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, hiện nay 56/56 xã, phường trên toàn TP đã trở thành vùng xanh (không ghi nhận ca mắc COVID-19 cộng đồng trong 14 ngày). Địa phương đã đạt tỉ lệ hơn 95% người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Quảng Ninh yêu cầu thực hiện quy định mới “thích ứng an toàn”

Ngày 15/10, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành công điện hoả tốc về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 128 ngày 11/10 của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ tham mưu UBND tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch. Hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 16/10.

Chủ động ban hành ngay hướng dẫn cụ thể phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch tại ba cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các kế hoạch xét nghiệm, các biện pháp cách ly y tế phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định. Hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người. Hoàn thành trước ngày 17/10.

Triển khai an toàn, khoa học, hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong toàn quốc. Tham mưu xây dựng lộ trình tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở GTVT căn cứ các quyết định số 1740, số 1777 của Bộ GTVT về việc tổ chức hoạt động vận tải. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện đúng theo hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho xe chở người, hàng hoá ra vào tỉnh để phục vụ sản xuất kinh doanh bảo đảm lưu thông hàng hóa, thông suốt, thuận lợi, không gây ách tắc, không làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo phòng, chống dịch.

Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể theo dõi toàn bộ số người lưu trú, ra vào tỉnh, làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để phục vụ công tác phòng, chống dịch….

Bắc Giang không yêu cầu giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 với người vào tỉnh

Ngày 15/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký văn bản số 5414 về việc điều chỉnh biện pháp chống dịch COVID-19 đối với người đến/về tỉnh từ địa phương khác.

Theo văn bản số 5414, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Quyết định số 4800 của Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn y tế, tỉnh Bắc Giang đã có điều chỉnh biện pháp chống dịch COVID-19.

Đối với người đến/về Bắc Giang từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3), tỉnh Bắc Giang không yêu cầu phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, không áp dụng lấy mẫu xét nghiệm khi vào tỉnh (trừ trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau đầu...).

Người tới tỉnh phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Tỉnh yêu cầu tạm thời thực hiện theo hướng dẫn của công văn số 5355/UBND-KGVX ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly y tế, thực hiện biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh cho đến khi có hướng dẫn mới.

Với F1, thực hiện cách ly y tế tập trung ít nhất đủ 14 ngày.

Đối với người nhập cảnh, trường hợp người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã điều trị khỏi COVID-19 thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo và lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Trẻ em dưới 5 tuổi có thể cách ly tại nhà. Người già yếu, người thiểu năng trí tuệ… căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương xem xét, quyết định.

F2 cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT- PCR của F1.

Đối với người đến/về Bắc Giang từ các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K; khai báo y tế tại các chốt kiểm soát dịch.

Trường hợp còn lại thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 3 lần. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo.

Đối với F0 đã điều trị khỏi cần tiếp tục được cách ly tại nhà.

Nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khi qua chốt

Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, trong đó nêu rõ việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn yêu cầu phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.

Cụ thể, Hướng dẫn nêu rõ không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ) hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 (vùng cam).

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành vẫn yêu cầu phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính khi đi qua các chốt kiểm soát giáp ranh các địa phương. Cụ thể:

Hà Nội: mặc dù sáng nay 15/10, lực lượng chức năng của Hà Nội đã rút chốt kiểm soát người và xe ra/vào số 8 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng thành phố vẫn còn 21 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào Thủ đô. Tại  các chốt kiểm soát này vẫn duy trì việc kiểm tra giấy đi đường, giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính và giấy tờ tùy thân với người ra, vào TP.

leftcenterrightdel

 Vẫn còn nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khi qua chốt kiểm soát. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL)

Bắc Ninh cũng tiếp tục siết chặt công tác quản lý phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, đặc biệt là kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác đến bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Tỉnh Thái Nguyên áp dụng theo Công văn số 4716, yêu cầu người ngoại tỉnh từ vùng xanh về phải có giấy test nhanh. Trường hợp chưa có, người dân được test tại chốt kiểm soát dịch và tự chi trả chi phí.

Tại Nghệ An, người dân ra vào TP Vinh vẫn phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh. Trường hợp phiếu báo kết quả hết hiệu lực, người dân bắt buộc phải thực hiện test COVID-19 mới được vào TP Vinh. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được cho qua chốt.

Tại Quảng Trị, từ ngày 14/10, người vào tỉnh vẫn phải có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2; người tiêm đủ 2 liều vaccine về từ vùng dịch, phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày. Tỉnh đã ban hành công văn gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu xây dựng kế hoạch "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trình UBND tỉnh trước ngày 16/10.

Quảng Ngãi cũng kiểm soát nghiêm ngặt, yêu cầu người vào tỉnh lưu trú phải khai báo y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tài xế của xe tải chở hàng hóa phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được phép lưu thông qua chốt.

Tỉnh An Giang yêu cầu đối với phương tiện vận tải hàng hóa (đã đăng ký luồng xanh), tài xế và người đi cùng đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (qua 14 ngày), có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế, hướng dẫn cho khai báo y tế (không test nhanh tại chốt) thì cho vào tỉnh An Giang. Quy định này áp dụng từ 17h ngày 13/10 cho đến khi có thông báo mới.

Bạc Liêu yêu cầu lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tất cả các trường hợp người và phương tiện vận chuyển hàng hóa vào tỉnh. Tất cả mọi người không được di chuyển vào tỉnh nếu không có sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu vào tỉnh phải cách ly tập trung hoặc tại cơ sở lưu trú.

Có thể nói, việc duy trì các "chốt" và yêu cầu trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là trái với tinh thần Nghị quyết 128, trái với hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ngày 12/10./.

 

Đỗ Thoa (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực