Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường để thu hút đào tạo, bồi dưỡng trí thức

Thứ sáu, 24/02/2023 15:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả quan trọng, nổi bật đã đạt được; phân tích hạn chế, khó khăn và tổng kết các bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là tập trung thảo luận vào chuyên đề về: “Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường để thu hút đào tạo, bồi dưỡng trí thức”; từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong giai đoạn mới.
leftcenterrightdel
 Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Sáng 24/2, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả quan trọng, nổi bật đã đạt được; phân tích hạn chế, khó khăn và tổng kết các bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là tập trung thảo luận vào chuyên đề về: “Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường để thu hút đào tạo, bồi dưỡng trí thức”; từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lại Xuân Môn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị từ thực tiễn hoạt động, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ về một số kết quả nổi bật chính đã được đề cập trong dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm và Báo cáo kết quả thăm dò dư luận về xây dựng đội ngũ trí thức do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Các đại biểu cho ý kiến về một số kết quả nổi bật; những tồn tại hạn chế; bài học kinh nghiệm được rút ra và gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp nêu trên đã trúng, đúng chưa, cần bổ sung, thêm bớt nội dung nào.

Trong đề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết: Năm 2008, Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định: Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.

15 năm qua, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nhiều trí thức có trình độ cao, năng động sáng tạo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

leftcenterrightdel
 Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Tuy nhiên trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, số cán bộ nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực. Thống kê từ Bộ KHCN cho thấy chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân; đặc biệt là số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ còn rất thấp, tổng số chỉ là gần 30.000 tiến sĩ.

Công tác đào tạo khối ngành khoa học công nghệ chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chưa bền vững. Cụ thể, số lượng nhập học không đồng đều giữa các nhóm ngành, có xu hướng giảm, nhất là ở trình độ sau đại học. Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số lượng nghiên cứu sinh (NCS) các nhóm ngành này liên tục giảm trong 3 năm gần đây: năm 2019 là 1379 NCS thì năm 2021 chỉ còn 1010 NCS. Ở bậc ĐH số lượng thí sinh nhập học ngành CNTT liên tục tăng, từ 46.173 sinh viên năm 2019 lên 56,260 sinh viên năm 2022 đạt 100% chỉ tiêu; trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống thì số lượng sinh viên nhập học chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được như ngành Hải Dương học, Địa chất. Tổng số sinh viên nhập học của các nhóm ngành này chỉ đạt chưa đến 30% tổng số sinh viên nhập học.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP là rất thấp, chỉ đạt 0,25% - 0,27%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6% - 1%. Khảo sát gần 20.000 sinh viên đại ĐHQG-HCM cho thấy có 10,21% sinh viên xuất sắc, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước; Khảo sát cũng nghi nhận có khoảng 15,6% sinh viên của ĐHQG-HCM muốn được làm việc cho các cơ quan Trung ương tại Hà Nội trong khi tỷ lệ muốn ở lại TP Hồ Chí Minh là 44,8%.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy, mặc dù TP Hồ Chí Minh hội đủ các điều kiện thuận lợi để tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tiến trình phát triển của TP và đất nước, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cả Nghị quyết của HĐND để phát huy, thu hút các trí thức về công tác tại các khu công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học… nhưng việc thu hút các chuyên gia chưa đạt như mong muốn của TP.

Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi: Trí thức không chỉ là các chuyên gia nước ngoài, hay ở ngoài TP, trong hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ khoa học, công nghệ mà văn học nghệ thuật cũng rất đông đảo và tất cả đội ngũ trí thức này cũng đang miệt mài lao động sáng tạo và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP. Dù vậy, những chính sách của TP dường như chưa bao gồm, chưa tiếp cận được, chưa thực sự động viên được để thu hút đội ngũ này.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phan Văn Mãi đề xuất, Trung ương cần có định hướng, cơ chế chính sách có tầm quốc gia để TP Hồ Chí Minh và các địa phương có căn cứ cụ thể tiếp tục triển khai tốt hơn Nghị quyết trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh sẽ thông qua cơ chế đặt hàng các nghiên cứu khoa học công nghệ, cơ chế giao nhiệm vụ để thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức; đồng thời thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trong các cơ quan, đơn vị của TP. Thành phố cũng có chủ trương, chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia quốc tế thông qua cơ chế hỗ trợ nhà ở, lương, thưởng; cơ chế để các chuyên gia, các nhà khoa học được đào tạo trong nước, ngoài nước, có thể tham gia thường xuyên hơn vào các hội thảo quốc tế, văn học, nghệ thuật… là những vấn đề mà TP cũng đang nghiên cứu.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề xuất, Trung ương cần có định hướng, cơ chế chính sách có tầm quốc gia để TP Hồ Chí Minh và các địa phương có căn cứ cụ thể tiếp tục triển khai tốt hơn Nghị quyết trong thời gian tới.

Từ việc nêu thực tế trong triển khai thực hiện chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ĐHQG-HCM, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) cho rằng, cần có cơ chế nguồn nhân lực  khoa học công nghệ của ĐHQG-HCM thụ hưởng các chính sách nguồn nhân lực khoa học công nghệ của thành phố Hồ Chí Minh và có cơ chế đóng góp cho sự phát triển của TP; đảm bảo môi trường tự chủ thực sự cho các trường đại học nói chung, ĐHQG-HCM và các trường thành viên nói riêng để có những chính sách đột phá trong thu hút đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; cần có chính sách đột phá để thu hút và bồi dưỡng đội ngũ trí thức làm nòng cốt phát triển khoa học, công nghệ trong tương lai; hoàn thiện phương thức quản lý, khai thác tài sản trí tuệ và gia tăng ngân sách bên ngoài đơn vị thành viên cho hoạt động khoa học công nghệ…

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hàng loạt các chính sách sử dụng, trọng dụng  nhân tài và tôn vinh cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện trong những năm qua. Đây là nguồn động viên cả về vật chất và tinh thần, là động lực để đội ngũ trí thức cống hiến tâm huyết, tài năng cho đơn vị công tác và cho hoạt động phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.

leftcenterrightdel
 Hội thảo “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng chỉ rõ, với các đặc thù trong hoạt động khoa học công nghệ, nhiều chính sách ban hành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hệ thống chính sách trong quản lý tài chính công, quản lý tài sản công và quản lý viên chức chưa phản ánh thực tế hoạt động đặc thù của trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ dẫn đến nhiều chủ trương chính sách về trí thức khoa học công nghệ còn chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả chưa cao… Một số chính sách trọng dụng các nhà khoa học như chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành chưa triển khai được; chưa có hành lang pháp lý đầy đủ trong việc giao quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước; Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước, tuy nhiên việc triển khai còn vướng mắc về đấu thầu trong sử dụng ngân sách Nhà nước.

Để hoàn thiện hệ thống chính sách đối với đội ngũ trí thức, ông Nghĩa kiến nghị, Chính phủ cần rà soát các Luật, bộ Luật để bổ sung các chính sách đặc thù cho hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập cũng như đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ./.

Hoàng Mẫn - Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực