Thành phố Sông Công: Hướng tới mục tiêu trở thành đô thị công nghiệp hiện đại

Thứ năm, 15/09/2022 17:17
Gần 40 năm hình thành và phát triển, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên ngày nay đã có những bước chuyển mình nhanh chóng và tích cực. Thành phố hội tụ đủ mọi yếu tố thu hút đầu tư và luôn hướng tới mục tiêu trở thành đô thị công nghiệp hiện đại.

Thành phố trẻ nhiều tiềm năng phát triển

Đảng bộ Sông Công luôn xác định mục tiêu xây dựng Sông Công trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, với cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - thương mại dịch vụ là trọng tâm, chuyển dịch kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là chủ đạo. Bằng những mục tiêu cụ thể, với những giải pháp phù hợp, những năm qua dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban Chấp hành Đảng bộ và chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, do vậy kinh tế - xã hội của thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực: Kinh tế luôn giữ ở mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Đường Cách Mạng Tháng 10, đoạn Khu A, Khu công nghiệp 

Tỷ trọng Công nghiệp và Xây dựng cơ bản chiếm 78%; Thương mại dịch vụ chiếm 18%; Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 4%. Năm 1985 tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 27,2 tỷ đồng, đến nay đạt trên 14.500 tỷ đồng tăng gần 533 lần so với năm 1985. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 là 0,355 triệu đồng/người/năm, đến hết năm 2021 đạt 77 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách hàng năm tăng gần 20%. Nổi bật trong phát triển kinh tế của thành phố là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng, ban đầu chỉ có 1 cụm công nghiệp với 3 nhà máy, đến nay đã có 02 khu công nghiệp tập trung của tỉnh và 4 cụm công nghiệp, thu hút trên 350 doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Hoạt động thương mại dịch vụ không ngừng tăng lên, đến nay đã có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, với các loại hình kinh doanh đa dạng góp phần đáng kể trong thu nộp ngân sách và đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, phục vụ đời sống của nhân dân.

 Đường Thắng Lợi kéo dài, thành phố Sông Công.

Chính quyền thành phố Sông Công có quan điểm: Xác định thu hút đầu tư là một trong những khâu đột phá của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, để tăng cường thu hút đầu tư tương xứng với tiềm năng của một thành phố công nghiệp, trong năm 2022, Sông Công sẽ tiếp tục tích cực chủ động phối hợp với các ngành của tỉnh tiếp tục rà soát thực trạng phát triển KCN Sông Công I theo hướng điều chỉnh, giảm diện tích ở các khu vực lõi đô thị đông dân cư; điều chỉnh bổ sung và định hướng phát triển về phía Bắc để thực hiện giải pháp quy hoạch điều chỉnh toàn diện, đồng bộ, hoàn thiện thủ tục triển khai mở rộng KCN Sông Công II, giai đoạn 2 thêm 300 ha, nâng tổng diện tích của KCN này lên 550ha, lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.

Thành phố phối hợp cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên thu hút các dự án có tiềm năng, có hàm lượng khoa học - công nghệ kỹ thuật cao, sạch, có sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng lớn sử dụng nhiều lao động vào KCN Sông Công II. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Bá Xuyên, Cụm công nghiệp Lương Sơn để tăng nguồn thu ngân sách địa phương, thu hút lao động trong và ngoài địa phương khác về thành phố Sông Công...

Điểm sáng thu hút đầu tư

Sông Công được xem là một trong những “thành phố trẻ’’ có bước chuyển mình nhanh chóng và tích cực. Với sự nỗ lực đổi mới, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các ngành trọng điểm, đã giúp thành phố Sông Công trở thành một trong những thành phố có nhiều điểm sáng thu hút đầu tư top đầu trên cả nước.

Với những lợi thế sẵn có, Sông Công đã tự tạo thêm lợi thế bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, xây mới và nâng cấp hệ thống giao thông đô thị, tuyến đường giao thông liền mạch trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới và phát triển mạng lưới đô thị, điểm dân cư tập trung, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, Sông Công còn đầu tư vào các khu công nghiệp, có thể nói, đây cũng là một trong những “điểm sáng’’ giúp Sông Công thu hút các nhà đầu tư.

Cụm công nghiệp Nguyên Gon, phường Cải Đan. 

Thành phố đã đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời huy động mọi nguồn lực để thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố để từ đó trở thành thành phố công nghiệp. Thông qua nhiều giải pháp thiết thực nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố đã có được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện xây dựng đô thị của Sông Công góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Trong năm 2021, thành phố Sông Công ước đạt giá trị sản xuất trên 13.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 170 triệu USD, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 550 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 77 triệu đồng/người/năm, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt khoảng 2.265 tỷ đồng..

Theo kế hoạch đề ra, Sông Công tiến tới hoàn thành việc lập Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị; điều chỉnh, triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho 54 khu đô thị, khu dân cư; hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư cho 43 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 11.600 tỷ đồng; trong đó, có 30 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư 3.180 tỷ đồng và 13 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.444 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp mang tính đột phá được thành phố Sông Công tập trung thực hiện đó là ưu tiên giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Công tác bồi thường, GPMB của thành phố luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Phòng Tài nguyên và môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể của thành phố, Đảng ủy, UBND các xã phường tập trung cao độ cho công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB các dự án trọng điểm, các dự án còn tồn đọng, và các dự án mới triển khai thực hiện năm 2022.

5 năm trở lại đây, thành phố Sông Công đã GPMB trên 500ha đất với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 1.700 tỷ đồng. Từ chỗ chỉ có 1 Cụm công nghiệp Gò Đầm với 3 doanh nghiệp đầu tiên, đến nay thành phố Sông Công đã có 2 KCN tập trung là Sông Công I và Sông Công II cùng 4 cụm công nghiệp với trên 450 đơn vị sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh. Làm tốt công tác GPMB đúng tiến độ đã góp phần phát huy hiệu quả, thu hút đầu tư tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

CTV Truyền hình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực